Một năm sau diện tái cấu trúc của 5 ngân hàng
Luật mở ra cơ hội để sáp nhập ngân hàng | |
'Tỉnh giấc' với nợ xấu, ngân hàng vội vã tái cấu trúc nguồn thu | |
Ngân hàng Việt Nam và Trung Quốc bàn về định hướng hợp tác xử lý nợ xấu |
Đầu tháng 3/2015, Ngân hàng Xây dựng (VNCB) trở thành Ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên trong lịch sử được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, kế đến là GPBank và OceanBank.
(Nguồn tổng hợp: SBV). |
Theo đó, GPBank từ một ngân hàng tư nhân, VNCB (đổi tên thành CBBank) và OceanBank từ sở hữu nhà nước chỉ 1,46% và 20% đã trở thành ngân hàng 100% sở hữu nhà nước.
Cùng với đó, NHNN chỉ định Vietcombank và VietinBank là những ngân hàng lớn có tiềm lực tài chính, quy mô lớn và kinh nghiệm, năng lực điều hành quản trị tham gia tiếp quản những ngân hàng này. Cụ thể, Vietcombank quản trị điều hành CBBank và VietinBank quản trị điều hành OceanBank và GPBank.
Hiện cả ba ngân hàng cơ bản hoạt động bình thường trở lại, thanh khoản đáp ứng một số chỉ tiêu an toàn của NHNN.
CBBank tích cực thu hồi nợ xấu
Năm 2017, tăng trưởng huy động vốn của CBBank gần 5.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng so với năm 2016. Đáng chú ý là kết quả thu hồi nợ xấu đạt trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ riêng lẻ đã thu hồi được trên 500 tỷ đồng (chiếm 50% tổng nợ xấu riêng lẻ); nợ nhóm lớn đã thu hồi hơn 4.700 tỷ đồng.
Lãnh đạo NHNN nhìn nhận, CBBank hoạt động trong điều kiện khó khăn về tài chính, về tâm lý, về cách nhìn nhận của xã hội… nhưng Ngân hàng làm được việc lớn là duy trì hoạt động ổn định. “Một ngân hàng bất ổn, cả hệ thống sẽ bất ổn. Và sự ổn định của CB đã góp phần ổn định của cả hệ thống”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận xét.
Nhiệm vụ kinh doanh năm 2018, CBBank xác định ba trọng tâm cơ bản gồm: tập trung thu hồi những khoản nợ lớn; đẩy mạnh tín dụng bán lẻ và quản lý hiệu quả chi phí hoạt động gắn liền với kết quả kinh doanh.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý, Đề án Tái cơ cấu của CBBank đã được NHNN xem xét và có sự nhất trí để trình Chính phủ phê duyệt. Ngay khi được phê duyệt, CBBank phải bắt tay vào triển khai Đề án. Đồng thời, CBBank phải quan tâm đến những vấn đề còn tồn tại, chú trọng đến việc đảm bảo hệ thống ATM được thông suốt, nhất là trong những ngày lễ, tết; làm tốt công tác tổ chức cán bộ; đặc biệt là công tác truyền thông, làm sao để người dân hiểu rõ, những vấn đề, những tồn tại của CBBank là từ giai đoạn trước đây.
GPBank cần đẩy thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới
Đối với GPBank, 2017 cũng là năm thứ ba Ngân hàng thực hiện tái cơ cấu. Nhìn lại kết quả năm vừa qua, Tổng Giám đốc GPBank Phạm Huy Thông cho hay, nguồn vốn huy động tăng 3,4% so với năm 2016; đảm bảo được thanh khoản cho ngân hàng và tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ nhằm đa dạng cơ cấu nguồn vốn, giảm dần chi phí huy động.
Dư nợ tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm 2016. Đáng chú ý, GPBank đã thu hồi được các khoản nợ xấu, nợ đã bán VAMC và các khoản phải thu, đến hết năm 2017, giảm so với cuối năm 2016.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn ghi nhận những chuyển biến của GPBank đồng thời nhấn mạnh năm 2018, Ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra nhiều hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ mới.
OceanBank chờ bán vốn cho nước ngoài
Trong khi đó, OceanBank năm qua gây nhiều sự chú ý trên thị trường bởi kế hoạch bán vốn cho nước ngoài. Ông Đỗ Thanh Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên OceanBank cho biết việc đàm phán với đối tác nước ngoài đã hoàn thành giai đoạn 1, sẵn sàng các bước chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng tiếp theo của dự án. Trên cơ sở đó, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng trong năm 2018 OceanBank cần sớm chốt lại các vấn đề quan trọng để trình NHNN và Chính phủ thông qua.
