2 năm và 100 tỷ đồng cho hành trang quản lý tín dụng tại Sacombank
Xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu, Sacombank làm gì tiếp theo năm 2018? |
Ngày 10/1, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - Mã: STB) và liên danh Aurionpro – Integro ký kết hợp đồng xây dựng hệ thống phần mềm khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS) với tổng giá trị đầu tư hơn 100 tỷ đồng.
Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban Dự án LOS Sacombank. |
Hệ thống LOS nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí vận hành; rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ tín dụng, hỗ trợ phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng; và đặc biệt là tăng cường khả năng quản trị rủi ro tín dụng, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn Basel II đồng thời nâng cao tính minh bạch và bảo mật thông tin cho Sacombank. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Phan Đình Tuệ – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Dự án LOS Sacombank xung quanh nội dung này.
Thưa ông, vì sao bây giờ Sacombank mới lựa chọn hệ thống phần mềm khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS) này, trong khi tại Việt Nam có Ngân hàng đã triển khai cách đây 3-4 năm?
Ý tưởng thực hiện dự án LOS bắt đầu cách đây 4 năm. Nhưng trong quá trình triển khai còn chậm bởi nhiều lý do như thay đổi trong ban lãnh đạo, quan điểm đầu tư.
Cách đây 2-3 năm, mặc dù trong bối cảnh hoạt động có những khó khăn chung của ngành, Sacombank vẫn điều tiết lại danh mục đầu tư cho LOS. Với dự án này, có hai vấn đề chúng tôi quan tâm là hiệu quả chi phí và lựa chọn đối tác có kinh nghiệm, đảm bảo sự thành công cho dự án. Quá trình chọn lựa kỹ càng và do đó cần thời gian.
Việc đã có Ngân hàng Việt Nam triển khai hệ thống LOS của Liên danh Aurionpro – Integro cách đây vài năm cũng là điều kiện bổ sung cho Sacombank thêm những thông tin cần thiết. Liên danh Aurionpro – Integro đã đáp ứng được các yêu cầu do Sacombank đưa ra, đồng thời họ cũng là đơn vị có kinh nghiệm triển khai LOS ở các nước phát triển và thị trường Việt Nam. Sacombank là ngân hàng thứ ba tại Việt Nam sử dụng hệ thống LOS này và chúng tôi lựa chọn phiên bản mới nhất LOS 4 ở tất cả các hệ thống gồm khởi tạo hồ sơ tín dụng, quản lý hạn mức, quản lý tài sản đảm bảo.
Ông Phan Đình Tuệ – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban Dự án LOS Sacombank (bên trái) và ông Nguyễn Tấn Đăng – Trưởng đại điện Việt Nam, Lào, Campuchia Integro ký kết hợp đồng xây dựng hệ thống LOS với sự chứng kiến của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank và ông Shekhar Mullati – Tổng Giám đốc Integro và là người đại diện Aurionpro. |
100 tỷ đồng cho hệ thống này, đổi lại Sacombank được gì thưa ông?
Dự án LOS sẽ thay đổi nhiều thứ. Trước đây, phần lớn công việc xử lý hồ sơ cấp tín dụng làm thủ công, nhập dữ liệu bằng tay. Khi có hệ thống LOS, Sacombank sẽ khai thác dữ liệu trên hệ thống hiện có.
Cụ thể như, trên hệ thống core banking (ngân hàng lõi) có các dữ liệu từng hồ sơ vay, từng khách hàng. Nếu như bắt đầu cấp tín dụng, ngân hàng phải cập nhật lại thông tin từ đầu. Bây giờ có khách hàng mới, ngân hàng vẫn nhập vào nhưng với chương trình có sẵn, các công việc tiếp theo sẽ được số hóa tất cả quy trình, khai thác dữ liệu hiện có, giúp tiết kiệm thời gian.
Hiện Sacombank đang tập trung cho quá trình xử lý nợ xấu, vậy LOS khắc phục những rủi ro gì có thể xảy ra trong quản lý tín dụng? Có đóng góp gì cho việc kiểm soát nợ xấu của Sacombank?
Hệ thống LOS cho phép nhập dữ liệu và phê duyệt hồ sơ đi theo quy trình, các cấp có thể xem và kiểm tra phê duyệt trên hệ thống. Các thông tin sẽ được số hóa và nằm trên hệ thống. Định tính sẽ được hạn chế, thay vào đó là định lượng.
Nợ xấu quyết định bởi nhiều yếu tố, LOS là một trong những công cụ hỗ trợ quản trị rủi ro nói chung và tín dụng nói riêng. Bởi khi nhập dữ liệu chính xác sẽ đóng góp một phần cho việc quản lý cho vay, hồ sơ, thậm chí quản lý cả quá trình thu nợ. Thay vì thu nợ bán thủ công, phải nhắc nhở, kiểm tra lịch trên hệ thống thì sau khi áp dụng LOS, việc thu nợ sẽ được chuyên nghiệp hơn với các cảnh báo trên hệ thống.
