|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Muốn dập tắt đại dịch, phải chấp nhận đau thương về kinh tế

14:01 | 12/03/2020
Chia sẻ
"Đẩy lùi đại dịch virus corona đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế" là bài toán quá khó cho bất kì quốc gia nào, kể cả siêu cường như Trung Quốc hay Mỹ.

Khi cơ thể tự làm hại mình

Trong một số trường hợp, khi virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tấn công, chính nỗ lực đẩy lùi virus của cơ thể lại gây ra tổn thương nặng nề nhất.

Hệ miễn dịch bị rối loạn có thể phản ứng thái quá và sản sinh quá nhiều tế bào miễn dịch kèm theo các phân tử tín hiệu (cytokine), từ đó tạo ra bão cytokine.

Khi đó, các tế bào miễn dịch không chỉ tấn công virus corona mà còn nhắm đến cả mô khỏe mạnh trong cơ thể. Bệnh nhân sẽ thở hổn hển vì phổi chứa đầy dịch lỏng. Virus corona "lừa" cơ thể chiến đấu quá sức, nên trong các trường hợp cực đoan nhất, chúng ta lại tự giết chết bản thân mình.

Tương tự như hệ miễn dịch của cơ thể người, thế phòng thủ của nền kinh tế toàn cầu trong dịch virus corona cũng có thể gây ra nhiều tác hại đau đớn.

Dịch virus corona bày ra cán cân khó phân định

Bloomberg nhận định nền kinh tế toàn cầu sắp đón nhận một cơn bão cytokine ảo: Nỗ lực toàn diện để chống lại dịch virus corona lại gây hại cho tăng trưởng toàn cầu hơn nhiều so với chính dịch bệnh này.

Các lệnh cách li, hạn chế nhập cảnh, đóng cửa doanh nghiệp cùng một số biện pháp bảo vệ mang tính tự nguyện của người dân đã khiến hoạt động kinh doanh bị đóng băng, cùng lúc gây ảnh hưởng đến thói quen của chính họ.

Đây sẽ là câu chuyện chủ đạo trong giới doanh nghiệp năm 2020: Thế giới có thể điều chỉnh phản ứng "miễn dịch" để đẩy lùi dịch virus corona mà vừa có thể cứu sống mạng người, vừa không gây thiệt hại cho những thứ khác không? Hay 2020 nhất định là một năm mất mát?

Không chấp nhận đánh đổi, nỗ lực dập dịch virus corona còn gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng hơn chính dịch bệnh - Ảnh 1.

Không chấp nhận đánh đổi, chính sách dập dịch virus corona còn gây thiệt hại nặng nề hơn chính dịch bệnh. (Nguồn: chinaafricaproject.com)

Có lí do để lo lắng rằng đồng thời đánh bại dịch virus corona và duy trì tăng trưởng bền vững là mục tiêu rất khó, thậm chí là không thể thực hiện.

Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc giảm mạnh là một thông tin cực kì tốt. Tuy nhiên, để biến điều này thành hiện thực, giới chức Trung Quốc đã phải áp dụng lệnh kiểm dịch qui mô lớn nhất trong lịch sử khi phong tỏa gần 60 triệu dân bên trong tâm dịch Hồ Bắc.

Chính quyền các tỉnh lân cận cũng thực hiện các bước đi khác để bảo vệ người dân như ban hành lệnh cấm di chuyển và buộc các nhà máy phải đóng cửa.

Thiệt hại về kinh tế đối với Trung Quốc là rất lớn: Theo dự báo của Bloomberg Economics, tăng trưởng GDP quí I/2020 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể chỉ đạt 1,2% - mức thấp nhất trong ba thập kỉ qua.

Bất chấp nỗ lực tuyệt vời của Bắc Kinh, dịch virus corona vẫn lan rộng trên khắp Trung Quốc cũng như tại Hàn Quốc, Iran, Italy và nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ khác.

Hiện tại, khi giới chức bên ngoài tỉnh Hồ Bắc đã nới lỏng lệnh hạn chế di chuyển để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, rủi ro mới lại bùng lên: Số ca dương tính với virus corona tại Trung Quốc có thể bắt đầu tăng trở lại khi người dân quay lại làm việc, học tập và mua sắm.

