|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Navetco hỗ trợ 1-2 triệu đồng/con cho gần 1.400 con heo chết vì tiêm vắc xin tả heo không đúng quy định

20:54 | 05/09/2022
Chia sẻ
Sau sự cố heo chết vì tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC, công ty Navetco đã hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo chết ở 1-2 triệu đồng/con.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y đã cập nhật thông tin về vụ việc heo chết sau khi tiêm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC do CTCP Thuốc Thú y Trung ương (Navetco) sản xuất.

Theo thống kê của Cục Thú y tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi cho thấy có khoảng 17.750 liều vắc xin được tiêm không theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, khiến 1.392 con heo chết.

Nguyên nhân là Navetco đã cung ứng vắc xin cho Chi cục Thú y Bình Định, sau đó chi cục này lại để trạm thú y bán trực tiếp cho đại lý rồi bán tự do cho người dân.

Điều này dẫn đến việc tiêm vắc xin không đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và hướng dẫn của Cục Thú y. Đồng thời, bản thân Navetco và địa phương không kiểm soát được số lượng bán ra, bán cho ai dẫn tới khi xảy ra sự cố các đơn vị không thống kê hết được thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y. (Ảnh: Hoàng Anh)

“Tại buổi ra mắt vắc xin, chúng tôi đã nói rất rõ vắc xin này dành cho heo thịt từ 8-10 tuần tuổi. Tuy nhiên, người dân tự mua vắc xin, tiêm cho cả heo nái, heo đực, heo con… gây ra tình trạng heo chết.

Thêm nữa là các khu vực đó lại đang có dịch ASF, tiêm vắc xin vào heo đang có mầm bệnh thì nguy cơ chết càng cao”, ông Long nói.

Trước mắt, công ty Navetco đã hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo chết ở mức 2 triệu đồng/con đối với heo nái, heo đực giống và 1 triệu đồng/con heo thịt.

Ngoài ra, công ty này cũng phải rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất vắc xin theo đúng quy định, kiểm điểm cá nhân tham gia cung ứng vắc xin nhưng không phối hợp với các địa phương giám sát.

Ông Nguyễn Văn Long khẳng định: “Việc cấp phép lưu hành vắc xin NAVET-ASFVAC thực hiện theo đúng quy dịnh pháp luật Việt Nam, có sự đánh giá của chuyên gia độc lập trong nước và quốc tế”.

Bộ NN&PTNT cho phép tiêm 600.000 liều vắc xin tại 20 tỉnh, thành phố. Theo quy định, hộ chăn nuôi nào có nhu cầu tiêm vắc xin cho heo đều phải đăng ký và cam kết tuân thủ hướng dẫn của cơ quan thú y.

Trước khi tiêm, cơ quan thú y cần xuống kiểm tra thực tế đặc điểm đàn heo, tình hình dịch tễ. Khi tiêm phải có sự giám sát và hướng dẫn của cơ quan thú y cơ sở và cán bộ của Công ty Navetco. Sau khi tiêm, các cơ sở phải theo dõi lâm sàng liên tục tối thiểu 28 ngày.  

Cuối cùng, người chăn nuôi và cơ quan thú ý cần lấy mẫy kiểm tra xem vắc xin có nguy cơ lây bệnh, tái bệnh và khả năng bảo hộ đàn vật nuôi.

Tính đến ngày 26/8, công ty Navetco cung ứng tổng cộng 23.344 liều vắc xin tới 20 tỉnh, thành phố, trong đó có khoảng khoảng 4.494 liều được tiêm theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và ghi nhận 27 con heo có phản ứng với vắc xin và chết, chiếm 0,6%.

“Đây là phản ứng thông thường, số còn lại phát triển tốt nên có thể khẳng định chất lượng vắc xin đáp ứng được nhu cầu thực tế”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến quy trình khảo nghiệm, nghiên cứu, cấp phép vắc xin dịch tả heo châu Phi rất chặt chẽ, đáp ứng các quy định và đã tiêm thành công hàng chục nghìn liều.

Ba lô vắc xin mà Bộ NNPTNT, Cục Thú y cho phép sử dụng, đều đạt yêu cầu chất lượng về vô trùng, an toàn và hiệu lực bằng phương pháp công cường độc. 

"Hiện nay đã tiêm 21.000 liều, nếu vaccine kém chất lượng thì heo đã chết nhiều. Vụ việc vừa qua là tiêm cho heo không đúng đối tượng. Khi xảy ra sự việc, doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả", ông Tiến khẳng định.  

Ngoài ra, Thứ trưởng thông tin thêm vắc xin được bán thương mại bởi đây là sự hợp tác giữa công ty Navetco và đối tác Mỹ, dưới sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT. Hiện, Nhà nước chưa có cơ chế trong việc hỗ trợ kinh phí vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi.

Hoàng Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.