|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Âu 'quay xe', toàn thị trường khí đốt rơi vào rắc rối

07:00 | 11/04/2022
Chia sẻ
Để trả đũa Moscow tấn công Ukraine, châu Âu đã cam kết giảm nhập khẩu khí đốt của Nga. Giờ đây, khối kinh tế này muốn có thêm 50 tỷ mét khối khí đốt trong năm tới, nhưng nguồn cung cấp đang rất eo hẹp.

EU bất ngờ “quay xe”

Chỉ vài tháng trước, kế hoạch xây dựng một bến cảng để tiếp nhận các chuyến tàu chở khí hóa lỏng (LNG) của Đức đã bị gác lại. Các nhà thầu không tin tưởng khách hàng sẽ mạnh dạn sử dụng một công trình có thể tiêu tốn hàng tỷ USD như thế.

Hơn nữa, lập trường chống biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) cũng làm giảm sức hút của những nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên (dạng khí thuần túy) hoặc khí LNG (dạng lỏng).

Song, giờ quan điểm của Đức đã thay đổi. Sau khi Nga động binh với Ukraine và đe dọa cắt đứt nguồn cung nhiên liệu của châu Âu, Berlin quả quyết rằng họ cần những bến cảng quy mô như vậy để hạn chế thiệt hại trong trường hợp Moscow “khóa vòi”.

Trước cuộc trao đổi cùng các nhà cung cấp khí đốt tiềm năng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck cho hay: “Chúng tôi đang hướng tới việc xây dựng các trạm tiếp nhận khí hóa lỏng LNG trên khắp đất nước”.

Ở diễn biến khác, cuối tuần trước, Lithuania thông báo họ đã ngừng mua khí đốt từ Nga. Động thái này sẽ không tác động mạnh đến ngân sách của Điện Kremlin vì Lithuania chỉ là một quốc gia bé nhỏ.

Tuy nhiên, vì Lithuania là một thành viên của EU, quyết định của nước này có tầm quan trọng đáng kể trên mặt trận địa chính trị. Sau loạt cáo buộc rằng Nga phạm “tội ác chiến tranh” tại thị trấn Bucha của Ukraine, châu Âu đang gấp rút hành động.

Giới lãnh đạo của khối kinh tế chung đang tranh luận nên trừng phạt Nga như thế nào để không đẩy châu Âu vào rủi ro mất nguồn cung nhiên liệu quan trọng một cách quá nhanh quá nguy hiểm.

Cuộc chiến của Nga tại Ukraine không chỉ làm thay đổi thái độ của chính phủ trên khắp châu Âu, bao gồm cả Đức - nền kinh tế lớn nhất châu lục, mà còn đang định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu.

 Một cơ sở lưu trữ khí hóa lỏng LNG của tập đoàn Cheniere tại Texas. (Ảnh: New York Times).

Xáo trộn cả một thị trường

EU muốn chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga vào năm 2030. Còn trong năm nay, khối kinh tế chung muốn giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga khoảng 2/3.

Song, khối lượng khí đốt khổng lồ của Nga sẽ được thay thế như thế nào, khi mà Nga chiếm đến 40% nguồn cung của khối? Dường như EU đang đặt cược vào khí hóa lỏng LNG.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang muốn mua 50 tỷ mét khối LNG trong năm tới, bù đắp khoảng một nửa lượng khí đốt của Nga mà khối muốn loại bỏ. Ngoài ra, EU còn có thể nhập khẩu thêm khí đốt thông qua các đường ống từ Na Uy và Azerbaijan.

Đồng thời, EU cũng muốn giảm tiêu thụ khí đốt bằng cách tăng cường các dự án điện gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định châu Âu sẽ phải rất chật vật để thay thế nhanh chóng lượng khí đốt lớn như vậy.

Sự thèm khát của châu Âu đang làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn cầu nhằm thâu tóm nguồn cung khí đốt vốn đang rất eo hẹp. Không phải châu Âu, mà châu Á mới thường là điểm đến chính của khí hóa lỏng. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những khách hàng mua LNG hàng đầu trong năm ngoái.

Lượng khí đốt bổ sung mà châu Âu đang nhắm tới sẽ khiến nhu cầu toàn cầu tăng khoảng 10%. Cuộc chạy đua để mua nhiên liệu này có thể khiến giá khí đốt, vốn đã chạm mức kỷ lục trong những tháng gần đây, tiếp tục duy trì ở mức cao, đe dọa gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Massimo Di Odoardo của công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie cảnh báo: “Trong ba năm tới, cuộc chiến thu mua khí hóa lỏng LNG sẽ trở nên cực kỳ khốc liệt. Âu - Á sẽ cạnh tranh với nhau để thỏa mãn nhu cầu của mỗi khu vực”.

Về lý thuyết, giá lên cao sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn. Song, hiện tại chưa ai rõ sản lượng trong tương lai sẽ tăng thêm bao nhiêu nhờ đà tăng giá hiện tại, theo New York Times.

“Rõ ràng, trong ngắn hạn, châu Âu không thể thay thế lượng khí đốt đó”, ông James Henderson, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho hay. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng châu Âu nhiều khả năng cũng sẽ chi tiền để đẩy mạnh cuộc dịch chuyển sang năng lượng sạch hơn, giảm nhu cầu với nhiên liệu hóa thạch.

Khả Nhân