|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Năm Bảy Bảy chỉ lãi gần 2 tỷ đồng trong 6 tháng, vay nợ thêm gần 2.000 tỷ

20:05 | 31/07/2022
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Năm Bảy Bảy sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc đi vay trong bối cảnh cơ cấu tài sản tập trung chủ yếu tại các khoản phải thu, hàng tồn kho và chi phí xây dựng dở dang.

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 93 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ. Chủ yếu là do nguồn thu từ mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản sụt giảm mạnh từ 383 tỷ đồng về hơn 84 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận hơn 40 tỷ đồng doanh thu từ hợp tác đầu tư và lãi tiền gửi, tiền cho vay, giảm mạnh so với cùng kỳ (123 tỷ đồng). Đổi lại, chi phí tài chính (bao gồm lãi vay và chi phí hợp tác đầu tư dự án) giảm 30%, còn hơn 54 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, LNST quý II của Năm Bảy Bảy còn hơn 411 triệu đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ (hơn 130 tỷ đồng).

Năm Bảy Bảy cho biết, năm 2022, công ty đang hoàn thiện, bổ sung các thủ tục pháp lý, tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng dự án DeLagi (Bình Thuận) và các dự án tại TP HCM. Doanh thu ghi nhận chủ yếu trong quý này chủ yếu phát sinh từ dự án Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Do đó, kết quả kinh doanh quý II biến động mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt hơn 169 tỷ đồng doanh thu thuần và 2 tỷ đồng LNST, lần lượt giảm 69% và 98% so với cùng kỳ. Năm 2022, NBB dự kiến đạt 800 tỷ đồng doanh thu và 102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

 (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2022 Năm Bảy Bảy). 

(Nguồn: H.L tổng hợp).

Tính đến 30/6, tổng tài sản sản của Năm Bảy Bảy hơn 6.338 tỷ đồng, tăng gần 1.965 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu dài hạn khác tăng từ hơn 42 tỷ đầu năm lên 1.608 tỷ đồng do phát sinh khoản phải thu vốn góp hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, Mã: CII). Tính đến hết tháng 6, doanh nghiệp chỉ có hơn 33 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, giảm gần 50 tỷ so với thời điểm cuối quý I.

Khoản phải trả trước cho người bán ngắn hạn cũng tăng từ gần 334 tỷ lên gần 940 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải trả cho CTCP Xây dựng Dân dụng E&C tăng mạnh lên gần 631 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng tồn kho ghi nhận tăng từ hơn 931 tỷ đồng lên 1.202 tỷ đồng, đa số là các bất động sản dở dang, tập trung chủ yếu tại Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi và Khu dân cư De Lagi. Doanh nghiệp còn gần 1.587 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Khu căn hộ NBB Garden III và NBB II.

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận hơn 4.519 tỷ đồng, tăng gần 78% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay chiếm gần 3.143 tỷ đồng. Riêng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng mạnh từ 350 tỷ lên hơn 2.268 tỷ đồng. Trong đó, phát sinh thêm khoản vay ngân hàng Vietcombank hơn 607 tỷ, vay CII hơn 400 tỷ, vay CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội 400 tỷ, vay Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Lữ Gia 400 tỷ, vay trái phiếu 300 tỷ,…

Trong khi lợi nhuận sụt giảm mạnh, dòng tiền kinh doanh 6 tháng đầu năm của Năm Bảy Bảy âm gần 697 tỷ đồng (cùng kỳ âm gần 179 tỷ đồng), biến động mạnh ở các khoản phải thu và hàng tồn kho.

Hà Lê