Nếu số ca nhiễm mới tại Trung Quốc tiếp tục giảm, điều đó cho thấy một quốc gia đông dân và có khả năng giám sát công nghệ cao như Trung Quốc có thể kiểm soát dịch virus corona.

Tuy nhiên, rất ít hoặc thậm chí là không có quốc gia nào khác có thể áp dụng chiến lược của Trung Quốc. Hoặc có thể, nhưng không muốn áp dụng. 

Các chuyên gia hiện nay đã chuyển sự chú ý sang Mỹ - quốc gia duy nhất có nền kinh tế lớn hơn Trung Quốc.

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam tính đến 22h giờ Việt Nam ngày 11/3, Mỹ đã ghi nhận 1.016 ca dương tính với virus corona chủng mới và 31 ca tử vong. Bloomberg dự đoán số liệu sẽ tiếp tục tăng.

Câu hỏi đặt ra tương tự: Dịch virus corona sẽ khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm bao nhiêu điểm %, và thiệt hại từ nỗ lực chống dịch của nước này so với thiệt hại do chính dịch bệnh gây ra tương quan như thế nào?

Nền kinh tế Mỹ vững chãi đến đâu?

Các nhà kinh tế ban đầu thờ ơ về khả năng ảnh hưởng của dịch virus corona đến nền kinh tế Mỹ hiện nay ngày càng quan tâm đến vấn đề này.

Hồi cuối tháng 2, Goldman Sachs đã hạ triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới để phản ánh mức giảm trong lượng du khách Trung Quốc đến Mỹ, giá trị hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc và tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng của các hãng bán lẻ Mỹ.

Tuy nhiên, dự đoán trên hóa ra chưa đủ bi quan. "Tuần trước, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn những gì chúng tôi từng nghĩ", nhóm nhà phân tích của Goldman Sachs lưu ý hôm 1/3.

Dẫn số liệu kinh tế yếu của Trung Quốc và diễn biến lây lan của dịch virus corona bên ngoài đất nước tỉ dân, Goldman Sachs cho biết đây là hai yếu tố chính khiến họ quyết định hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2020 của Mỹ xuống còn 1,3% - giảm 1 điểm % so với mức trước đó.

Một tuần sau, Goldman Sachs lại hạ dự báo tăng trưởng một lần nữa xuống còn 1,2%, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản hôm 3/3.

Biến động trên thị trường chứng khoán khiến niềm tin bị xói mòn

Sự biến động của thị trường chứng khoán không chỉ là triệu chứng cho thấy tác hại mà dịch virus corona gây ra cho nền kinh tế Mỹ, mà đây còn là một trong các nguyên nhân.

Ngay cả các hộ gia đình Mỹ không trực tiếp sở hữu cổ phiếu cũng không miễn dịch trước hiệu ứng của cải khi giá cổ phiếu giảm.

Doanh số bán lẻ có xu hướng giảm tốc mạnh sau những cú sốc của thị trường chứng khoán vì dù đúng hay sai, nhiều người Mỹ xem các chỉ số chứng khoán như S&P 500 là một thước đo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Niềm tin doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng tương tự, mà thường việc này sẽ khiến hoạt động đầu tư đi xuống.

Bloomberg nhận định đó là một lời tiên tri tự ứng nghiệm: Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ giảm chi tiêu vì họ nghĩ triển vọng kinh tế xấu đi, thì gần như chắc chắn triển vọng kinh tế Mỹ sẽ xấu đi.

Giới chức y tế Mỹ sẽ khó có thể kiểm soát dịch virus corona khi mà người dân vẫn tiếp tục tụ tập và ho khi ở gần nhau. Ông Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, dự đoán nếu dịch lan rộng tại Mỹ, suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Dựa trên việc giá cổ phiếu giảm mạnh hồi đầu tháng này, State Street Associates - bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tài chính khổng lồ State Street Corp., nhận thấy khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 6 tháng tới là 75%.

Trên thực tế, suy thoái kinh tế do dịch virus corona có thể đã bắt đầu. Các nhà sử học kinh tế đo lường suy thoái từ đỉnh của hoạt động kinh tế cho đến khi xuống đáy, và nhiều khả năng nền kinh tế Mỹ đã đạt đỉnh vào tháng 2, khi tỉ lệ thất nghiệp ở mức 3,5% - thấp nhất trong 50 năm qua.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê