|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nên để nông dân trồng mía đối mặt với ATIGA

08:32 | 30/11/2017
Chia sẻ
“Tôi nghĩ chúng ta cứ mạnh dạn đối mặt với ATIGA vì tôi biết nông dân Việt Nam rất giỏi và tôi đặt niềm tin ở họ”, Ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, Giám đốc Cty CP VietSugar, nhận định.
nen de nong dan trong mia doi mat voi atiga
Ông Đỗ Thành Liêm. (Nguồn: Báo Tài nguyên môi trường)

Chỉ còn hơn một tháng nữa Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2018. Trong ATIGA có bỏ hạn ngạch thuế quan nội khối đối với sản phẩm đường, vậy ngành mía đường sẽ chịu những thiệt hại gì thưa ông?

Ông Đỗ Thành Liêm: Chúng tôi vẫn đang chờ thông tin từ Chính Phủ về việc trên, tuy nhiên, nếu ATIGA chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp mía đường ít bị thiệt hại hơn người dân trồng mía do có thể nhập đường thô để tinh luyện thay vì mua mía nguyên liệu của nông dân.

Hiện năng suất thu hoạch mía trên 1 hecta tại Việt Nam còn thấp, trung bình khoảng 50 tấn/ha, trong khi Thái Lan là 70 tấn/ha. Ngoài ra, trữ lượng đường nơi cây mía còn thấp, cộng với các loại thuế phí, giá nhân công cao (do chưa sử dụng cơ giới hóa trong thu hoạch) dẫn đến giá đầu vào cao nên khi đưa ra thị trường giá mía đường Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực và các thị trường khác trên thế giới nhất là khu vực Nam Mỹ.

Do đó, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ nhập đường thô thay vì mua mía nguyên liệu để sản xuất và người nông dân sẽ thiệt thòi, thậm chí buộc phải bỏ nghề.

Là cầu nối giữa nông dân và Nhà nước, lý do gì Hội không tuyên truyền để sau 3 năm Việt Nam ký tham gia ATIGA nhưng cho đến nay nông dân trồng mía vẫn chưa thay đổi phương thức sản xuất để kịp hội nhập?

Chúng tôi đã gặp gỡ, chia sẻ cả ruột gan với người dân trồng mía về những thách thức họ gặp phải khi hội nhập tuy nhiên phần đông cho rằng do Nhà nước bảo hộ nông dân và Nhà nước chưa thông báo nên họ không phải lo.

Từ đó, chúng ta có thể thấy, nông dân đang ỷ lại khá nhiều vào Nhà nước và các cơ quan chức năng chưa thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền người nông trước các hiệp định thương mại sức ảnh hưởng lớn đến họ.

Là người có gần 30 năm gắn bó với ngành mía đường và người trong mía, theo ông Chính phủ cần gia hạn ATIGA để người dân kịp chuẩn bị?

Tôi nghĩ chúng ta cứ mạnh dạng đối mặt với ATIGA vì tôi biết nông dân Việt Nam rất giỏi và tôi đặt niềm tin ở họ. Chúng ta có thể thấy, sau ngày thống nhất đất nước, hạt gạo của Việt Nam không thể xuất khẩu nhưng quá trình hội nhập buộc nông dân phải thay đổi. Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới.

Với cây mía cũng vậy, nên để người nông dân đối mặt với hiệp định thương mại để họ phát triển, thay đổi tư duy và phương thức canh tác. Bởi, quay lưng lại với thương mại đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một động lực chính của tăng trưởng vào thời điểm kinh tế toàn cầu và có thể đe dọa xóa bỏ những nỗ lực tăng trưởng thời gian qua.

Vậy để hỗ trợ người dân trồng mía trong giai đoạn này Chính phủ và các bộ ngành cần làm gì?

Trước các hiệp định thương mại, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần theo dõi tình hình, dự báo kịp thời và chuẩn bị các giải pháp ứng phó để chủ động với các tình huống, nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích dân tộc, đồng thời thích ứng với xu hướng mới của thế giới. Không để người nông dân thiếu thông tin để chuẩn bị.

Nông dân trồng mía hiện nay đã được nhà máy hỗ trợ vệ kỹ thuật, phân, giống, bao tiêu đầu ra…. Vấn đề của họ là thiếu đất canh tác.Đối với ngành mía đường, diện tích canh tác rất quan trọng, không thể trồng mía với vài ba sào (mỗi sào 1.000m2) hay 1 – 2 hecta. Ở Thái Lan, người trồng mía qui mô nhỏ cũng đã sử dụng 7-10ha, trung bình là 20-25ha và lớn từ 70 đến vài trăm hecta. Do đó, cần tạo điều kiện cho nông dân có điều kiện được sử dụng nhiều đất để trồng mía, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Và quan trọng nhất, Chính phủ cần bảo hộ mặt hàng nông sản tươi sống bằng cách giảm các loại thuế, phí. Tôi lấy ví dụ, để cây mía đến được nhà máy buộc phải di chuyển qua nhiều trạm cân, trạm thu phí… điều này làm giá đầu vào tăng dẫn đến giá đầu ra phải cao. Chúng ta có thể áp dụng mô hình Chính phủ Thái Lan áp dụng cho ngành mía đường của họ. Thái Lan đã thành công và trở thành nước xuất khẩu đường thứ 2 thế giới. Theo tôi, chúng ta có thể làm được như Thái Lan nếu mạnh dạng thay đổi tư duy.

Xin cảm ơn ông!

Tuệ An