Mục tiêu xuất khẩu trở nên xa vời, dệt may hy vọng kịch bản thay thế ở mức 36 tỷ USD
Doanh nghiệp dệt may đang gánh nhiều áp lực
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mục tiêu năm nay của ngành dệt may là 39,5 - 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, chia sẻ với người viết, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết trong bối cảnh các tỉnh phía Nam đã thực hiện Chỉ thị 16 gần 3 tháng và vẫn tiếp tục giãn cách trong tháng 9 thì đây là thách thức, áp lực rất lớn với doanh nghiệp ngành hàng.
Cụ thể, với các đơn hàng đã ký, doanh nghiệp tìm mọi cách để gia hạn thời gian giao hàng nhưng với dệt may là mặt hàng thời trang, thời vụ nên khách hàng cũng không thể cho doanh nghiệp lùi hạn mãi được.
Do đó, từ tháng 7, tháng 8 vừa rồi đã có tình trạng chuyển dịch đơn hàng sang nước khác.
Bên cạnh đó, việc không tổ chức được sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội đồng nghĩa với áp lực dòng tiền không còn khi doanh nghiệp đã vay ngân hàng để mua nguyên phụ liệu nhưng không thể sản xuất và xuất hàng thì đó dòng tiền nằm chết tại chỗ và tồn kho nguyên liệu.
"Không có dòng tiền thì cũng không thể lo cho người lao động. Như vậy, khi các địa phương mở cửa trở lại thì doanh nghiệp cũng không giữ chân được người lao động để tái sản xuất", ông Giang nói.
Bên cạnh đó, hiện nay cả Chỉnh phủ và các địa phương đều chưa thể khẳng định thời điểm nào có thể mở cửa trở lại, do đó khách hàng cũng không còn niềm tin và chuyển dịch đơn hàng.
Nhưng với trung và dài hạn thì đối tác sẽ không còn duy trì các đơn hàng cho thời gian sau dịch. Do đó, nếu doanh nghiệp lại phải tìm kiếm thị trường và khách hàng rõ ràng là thách thức lớn cho những tháng cuối năm và kể cả quý I, quý II năm sau.
Ngoài ra, khi người lao động đã trở về địa phương thì không dễ kêu gọi họ sớm trở lại như thời điểm trước dịch.
Theo Chủ tịch VITAS, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại các địa phương lại không có sự thống nhất, xuyên suốt dẫn đến việc hiểu và thực hiện khác nhau càng gây nên áp lực cho doanh nghiệp.
"Nhiều đơn hàng của doanh nghiệp đã cập cảng nguyên liệu nhưng vẫn không lấy về được nên chi phí lưu kho bãi tăng lên trong khi các đơn hàng không thể thực hiện", ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Ngoài mối lo dịch bệnh làm đứt đoạn chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng cao, thiết hụt trầm trọng container và tình trạng nhiều cảng biển ách tắc lưu thông hàng xuất khẩu...cũng là những trở ngại, tác động trực diện tới nhịp sản xuất của doanh nghiệp dệt may.
Theo báo cáo của VnDirect, giá thuê container hiện đã tăng gấp 3 lần trong 6 tháng đầu năm nay. Cùng với đó, tình trạng thiếu container rỗng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM, OBM... làm chậm tiến độ giao hàng cho đối tác.
Thực tế, đây là những khó khăn mà tất cả doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam đang phải gánh chịu, "sức lực" của doanh nghiệp đang cạn kiệt dần nhưng dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết từ ngày 15/8 công ty đã kết thúc phương án "3 tại chỗ" vì không hiệu quả.
"Vừa rồi doanh nghiệp thực hiện mô hình "3 tại chỗ" chủ yếu giải quyết các đơn hàng gấp, đã cam kết, còn toàn bộ đã phải lùi lại nhưng không thể lùi quá ngày 15/9 để đảm bảo kế hoạch xuất hàng với đối tác, không bị phạt, không bị mất đơn hàng và ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp", ông Việt cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Việt với những tác động của dịch bệnh hiện nay, không riêng gì Việt Thắng Jean mà khả năng tất cả doanh nghiệp ngành dệt may đều sẽ thua lỗ.
Nguyên nhân là doanh nghiệp đã tiêu tốn rất nhiều chi phí cho việc triển khai phương án "3 tại chỗ" với các chi phí như xét nghiệm cho người lao động, chi phí phát sinh trong quá trình lưu trú của công nhân, chi phí hỗ trợ đơn vị vận chuyển… , cùng với những khoản trợ cấp cho người lao động nhưng năng lực sản xuất giảm, doanh thu giảm khiến doanh nghiệp không thể có lợi nhuận trong năm nay.
"Không chỉ ảnh hưởng đến tài chính, đợt dịch lần này còn ảnh hưởng nặng đến uy tín và khả năng ký kết đơn hàng của doanh nghiệp trong thời gian tới bởi đối tác có thể hủy đơn hàng, chuyển đơn hàng sang nước khác thì doanh nghiệp khó thể lấy lại", ông Phan Văn Việt cho hay.
Kịch bản nào cho ngành dệt may khi lỡ hẹn mục tiêu?
Ông Phan Văn Việt cho hay các doanh nghiệp ngành dệt may dù đã có đơn hàng đến hết quý IV năm nay nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì khả năng ngành hàng sẽ không đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra là 39 tỷ USD mà chỉ ở khoảng dưới 30 tỷ USD với điều kiện các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất trở lại từ ngày 15/9.
"Còn nếu tình hình dịch chưa được kiểm soát thì có thể sẽ còn giảm hơn nữa và ngành hàng sẽ không duy trì được vị trí thứ hai trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu dệt may" ông Việt chia sẻ.
Do đó, đại diện Việt Thắng Jean cho rằng nếu doanh nghiệp không linh hoạt phục hồi lại sản xuất thì không chỉ mất khách hàng mà các doanh nghiệp còn mất luôn thị trường vì nó đã rơi vào tay đối thủ khác.
Trước thực tế khó khăn hiện nay, không chỉ doanh nghiệp mà cả VITAS cũng nhận định mục tiêu xuất khẩu dệt may với kim ngạch 39,5 - 40 tỷ USD đã ngoài tầm với, do đó, Hiệp hội đưa ra ba kịch bản linh hoạt thay thế cho mục tiêu ban đầu.
Kịch bản 1: Nếu tình hình tháng 9, tháng 10 vẫn chưa thể mở cửa trở lại, khả năng xuất khẩu năm nay chỉ đạt 33,5 - 35 tỷ USD.
Kịch bản 2: Nếu mở cửa được trong tháng 10 và doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong tháng 11 với bối cảnh bình thường mới, điều kiện phòng dịch 5K thì có thể đạt 36 tỷ USD.
Kịch bản 3: Nếu tháng 10 doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất lại, đối tác không chuyển đơn hàng và các địa phương cùng chia sẻ với doanh nghiệp để thực hiện các giải pháp phòng dịch và tái sản xuất thì con số xuất khẩu có thể đạt 38,5 - 39 tỷ USD.
"Chúng tôi chỉ tham vọng đến kịch bản thứ hai là 36 tỷ USD, chứ kịch bản thứ ba là cực kỳ khó bởi hiện nay chưa một địa phương nào đưa ra được giải pháp mở cửa, trong khi các giải pháp trước đó như "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" là không hiệu quả vì tốn kém nhiều chi phí và khó tổ chức, khó kiểm soát dịch bệnh", ông Vũ Đức Giang chia sẻ.