|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Điều gì khiến Mỹ nhất quyết không gửi pháo phản lực tầm xa tới Ukraine?

14:57 | 01/06/2022
Chia sẻ
Mặc dù tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực hiện đại, Mỹ loại trừ khả năng gửi phiên bản tên lửa có tầm xa do lo ngại leo thang căng thẳng.

Theo Reuters, vào ngày 1/6, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Washington sẽ viện trợ cho Ukraine những hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) hiện đại và đạn dược cần thiết nhằm giúp Kiev “tấn công các mục tiêu trên chiến trường một cách chính xác hơn”.

“Chúng ta phải hành động nhanh chóng để gửi một lượng đáng kể vũ khí và đạn dược nhằm giúp Ukraine chiến đấu trên chiến trường và có được vị trí đàm phán thuận lợi nhất”, ông Biden viết trên tờ New York Times hôm 31/5.

Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden cho biết những vũ khí được viện trợ sẽ bao gồm Hệ thống pháo tên lửa cơ động M142 (HIMARS). Vào tháng trước, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine đã gọi hệ thống này là nhân tố “quan trọng” để chống lại các đợt tấn công tên lửa của Nga.

Hệ thống M142 có thể mang theo 6 tên lửa với đường kính 227 mm. (Ảnh: AFP).

Liên quan đến những lo ngại việc cung cấp những vũ khí này có thể khiến Mỹ đối đầu trực tiếp với Moscow, các quan chức chính quyền cho biết phía Kiev đã "đảm bảo" rằng tên lửa sẽ không được sử dụng để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

"Các hệ thống này sẽ được Ukraine sử dụng để đẩy lùi những đợt tấn công của Nga trên lãnh thổ Ukraine, nhưng không nhắm vào mục tiêu trên lãnh thổ Nga", quan chức Mỹ nói với các phóng viên.

Không cần thiết

Theo Forbes, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ không gửi tới Ukraine phiên bản MLRS có thể tấn công tầm xa. Nhiều khả năng Kiev sẽ không nhận được phiên bản tên lửa MGM-140 ATACMS với tầm bắn tối đa 300 km.

Ukraine có nhu cầu cấp bách hơn nhiều đối với các tên lửa tấn công chính xác tầm ngắn hơn, vẫn có hiệu quả chống lại các mục tiêu lên đến 70 km. "70 km là quá đủ với chúng tôi rồi", Cố vấn tổng thống Ukraine Alexey Arestovich cho biết.

Mỹ sản xuất hai loại MRLS: M270 có thể phóng 12 tên lửa 227 mm cùng một lúc hoặc mang hai tên lửa ATACMS; và M142 HIMARS có trọng lượng nhẹ, mang theo phân nửa số đạn dược cùng loại.

ATACMS có giá cao, rơi vào khoảng hơn 750.000 USD cho mỗi tên lửa, nên chỉ được sử dụng hạn chế bởi quân đội Mỹ. Về mặt chức năng, ATACMS là một tên lửa đạn đạo giống như Tochka đang được Ukraine sử dụng, nhưng có tầm bắn và độ chính xác cao hơn.

Phần đuôi tên lửa Tochka nghi ngờ là của Ukraine rơi vào lãnh thổ Cộng hòa ly khai Donetsk. (Ảnh: Anadolu).

Ba loại đạn mà Ukraine có khả năng nhận được là tên lửa M26 tiêu chuẩn, không điều khiển với tầm bắn 45 km hoặc M30 và M31 dẫn đường bằng GPS, có thể vươn xa 70 km.

Thông thường, các hệ thống MRLS được bắn theo một loạt lớn, dựa vào số lượng hơn là độ chính xác. Tuy nhiên, các loại tên lửa dẫn đường của Mỹ có thể được bắn riêng lẻ để tiêu diệt các tòa nhà, vị trí đóng quân hoặc các phương tiện đứng yên mà hạn chế thiệt hại trên diện rộng.

Các hệ thống này có thể được sử dụng để tiêu diệt pháo binh của Nga từ một khoảng cách an toàn. Tầm bắn 70 km vẫn đủ để vượt qua mọi loại lựu pháo của Nga và bắn trúng các mục tiêu phía sau chiến tuyến. Hơn nữa, cả M270 và M142 đều có khả năng phóng tên lửa đủ nhanh để "bắn-và-chuồn" trước khi Nga phản pháo.

Nhiều rủi ro với tên lửa ATACMS

Tất nhiên, sức mạnh của ATACMS là không thể bàn cãi, nhưng có nhiều lý do khiến Mỹ nhất quyết không chuyển hệ thống tên lửa này cho Ukraine.

Mặc dù được phóng trên các hệ thống MLRS di động, nhưng ATACMS hoạt động giống như một tên lửa hành trình, và sẽ hiệu quả nhất khi tấn công những mục tiêu chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Thủ đô Moscow nằm ngoài tầm bắn của loại tên lửa này, nhưng những thành phố như Voronezh và Rostov-on-Don có thể trở thành mục tiêu.

Cuộc tấn công vào kho dầu của thành phố Belgorod, Nga bằng trực thăng hôm 1/4. (Ảnh: Anadolu).

Phía Kiev cũng đã nhiều lần tấn công sang lãnh thổ Nga sử dụng những vũ khí như trực thăng, lên lửa Tochka, máy bay không người lái hay điệp vụ phá hoại. Tuy nhiên, việc để vũ khí Mỹ bắn vào sâu trong lãnh thổ Nga sẽ tạo ra vô số rủi ro.

Trước hết, một vụ tấn công như vậy sẽ củng cố cho tuyên bố của Tổng thống Putin về việc NATO đang muốn biến Ukraine thành bàn đạp tấn công Nga. Vào năm 1962, trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, mặc dù chưa có bất cứ tên lửa nào được phóng vào đất Mỹ, thế giới đã đứng trước nguy cơ diệt vong.

Việc một tên lửa của NATO được phóng trên đất Ukraine vào sâu trong lãnh thổ nước Nga chắc chắn sẽ buộc Moscow phải đáp trả mạnh mẽ, thậm chí cả bằng vũ khí hạt nhân. Kể từ đầu cuộc xung đột, lực lượng hạt nhân chiến thuật của Nga hiện đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Kể cả nếu những tên lửa này không được bắn vào lãnh thổ Nga, Moscow cũng có thể đáp trả bằng việc trang bị cho các quốc gia hoặc lực lượng đối đầu với Mỹ và NATO những loại tên lửa tương tự. Điều này sẽ khiến xung đột Ukraine lan ra khắp nơi trên thế giới, gây thêm nhiều bất ổn.

Hơn nữa, bản thân Kiev cũng có sẵn những loại tên lửa có tầm bắn xa như Tochka hay hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hrim-2 hoặc Sapsan đang phát triển. Ukraine có nhu cầu cấp bách hơn đối với những loại tên lửa có thể chống lại pháo binh Nga trên tiền tuyến. 

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.