Ông đánh giá như thế nào về năng suất lao động của nhân viên tín dụng và xử lý nợ xấu của Sacombank?
So sánh chung toàn ngành ngân hàng thì khập khiễng, do Sacombank là ngân hàng bán lẻ thì năng suất lao động sẽ khác ngân hàng bán sỉ (cho vay doanh nghiệp). Ở đây có nhiều yếu tố, trong đó thời gian xử lý hồ sơ là một vấn đề quan trọng. Thông qua hệ thống LOS sẽ rút ngắn thời gian tác nghiệp nhập tay bằng số hóa những trường dữ liệu có sẵn, rút ngắn quá trình xử lý hồ sơ tín dụng. Nhìn chung, nhân viên Sacombank hiện nay đang làm khá tốt về phục vụ khách hàng.
Hệ thống LOS sẽ rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ tín dụng bao lâu? Khi nào LOS bắt đầu áp dụng?
Thời gian xử lý chắc chắn rút ngắn nhiều hơn khi sử dụng hệ thống LOS, do không mất thời gian luân chuyển đánh máy các giấy tờ cũng như giảm chi phí hoạt động của ngân hàng.
Tuy nhiên phân ra chi tiết vẫn chưa cụ thể được do tính chất phức tạp của mỗi hồ sơ khác nhau. Chắc chắn những hồ sơ đơn giản như cho vay mua xe, tiêu dùng cá nhân thời gian xử lý và phê duyệt hồ sơ sẽ rút ngắn từ từ 24 giờ xuống còn tối đa 8 giờ.
Tiến độ dự án LOS là 1 năm, dự kiến đưa vào áp dụng chính thức những tháng đầu năm 2019. Việc xét duyệt hồ sơ tín dụng sẽ phân hai giai đoạn, trước mắt vẫn phân cấp phê duyệt như hiện nay, giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai phê duyệt tập trung.
LOS hỗ trợ phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới gì cho khách hàng của Sacombank?
Trước đây, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phải thiết kế riêng, hệ thống LOS sẽ cho ra những sản phẩm dịch vụ được số hóa, hỗ trợ công tác bán hàng nhanh hơn. Cơ sở dữ liệu của LOS sẽ giúp Ngân hàng xây dựng thiết kế sản phẩm tốt hơn.
Hiện nay còn có hệ thống nào tương tự như LOS, so với những hệ thống này thì LOS có những ưu điểm, nhược điểm gì?
LOS - bản thân nó nói lên quy trình (Hệ thống phần mềm khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng), ai chọn LOS thì đều phục vụ công việc như nhau. Một số ngân hàng có thể chưa ứng dụng LOS thì họ có thể sử dụng những hệ thống của đối tác hoặc chính họ. Tuy nhiên, LOS là hệ thống đáp ứng được chuẩn mực quản trị rủi ro tín dụng theo tiêu chuẩn Basel II.
Ngoài hệ thống LOS, Sacombank đã, đang và sẽ hợp tác với liên danh Aurionpro – Integro ở những dự án nào không?
Hệ thống LOS có rất nhiều quy trình như quản trị rủi ro, quản lý quy trình cấp tín dụng, quản lý giá, quản lý tài sản bảo đảm. Một số ngân hàng sẽ làm từng giai đoạn, cấu phần. Sacombank làm hoàn chỉnh tất cả giai đoạn của LOS.
Ngoài ra, hệ thống LOS gồm 2 phần phục vụ cho doanh nghiệp và bán lẻ, với định hướng của Sacombank trong thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai phần tự động hóa liên quan tới bán lẻ.
Ông đánh giá quy trình tín dụng của Sacombank hiện nay như thế nào? Trong lộ trình áp dụng Basel II, Sacombank cần hoàn thiện ở những điểm nào trong quy trình này?
Quy trình tín dụng hiện tại đang phù hợp với chiến lược kinh doanh của Sacombank và quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Mục tiêu quan trọng tham gia Basel II không phải về đánh giá quy trình, mà đánh giá về quản trị rủi ro, thị trường, hoạt động, tín dụng. Trong đó, tín dụng là một nội dung quan trọng.
Sacombank xây dựng đề án LOS này với các mục tiêu tiến tới đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, tiết kiệm thời gian và chi phí cho hoạt động tín dụng.
Xin cảm ơn ông!
Ông Shekhar Mullati – Tổng Giám đốc Integro và là người đại diện Aurionpro tin tưởng rằng nền tảng khởi tạo khoản vay và quản lý rủi ro tín dụng thông minh (SmartLender) của sẽ giúp Sacombank khắc phục những rủi ro có thể xảy ra trong quản lý tín dụng một cách chủ động và toàn diện, đạt được các mục tiêu kinh doanh đề ra. Integro là một trong những nhà cung cấp tiên phong nền tảng quản lý tín dụng được các ngân hàng Châu Á và Trung Đông sử dụng rộng rãi.
|