|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Năm hạn với Big Tech Trung Quốc

07:37 | 13/01/2022
Chia sẻ
Các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là những ông lớn như Alibaba, Meituan, Didi,... đã trải qua năm 2021 không mấy êm đẹp, thậm chí còn phải nộp phạt những khoản tiền khổng lồ do vi phạm luật chống độc quyền.

Có lẽ chưa khi nào mà những gã khổng lồ trong ngành công nghệ Trung Quốc lại đối mặt với nhiều khó khăn như năm qua. Lần lượt các ông lớn như Alibaba, JD.com,… phải chịu những án phạt lớn chưa từng có. Có thể nói, 2021 giống như một năm "hạn" với "Big Tech" (những tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc).

Mọi thứ dường như bắt nguồn từ vụ việc của tập đoàn fintech khổng lồ Ant Group, công ty thuộc hệ sinh thái của Alibaba Group. Ngày 2/11/2020, Ant Group chuẩn bị cho đợt IPO lớn nhất lịch sử, nhưng chỉ một ngày sau, tất cả mọi thứ đã sụp đổ, theo CNN.

Quyết định hủy đợt IPO có giá trị lên tới 37 tỷ USD của chính quyền Bắc Kinh chỉ là khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện siết chặt quyền hạn Big Tech. Năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã thay đổi quy định trong nhiều ngành công nghiệp, từ công nghệ cho đến tài chính, trò chơi điện tử, giải trí và giáo dục tư nhân.

2021: Năm hạn với 'Big Tech' Trung Quốc và bức tranh lớn hơn đằng sau tham vọng của nền kinh tế số một thế giới - Ảnh 1.

Mọi chuyện dường như bất nguồn từ sự việc hủy IPO của Ant Group. (Ảnh: CNN).

Lệnh chống độc quyền

Các nhà chức trách Trung Quốc đã ban bố các lệnh chống độc quyền để hạn chế quyền lực của các tập đoàn lớn, qua đó khiến họ không thể thao túng thị trường. Thực tế, các nhà lập pháp phương Tây và Mỹ trong năm qua cũng tiến hành đưa ra các chính sách nhằm hạn chế tình trạng độc quyền của những ông lớn, nhưng tốc độ và sự cứng rắn của chính phủ Trung Quốc khiến các chuyên gia không khỏi giật mình.

"Việc thắt chặt các quy định của chính phủ Trung Quốc trong năm qua về cả thời gian, cường độ, phạm vi và tốc độ là điều mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây", các nhà phân tích từ Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo.

Chiến dịch thắt chặt quy định, phá bỏ sự độc quyền đã khiến giá trị vốn hóa thị trường của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc giảm hơn 1.000 tỷ USD trong năm nay. Điều này thật sự gây ra sự lo ngại đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai tại Trung Quốc.

Nhìn từ phía bên ngoài, năm 2021 được ví như một cuộc đụng độ giữa một bên là quyền lực của chính phủ và một bên là những công ty trị giá hàng tỷ USD, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, theo Supchina.

Nhiều án phạt được ban hành

Tuy nhiên, thực tế dường như phức tạp hơn khi nhìn vào lượng công ty trong nhiều lĩnh vực chịu các án phạt từ chính phủ nước này. Một số cái tên lớn vi phạm quy tắc chống độc quyền mà chính phủ Trung Quốc đưa ra đã phải nhận án phạt trong năm nay có thể kể tới như:

Tencent (internet), Meituan (giao đồ ăn), Alibaba (thương mại điện tử), Pinduoduo (thương mại điện tử), Didi (gọi xe), Full Truck Alliance (ứng dụng logistics cung ứng hàng hóa), Kanzhun (tuyển dụng),… 

Cụ thể, vào tháng 4/2021, bắt đầu đánh dấu sự kiện quan trọng khi gã khổng lồ Alibaba chính thức nhận án phạt kỷ lục lên tới 2,8 tỷ USD sau khi các cơ quan quản lý đã có đủ bằng chứng kết luận rằng công ty đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để thực hiện các hành vi độc quyền. Cùng tháng, các nhà quản lý đã áp đặt một số biện pháp hạn chế kiểu mới dành cho các chi nhánh fintech của các ông lớn, bao gồm Tencent và Meituan.

2021: Năm hạn với 'Big Tech' Trung Quốc và bức tranh lớn hơn đằng sau tham vọng của nền kinh tế số một thế giới - Ảnh 2.

Alibaba bị phạt tới 2,8 tỷ USD, án phạt cao nhất lịch sử. (Ảnh: CNN).

Tháng 7, cơ quan giám sát internet Trung Quốc đã bắt đầu đánh giá về các chỉ tiêu an toàn bảo mật thông tin của gã khổng lồ Didi chỉ hai ngày sau công ty thực hiện IPO tại Mỹ và lệnh cho công ty ngừng đăng ký người dùng mới. Mãi tới cuối tháng, Tencent và Alibaba mới bắt đầu thực hiện các bước để mở lại nền tảng của họ sau khi các nhà quản lý yêu cầu 25 công ty ngừng chặn liên kết từ đối thủ.

Tháng 10, tới lượt gã khổng lồ trong lĩnh vực giao đồ ăn là Meituan đã chịu án phạt lên tới 533 triệu USD vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền. Cùng thời điểm, mọi người cũng chứng kiến chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên của tỷ phú Jack Ma sau gần một năm im ắng trước truyền thông.

Từ đó có thể thấy bất kỳ công ty công nghệ nào vi phạm đều có thể bị chính quyền nước này đưa vào tầm ngắm, không kể quy mô và tiềm lực của công ty đó lớn tới đâu.

Lời kêu gọi "Thịnh vượng chung"

Tháng 8, lời kêu gọi về "Thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy các tỷ phú công nghệ cũng như Big Tech chia sẻ, quyên góp lợi nhuận để xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo.

Bên cạnh đó là tham vọng đưa Trung Quốc dẫn đầu về lĩnh vực công nghệ vào năm 2025. Giải thích về việc thiết chặt các quy định đối với Big Tech, cơ quan chức năng nước này cho rằng để ngăn các công ty nước ngoài có thể truy cập vào dữ liệu của các công ty Trung Quốc. 

Dù vậy, câu trả lời này không quá rõ ràng. Có một điều chắc chắn là những hành động này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khi tiến vào thị trường Trung Quốc. Nhìn sơ qua, có thể thấy những động thái trong năm 2021 dường như không đúng với tham vọng đã nêu trước đó. Tuy nhiên, theo Forbes, việc này hoàn toàn có cơ sở.

Trung Quốc muốn dẫn đầu về lĩnh vực công nghệ cốt lõi, gồm máy tính lượng tử, chất bán dẫn và vệ tinh. Trong khi những công ty bị phạt như Ant Group hay Didi dù rất nổi tiếng nhưng không phải là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cốt lõi. Các nhà chức trách nước này tin rằng công nghệ cốt lõi mới là thứ quyết định tương lai Trung Quốc.

Doanh nhân Peter Thiel, nhà đồng sáng lập Paypal và Palantir Technologies cũng có quan điểm tương tự. Ông lo lắng rằng những bộ óc thiên tài dần dần sẽ tập trung vào các lĩnh vực khác như khởi chạy web, phát triển phần mềm, trò chơi,… thay vì các lĩnh vực cốt lõi, yêu cầu lượng kiến thức và kinh nghiệm cao hơn như năng lượng, giao thông hay chăm sóc sức khỏe, hàng không vũ trụ.

Quốc Anh

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.