|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2019, bình quân mỗi ngày TP HCM phải thu ngân sách hơn 1.500 tỷ đồng

08:18 | 17/01/2019
Chia sẻ
Nội dung này được lãnh đạo TP HCM đề cập tại hội nghị tổng kết công tác quản lý tài chính - ngân sách năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 được Sở Tài chính Thành phố tổ chức ngày 15/1.
nam 2019 binh quan moi ngay tp hcm phai thu ngan sach hon 1500 ty dong
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM.

Bà Huỳnh Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM cho biết, trong năm 2018, ngành tài chính thành phố đã hoàn thành thu ngân sách theo dự toán được giao là 378.543 tỷ đồng, đạt 100,47% dự toán, tăng 8,65% so cùng kỳ; triển khai tốt các giải pháp tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…

Đánh giá kết quả đã đạt được trong năm 2018 của ngành tài chính thành phố, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm 2019, tổng dự toán thu NSNN Trung ương giao cho thành phố là 399.125 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,3% trong tổng dự toán thu cả nước; trong đó thu nội địa là 272.325 tỷ đồng, tăng 16,4% so với thực hiện năm 2018. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày làm việc thành phố phải thu hơn 1.500 tỷ đồng.

Với nhiệm vụ trên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị ngành tài chính thành phố phải đi đầu trong đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội theo chủ đề năm 2019 của thành phố với nỗ lực cao nhất, quyết tâm lớn nhất để có sự chuyển biến thực sự; có giải pháp đồng bộ để tạo không gian tài khóa lớn hơn, có nhiều nguồn lực hơn để điều hành chủ động, linh hoạt hơn; tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên.

Cần tiếp tục quản lý điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm khai thác tốt nguồn thu từ phí và lệ phí; tập trung đôn đốc, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước qua xử lý, sắp xếp theo Nghị định 167 của Chính phủ; đẩy mạnh việc thuê tài sản công và giao cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị để tiết kiệm kinh phí chi từ ngân sách…

Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, vốn đầu tư công, ODA, không để thất thoát, lãng phí. Đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị thuộc diện cổ phần hóa được duyệt nhưng không triển khai. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ doanh nghiệp.

Xem thêm

Huyền Trâm