|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đức nhắn gửi ông Putin: 'Nên suy xét hậu quả khi yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble'

21:37 | 29/03/2022
Chia sẻ
Đức vừa gửi một lời khuyên đến cho Tổng thống Nga Vladimir Putin: Hãy suy xét kỹ lưỡng hậu quả khi yêu cầu khách hàng thanh toán năng lượng bằng đồng ruble.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin thông báo các quốc gia “không thân thiện” với Nga sẽ phải thanh toán  khí đốt tự nhiên bằng đồng ruble (rúp). Tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin đã khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng cao chóng mặt.

Thông qua việc yêu cầu thanh toán bằng đồng nội tệ của Nga, thay vì đồng USD hay EUR như đã quy định trong hợp đồng, ông Putin đang tìm cách nâng giá đồng ruble. Sau khi phương Tây ồ ạt cấm vận nền kinh tế Nga, đồng tiền này đã lao dốc nghiêm trọng.

Tính từ ngày 24/2, khi quân đội Nga bắt đầu thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, đồng bạc xanh đã tăng gần 13% so với đồng ruble. Thời điểm đầu tháng 3, mức tăng còn lên tới 85%.

Trong một chia sẻ với hãng tin CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner cho biết ông sẽ không chịu khuất phục trước đòi hỏi của Nga.

“Chúng tôi hoàn toàn phản đối hành vi ‘tống tiền’ của Nga. Thỏa thuận mua bán khí đốt giữa hai bên quy định thanh toán bằng đồng EUR hoặc USD. Do đó, chúng tôi đề nghị các công ty tư nhân chỉ nên thanh toán cho Nga bằng hai đồng tiền này”, ông Lindner nhấn mạnh.

“Nếu Putin không chấp nhận, ông ta tốt nhất là nên suy xét kỹ lưỡng về hậu quả về sau”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức cảnh báo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức nhắn gửi ông Putin: "Nên suy xét hậu quả khi yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble". (Ảnh: Bloomberg).

Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định việc thanh toán dầu thô và khí đốt bằng đồng ruble là hành vi vi phạm hợp đồng.

Giới chức Italy cũng nhấn mạnh họ sẽ không trả tiền bằng đồng nội tệ của Nga vì như vậy Moscow sẽ tránh né được các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bất luận thế nào, căng thẳng về hình thức thanh toán trong tương lai đều có thể làm gián đoạn dòng chảy khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu.

Khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) là từ Nga và tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở một số nước. Đơn cử, Hungary nhập khẩu 95% lượng khí đốt năm 2020 từ đất nước của ông Putin.

Sự phụ thuộc của EU vào năng lượng của Nga đã ngăn khối này áp đặt các lệnh cấm vận lên dầu mỏ của Moscow. Ngược lại, Mỹ đã tiến tới cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu thô của Nga.

EU đã phát tín hiệu sẽ cải cách lĩnh vực năng lượng để giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào Nga. Đầu tháng 3, khối kinh tế chung đã công bố một kế hoạch nhằm cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.

“Chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp. Khối đang rất nỗ lực để ít lệ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga. Nếu ông Putin quyết định cắt nguồn cung cho EU, chúng tôi sẽ phải hành động nhanh hơn nữa để tách rời khỏi Nga”, ông Lindner cho hay.

EU đang cật lực tìm kiếm nguồn hàng từ các nhà cung ứng khác. Hôm 25/3, Mỹ đã công bố một thỏa thuận với EU để cung cấp cho khối này ít nhất 15 tỷ mét khối khí đốt hóa lỏng (LNG) trong năm nay. LNG là dạng hóa lỏng, trong khi sản phẩm do Nga phân phối chủ yếu là khí tự nhiên. 

Khả Nhân