|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nền kinh tế Trung Quốc khó có thể 'cầm cự' lầu dài trước tính cách không khoan nhượng của ông Trump?

15:00 | 26/06/2019
Chia sẻ
Các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Bắc Kinh đều tin rằng nền kinh tế của họ đang ổn định để vượt qua cơn bão thương mại kéo dài, tuy nhiên, thực tế chứng minh Trung Quốc khó có thể chống đỡ lâu hơn.
1

Ảnh: Reuters

Khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau vào cuối tuần này, bên lề hội nghị thượng định G20 tại Osaka (Nhật Bản), khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận để kết thúc chiến tranh thương mại sớm là rất thấp.

Theo South China Morning Post, tình hình chính trị tại Mỹ và Trung Quốc khiến thỏa thuận sớm trở thành điều bất khả thi. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Bắc Kinh đều tin rằng nền kinh tế của họ đang ở vị thế tốt để vượt qua cơn bão thương mại kéo dài.

Tại Washington, các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Trump không cảm thấy cần phải vội vàng kí kết thỏa thuận với Trung Quốc. Trước khi kết thúc đàm phán bằng đăng tải trên Twitter hồi tháng 5, ông Trump từng đối mặt với sự chỉ trích từ hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ vì quá hấp tấp lao vào một thỏa thuận thua thiệt và không được đảm bảo từ phía Bắc Kinh.

Với việc nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững chắc, Phố Wall ghi nhận lợi nhuận cao kỉ lục và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tư thế sẵn sàng để hỗ trợ cho nền kinh tế bằng động thái cắt giảm lãi suất nếu tình thế thay đổi, ông Trump có động lực chính trị mạnh mẽ để không khoan nhượng trong đàm phán thương mại.

Chừng nào nền kinh tế Mỹ duy trì sự ổn định, tính cách không khoan nhượng sẽ cho phép Tổng thống Mỹ xoa dịu chỉ trích trong nước và giữ vững lập trường cứng rắn trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ bắt đầu bị ảnh hưởng, ông Trump có thể nhượng bộ, kí kết thỏa thuận với Bắc Kinh và tận hưởng cú hích trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn hoạt động ổn định, Fed chấp nhận hợp tác, lợi thế đang nghiêng về phía ông Trump.

Nếu quan chức Mỹ không vội vàng thực hiện thỏa thuận, người đồng cấp Trung Quốc của họ cũng không khác hơn.

Phó Thủ tướng Trung Quốc tin tưởng nền kinh tế lớn thứ hai đủ mạnh để hấp thụ tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại

Tương tự ông Trump, nhà đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc cũng phải đối mặt với chỉ trích ở quê nhà vì sẵn sàng "cho đi" quá nhiều trong đàm phán với Washington.

Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng nền kinh tế nước này đủ mạnh để hấp thụ những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ mà không gánh chịu thiệt hại nào.

Các nhà kinh tế Trung Quốc chỉ ra rằng xuất khẩu của đất nước tỉ dân đã giảm từ mức 35% tổng GDP (trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008) xuống mức khá khiêm tốn 18% (vào năm ngoái).

"Có một sự thay đổi lớn về cấu trúc đang diễn ra ở Trung Quốc, từ định hướng xuất khẩu sang con đường thúc đẩy kinh tế bằng thị trường nội địa khổng lồ", ông Lưu tuyên bố hồi đầu tháng này. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển mà không bị gián đoạn bởi những thách thức bên ngoài, chẳng hạn như chiến tranh thương mại với Mỹ.

Thoạt nhìn, khẳng định này có vẻ hợp lí. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm khoảng 15 tỉ USD so với cùng kì năm ngoái. Con số trên chưa chiếm đến 0,1% GDP năm 2018 của đất nước tỉ dân.

Ngay cả khi xuất khẩu của Trung Quốc giảm hai hoặc ba lần trong năm mà không có sự sụt giảm nào trong hoạt động nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp lên sản lượng và tăng trưởng chung của nước này là rất nhỏ.

Vì vậy, trên bề mặt, sự tự tin của Phó Thủ tướng Lưu Hạc khá hợp lí. Tuy nhiên, tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại lên GDP chỉ là một phần của câu chuyện.

Thị trường nội địa khổng lồ khó có thể thay thế lĩnh vực xuất khẩu, Trung Quốc sẽ chịu tổn thương trong tương lai

Khi Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ (nền kinh tế lớn nhất thế giới), doanh nghiệp Trung Quốc phải cạnh tranh với những doanh nghiệp hàng đầu. Sự cạnh tranh này buộc họ phải nâng tầm cuộc chơi, đổi mới và đầu tư để cải thiện năng suất.

Động lực cạnh tranh đó có tác động lan tỏa đến nền kinh tế Trung Quốc, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập. Mặc dù thiếu nguồn vốn, khu vực tư nhân (gồm phần lớn nhà xuất khẩu của Trung Quốc) đã thúc đẩy tăng trưởng việc làm và tăng năng suất lao động ở cấp quốc gia. Trong khi đó, khu vực công vốn được bảo vệ lại tạo ra nhiều lỗ hổng.

Nói cách khác, thị trường nội địa khổng lồ khó có thể thay thế ngành xuất khẩu như quan điểm của ông Lưu.

Hiện ứng này, mặc dù tác động theo cách gián tiếp, đã khiến Trung Quốc phải đối mặt với một vấn đề dài hạn hơn. Hiện tại, Trung Quốc tiết kiệm khoảng 45% thu nhập quốc gia và cũng đầu tư gần bằng khoản trên.

Chiến tranh thương mại leo thang đồng nghĩa với việc thói quen tiết kiệm khó có thể suy giảm. Tuy nhiên, sự bất ổn tăng cao sẽ ngăn cản doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân thực hiện đầu tư mới. Do đó, khoản tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc có khả năng vượt quá khoản đầu tư.

Mặt trái của vấn đề này là Trung Quốc sẽ sản xuất nhiều hơn mức tiêu thụ. Điều đó khiến thăng dư thương mại tăng lên, khiến căng thăng với Mỹ gia tăng.

Để giải quyết vấn đề, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải thúc đẩy đầu tư thêm lần nữa. Nếu khu vực tư nhân không đầu tư, doanh nghiệp nhà nước phải bước vào. Tuy nhiên, đầu tư của khu vực công thường ít hiệu quả hơn.

Do đó, mặc dù Trung Quốc có thể giảm bớt căng thẳng thương mại và hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới, chất lượng tăng trưởng về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng, lợi tức đầu tư sẽ giảm và rủi ro tài chính tăng.

Đây chưa phải là vấn đề lớn trong năm 2019, nhưng nếu chiến tranh thương mại tiếp diễn, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tổn thương.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.