Nếu châu Âu ngại cấm vận dầu khí của Nga, sao không thử đánh thuế?
Thực trạng đáng buồn của châu Âu
Chắc chắc vùng ngoại ô Lubmin của Đức hay cảng Rotterdam của Hà Lan không phải là những điểm đến hấp dẫn trên đất châu Âu. Tuy nhiên, có rất ít nơi có thể giúp người dân lục địa già hiểu rõ hơn về những gì đang thực sự diễn ra.
Tại cảng Rotterdam, các tàu thuyền từ Nga đang kín đáo bốc dỡ hàng trăm nghìn thùng dầu thô trị giá tới 80 triệu USD, số “vàng đen” này sẽ được mang đến xử lý tại các nhà máy lọc dầu trên khắp châu Âu.
Xa hơn, nằm tách mình ra khỏi sự chú ý của công chúng, đường ống Nord Stream 1 của Nga “tiếp đất liền” tại Lubmin. Hàng ngày, Nord Stream 1 sẽ bơm khí đốt từ khu vực Siberia đến Đức cùng nhiều nơi khác. Sau đó, châu Âu sẽ phải thanh toán hơn 174 triệu USD cho các nhà cung ứng ở Nga.
Theo tờ Economist, đây đang là phần thực trạng kinh tế đáng buồn của châu Âu, một lục địa tự hào đã hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhưng vẫn trả gần 40 tỷ USD cho các mặt hàng năng lượng của xứ sở Bạch Dương kể từ khi chiến sự bắt đầu cách đây 8 tuần.
Từ Paris cho đến Praha, người dân đã biểu tình, kêu gọi châu Âu đóng cửa đường ống Nord Stream 1 và từ chối các tàu chở dầu thô của Nga. Song, làn sóng các lệnh trừng phạt của châu Âu vẫn bỏ qua dầu thô và khí đốt, ngay cả khi các biện pháp quyết liệt nhằm vào nền kinh tế Nga đã được ban hành.
Các chính trị gia châu Âu ước họ có thể dừng “gửi tiền” vào kho bạc của chính quyền ông Putin; Đức đã tạm thời ngừng phê duyệt đường ống Nord Stream 2. Song, cùng lúc, họ lo lắng khước từ khí đốt của Nga có thể đẩy người dân khu vực vào cảnh lạnh giá trong mùa đông.
Người tiêu dùng châu Âu vốn đã và đang cảm thấy áp lực của các hóa đơn năng lượng tăng cao. Doanh nghiệp cũng đang chật vật vượt khó, đặc biệt là ở Đức - nơi phụ thuộc nặng nề vào năng lượng của Nga.
Dự báo về mức độ thiệt hại của một lệnh cấm vận năng lượng Nga đối với châu Âu rất đa dạng, nhưng đủ nghiêm trọng để Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết trong việc chưa trừng phạt dầu thô và khí đốt của Nga.
Nên thử đánh thuế
Nếu châu Âu đang không tính đến chuyện trừng phạt ngành năng lượng của Nga, thì thay vào đó, các nhà lãnh đạo có thể xem xét đánh thuế thật mạnh tay, tờ Economist gợi ý.
Áp thuế nhập khẩu dầu thô và khí đốt sẽ không ngăn dòng chảy năng lượng chảy về châu Âu. Song, nó sẽ làm giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga, tương tự như các biện pháp đánh thuế vào rượu và thuốc lá.
Mục đích của bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đều là gây tê liệt cho kẻ thù, trong khi bản thân ít hề hấn nhất. Một số nhà kinh tế cho rằng đánh thuế quan thậm chí sẽ giúp EU gặt hái lợi ích, trong khi phần thiệt là ở Nga.
Ông Ricardo Hausmann, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Venezuela và đang công tác tại Đại học Harvard, cho biết nếu châu Âu áp thuế quan trừng phạt (có thể ở mức 90%) đối với dầu thô từ Nga, các nhà máy lọc dầu trong khu vực sẽ chuyển sang tìm kiếm nguồn cung từ nơi khác, trừ khi giá dầu từ Nga giảm sâu.
Nga đang kiếm lợi nhuận khổng lồ từ “vàng đen”, khi mà các nhà khai thác mất chưa đến 6 USD để chiết xuất dầu từ mỏ và bán ra với giá cao gấp 10 lần con số đó. Cho nên, nếu châu Âu không đánh thuế quan, Nga chẳng hề mất mát gì khi bán dầu theo giá thế giới.
Mặt khác, do các đường ống và cầu cảng của Nga được bố trí chủ yếu để phục vụ thị trường châu Âu, việc định tuyến lại dòng chảy dầu khí đến các khách hàng khác sẽ rất phức tạp và tốn kém. Vì lẽ đó, Nga sẽ phải chấp nhận tiếp tục bán dầu cho châu Âu. Thuế quan mà EU áp đặt đối với Nga sẽ trở thành một nguồn lợi cho lục địa già.
Chuyên gia kinh tế Guntram Wolff tại viện chính sách Bruegel (Brussels) cũng cho rằng châu Âu có nhiều lựa chọn để thay thế dầu thô của Nga hơn là Nga có nhiều quyền lựa chọn khác để thay thế các khách hàng châu Âu.
Dù vậy, câu chuyện với khí đốt lại khó khăn hơn, vì hầu hết khí đốt được cung ứng thông qua các đường ống liên kết trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng. Châu Âu không thể nhanh chóng thay thế phần lớn lượng khí đốt của Nga, mặc dù ở một mức độ nào đó, khối này có thể chuyển hoàn toàn sang nhà cung ứng hoặc dạng năng lượng khác.
Do đó, việc đánh thuế khí đốt sẽ ít có khả năng khiến giá của Nga giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi châu Âu đa dạng các nguồn cung, chẳng hạn như bằng cách xây dựng thêm các công trình để tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG), kế hoạch này sẽ trở nên khả thi hơn.
Khoản tiền thu được từ thuế quan áp lên khí đốt của xứ sở Bạch Dương có thể được sử dụng để giúp các khách hàng chưa thể chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng trang trải, Economist giải thích.
Ngoài phương án đánh thuế mà các nhà kinh tế gợi ý, ông Mario Draghi - Thủ tướng Italy, cũng muốn giảm mua năng lượng của Nga, nhưng bằng các giới hạn mức giá mà châu Âu phải trả cho khí đốt nhập khẩu.
Thực chất, đề xuất của Thủ tướng Draghi tương đồng với biện pháp áp thuế quan: đều hạn chế dòng tiền chảy vào túi Moscow và buộc Nga phải thích ứng với tình hình mới trên thị trường năng lượng.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Draghi sẽ không ngăn cản được nhu cầu năng lượng từ Nga của châu Âu. Ngược lại, nó sẽ khuyến khích các nhà máy lọc dầu trên khắp châu Âu mua thêm khí đốt giá rẻ của Nga. Do đó, đây có thể không phải là một biện pháp mà EU nên cân nhắc.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/