|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyến phiêu lưu tại Mỹ của Didi sắp kết thúc nhưng nguy cơ vẫn còn ở phía trước

13:46 | 07/12/2021
Chia sẻ
Chưa đầy 6 tháng sau khi cuộc IPO trên đất Mỹ khiến Bắc Kinh nổi giận, Didi Global đã phải lên kế hoạch hủy niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. Đối với Didi và các công ty Trung Quốc muốn lên sàn ở xứ ngoại, những ngày tháng gian khó vẫn còn rất dài.
Chuyến phiêu lưu tại Mỹ của Didi sắp kết thúc nhưng rắc rối vẫn còn ở phía trước - Ảnh 1.

Thông tin giao dịch Didi Global trên sàn New York ngày 30/6. (Ảnh: Reuters).

1. Vì sao Didi hủy niêm yết?

Theo Bloomberg, giới chức trách Trung Quốc đã phản đối việc Didi niêm yết tại Mỹ vì lo sợ dữ liệu khổng lồ của công ty gọi xe này sẽ rơi vào tay thế lực nước ngoài. Nhưng Didi vẫn xúc tiến cuộc IPO tháng 6 tại Mỹ và Bắc Kinh coi đây là động thái thách thức quyền lực của mình.

Vài ngày sau cuộc IPO, chính phủ Trung Quốc thông báo cuộc điều tra an ninh mạng nhắm vào Didi. Cuối tháng 11, những nguồn thạo tin cho biết Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã yêu cầu các các lãnh đạo của Didi lập kế hoạch hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch của Mỹ vì lo ngại rò rỉ dữ liệu nhạy cảm.

2. Quá trình hủy niêm yết sẽ diễn ra như thế nào?

Didi nhắm đến việc niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong và đảm bảo rằng các ADR (chứng chỉ lưu ký tại Mỹ) có thể được hoán đổi thành "cổ phiếu được giao dịch tự do của Công ty trên một sàn giao dịch chứng khoán được quốc tế công nhận khác".

Didi có kế hoạch đăng ký niêm yết tại Hong vào khoảng tháng 3/2022. Toàn bộ quá trình có thể mất 3-6 tháng.

3. Thách thức của Didi là gì?

Trước cuộc IPO ở Mỹ, Didi đã cân nhắc niêm yết ở Hong Kong nhưng bỏ cuộc sau khi sàn giao dịch của thành phố đặt câu hỏi về vấn đề tuân thủ các quy định Trung Quốc của Didi. Yêu cầu của các sàn giao dịch ở Mỹ nhẹ nhàng hơn hẳn sàn Hong Kong.

Didi không có giấy phép hoạt động tại một số thành phố và nhiều tài xế không có hộ khẩu tại thành phố họ sống, tuy đây là một trong những yêu cầu của chính quyền để cấp phép dịch vụ gọi xe theo yêu cầu trên địa bàn.

Kể cả nếu Didi niêm yết được trên Hong Kong, một số nhà đầu tư có thể dùng cơ hội này để bán thay vì hoán đổi cổ phiếu. Giá Didi đã rớt khoảng 46% từ đỉnh, xóa sổ hàng chục tỷ USD khỏi vốn hóa.

Chuyến phiêu lưu tại Mỹ của Didi sắp kết thúc nhưng rắc rối vẫn còn ở phía trước - Ảnh 2.

Về mặt kỹ thuật, việc hoán đổi cổ phiếu Mỹ lấy cổ phiếu ở Hong Kong sẽ tương đối đơn giản đối với hầu hết nhà đầu tư tổ chức. Nhưng cổ phiếu mới có thể sẽ bị định giá thấp hơn hẳn: Hong Kong từ lâu đã là một trong những thị trường có hệ số P/E thấp nhất trên thế giới.

4. Vì sao vụ việc của Didi lại gây chấn động?

Cuộc IPO bom tấn của Didi là màn ra mắt tại Mỹ lớn thứ hai trong lịch sử của một công ty có trụ sở tại Trung Quốc (chỉ sau Alibaba năm 2014) và mang lại cho công ty vốn hóa 68 tỷ USD.

Cuộc niêm yết này được dẫn bắt bởi các ngân hàng kỳ cựu của Phố Wall, và ban đầu có vẻ là hình mẫu để nhà đầu tư quốc tế thâm nhập vào ngành công nghệ nóng bỏng của Trung Quốc. Cổ đông lớn nhất của Didi là SoftBank với tỷ lệ sở hữu hơn 20%.

5. Liệu các công ty Trung Quốc khác có hủy niêm yết?

Nhiều khả năng Didi sẽ không phải công ty Trung Quốc cuối cùng rút niêm yết khỏi Mỹ. Chính phủ Trung Quốc được cho là đang soạn thảo quy định để cấm doanh nghiệp lên sàn tại thị trường nước ngoài bằng cách sử dụng mô hình sở hữu đặc biệt (VIE).

Cơ quan quản lý Internet Trung Quốc bắt đầu điều tra thêm hai doanh nghiệp khác niêm yết ở Mỹ là Full Truck Alliance và Kanzhun sau khi Didi bị đưa vào tầm ngắm.

Luật lệ của Mỹ cũng đe dọa cản trở khả năng niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc. Đạo luật ban hành năm ngoái yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài công khai sổ sách kế toán nếu không sẽ bị hủy niêm yết trong vòng ba năm.

6. Rắc rối của Didi đã kết thúc chưa?

Nhiều khả năng là chưa. Cuộc điều tra an ninh mạng vào Didi vẫn đang tiến hành, và các nhà quản lý vẫn có thể áp đặt loạt biện pháp trừng phạt, từ phạt tiền cho đến đình chỉ một số hoạt động nhất định hoặc nhà nước sẽ mua cổ phần và nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Tờ South China Morning Post đưa tin các nhà quản lý có thể buộc Didi cải tổ ban lãnh đạo cấp cao nhất để trừng phạt vì đã thách thức Bắc Kinh. Didi đã đưa ra một số đề xuất để xoa dịu Cơ quan quản lý an ninh mạng Trung Quốc, bao gồm cả việc chuyển quyền quản lý dữ liệu cho bên thứ ba.

Chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tạo ra áp lực lớn đòi các công ty gọi xe như Didi tăng lương và phúc lợi cho đội ngũ tài xế.

Giang