Ba năm kể từ ngày thực hiện tái cơ cấu (tháng 5/2015) OceanBank đã đạt được một số thành tựu nhất định trong việc xử lý nợ xấu, ổn định nhân sự và kiện toàn bộ máy tổ chức. Hiện nay, toàn hệ thống OceanBank gồm 101 Chi nhánh/Phòng giao dịch và 2.200 cán bộ nhân viên. Phó Thống đốc cũng đánh giá cao thành tích xử lý nợ xấu của OceanBank thời gian qua. Đây được xem là ngân hàng có kết quả xử lý nợ xấu tốt nhất trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại.
Năm 2018, lãnh đạo NHNN yêu cầu OceanBank tiếp tục có các biên pháp duy trì hình ảnh hoạt động của ngân hàng; tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm chi phí hoạt động và xử lý nợ xấu.
DongA Bank chuyển đổi mô hình hoạt động
Bên cạnh ba ngân hàng “0 đồng”, hai ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu khác là DongA Bank và Sacombank năm qua cũng ghi nhận những dấu ấn đáng chú ý.
Kể từ sau kiểm soát đặc biệt, DongA Bank đã thu hồi nợ có vấn đề đạt trên 12.000 tỷ đồng, trong đó thu gốc là 9.600 tỷ đồng, lãi là 2.500 tỷ đồng. Riêng năm 2017, Ngân hàng thu được 7.500 tỷ đồng, thu gốc là 5.400 tỷ và lãi là 2.100 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2017, một số tỷ lệ tài chính cao hơn so với quy định như tỷ lệ dự trữ thanh khoản quy đổi đạt 26% ; tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với VNĐ là 96%; đối với ngoại tệ là 73%.
Từ cuối năm 2016, DongA Bank bắt đầu chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh từ các khối hội sở xuống chi nhánh, phòng giao dịch. Hết năm 2017, Ngân hàng phát triển mới 360.100 khách hàng cá nhân và 1.300 doanh nghiệp.
Năm 2018, lãnh đạo Ngân hàng cho hay sẽ tiếp tục trao quyền chủ động cho các đơn vị kinh doanh nhằm giúp kiểm soát tập trung hơn.
Sacombank đã có lãi nghìn tỷ sau hai năm tụt dốc
Sacombank có lẽ là ngân hàng nhiều điểm sáng nhất trong số 5 ngân hàng rơi vào diện tái cấu trúc.
Xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng là một trong những trọng tâm của Sacombank năm qua, kết quả thu hồi trên 19.000 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3,75% từ mức 6,91% vào đầu năm 2017. Hoạt động thoái vốn các khoản đầu tư cũng được Sacombank tích cực thực hiện, đồng thời ngân hàng từng bước chú ý nguồn thu nhập từ các hoạt động dịch vụ.
Kết quả, tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 368.680 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; tiền gửi khách hàng đạt 319.860 tỷ đồng, tăng 9,67%; dư nợ tín dụng gần 225.600 tỷ đồng, tăng 12,5%. Thu nhập từ lãi thuần đạt gần 5.290 tỷ đồng, tăng 32%; lãi từ dịch vụ đạt trên 2.625 tỷ đồng, tăng đến 84%. Kết quả lợi nhuận sau thuế qua lại mốc trên nghìn tỷ khi đạt 1.173 tỷ đồng, gấp 13 lần năm 2016.
Định hướng trong năm 2018, Chủ tịch Dương Công Minh xác định nhiệm vụ đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo Đề án, ưu tiên xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản. Mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh nghiệp vụ bán lẻ, tăng doanh thu từ mảng dịch vụ. Bên cạnh đó, Sacombank hợp tác, liên kết với các tctd trong và ngoài nước để tăng sức cạnh tranh; từng bước áp dụng chuẩn mực Basel II; giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, đa dạng hoá cơ cấu cổ đông; tiết giảm chi phí…
Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2 (2016-2020) đã được Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu là tiếp tục cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý triệt để nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị của các TCTD; từng bước xử lý sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các NHTM.
Đến năm 2020, các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội sẽ giúp đẩy nhanh, xử lý dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu, phát huy vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu. Phấn đấu năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng hệ thống TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.