|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc tiếp tục cắm đầu khi Didi phải hủy niêm yết, 1.500 tỷ USD đã bay hơi

12:21 | 03/12/2021
Chia sẻ
Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc giao dịch tại Hong Kong rơi xuống đáy mới khi Didi Global thông báo bắt đầu quá trình hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Nhà đầu tư còn lo lắng vì doanh nghiệp công nghệ ngày càng bị quản lý chặt.

Chỉ số Hang Seng Tech tại Hong Kong, chủ yếu gồm các đại gia công nghệ của Trung Quốc đại lục, sụt 2,3% trong phiên sáng 3/12 và ghi nhận mức điểm thấp nhất kể từ khi chỉ số này được công bố vào tháng 7/2020.

Tổng giá trị vốn hóa của 30 cổ phiếu thành viên đã bay hơi khoảng 1.500 tỷ USD so với đỉnh thiết lập hôm 17/2 năm nay.

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc tiếp tục cắm đầu khi Didi phải hủy niêm yết, 1.500 tỷ USD đã bay hơi - Ảnh 1.

Tập đoàn gọi xe khổng lồ Didi Chuxing ngày 2/12 đã thông báo bắt đầu thủ tục hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán Mỹ và sẽ chuẩn bị chào bán cổ phiếu trên sàn Hong Kong.

Ngay từ khi Didi chuẩn bị niêm yết ở Mỹ, chính phủ tại Bắc Kinh đã tỏ ý phản đối. Cuối tháng 11 vừa qua, Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết quan chức chính phủ đã thẳng thừng yêu cầu Didi hủy niêm yết ở Mỹ.

Quyết định của Didi còn được đưa ra sau khi các cơ quan quản lý tại Mỹ công bố bản kế hoạch cuối cùng để thực thi một đạo luật yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài công khai sổ sách kế toán, nếu không sẽ bị hủy niêm yết trong vòng ba năm.

Bloomberg dẫn lời ông Gary Ching, nhà phân tích tại công ty chứng khoán Guosen Securities nhận định: "Các nhà đầu tư Mỹ sẽ thi nhau bán ADR (chứng chỉ lưu ký tại Mỹ) nếu các chứng chỉ này bị hủy niêm yết, áp lực đối với giá ADR ở Hong Kong do vậy sẽ càng lớn".

Trong nhiều tháng nay, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã phải khổ sở vì các chính sách thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh trong hàng loạt lĩnh vực từ tài chính số cho đến an ninh dữ liệu, trò chơi trực tuyến và niêm yết ở nước ngoài.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) không phối hợp với Bắc Kinh nhưng cũng tung đòn mạnh nhằm vào các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tháng 7 năm nay, SEC tuyên bố các công ty Trung Quốc muốn niêm yết tại Mỹ sẽ phải công bố nhiều thông tin hơn so với trước.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Didi đang lên kế hoạch niêm yết ở Hong Kong vào khoảng tháng 3 năm sau.

Theo Bank of America, việc bị hủy niêm yết ở Mỹ sẽ khiến chi phí huy động vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên. Hiện nay có khoảng 270 mã chứng chỉ lưu ký (ADR) của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ với tổng vốn hóa khoảng 1.800 tỷ USD. Khoảng 150 mã trong số này không đủ điều kiện để niêm yết ở Hong Kong, báo cáo của Bank of America cho biết.

Nhà phân tích Marvin Chen của Bloomberg Intelligence nói: "Nhìn chung, các cổ phiếu ở Hong Kong giao dịch với định giá thấp hơn" so với cổ phiếu tương tự ở Mỹ. "Trong hoàn cảnh hiện nay, định giá của các doanh nghiệp Trung Quốc chắc chắn sẽ bị xem xét lại" nếu họ tái niêm yết ở Hong Kong.

Các cổ phiếu NetEase, Bilibili và JD.com, tất cả đều có chứng chỉ ADR ở Mỹ, nằm trong nhóm những mã giảm sâu nhất trong chỉ số Hang Seng Tech Index sáng 3/12, mất lần lượt 7,5%, 5,4% và 7%.

Trước đó trong phiên 2/12 (theo giờ Mỹ), chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index đã sụt xuống mức xuống mức thấp nhất trong 19 tháng.

Hang Seng Tech Index của Hong Kong hiện đã mất khoảng 46% giá trị so với đỉnh hồi tháng 2. Đà giảm thêm trầm trọng trong những tuần gần đây sau khi các doanh nghiệp công nghệ thông báo lợi nhuận gây thất vọng và xuất hiện thông tin Trung Quốc chuẩn bị cấm doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài thông qua các mô hình sở hữu đặc biệt (variable interest entities).

Thị trường tiếp tục bị bán tháo trong tuần này bất chấp việc các định chế tài chính lớn lên tiếng kêu gọi bắt đáy. Goldman Sachs nâng mức khuyến nghị cổ phiếu Trung Quốc ở nước ngoài từ trung lập lên mua. BlackRock nâng khuyến nghị từ kém khả quan lên trung lập.

Cả BlackRock và Goldman Sachs đều đang đầu tư mạnh vào Trung Quốc.

Song Ngọc