Xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu, Sacombank làm gì tiếp theo năm 2018?
Từ bỏ 'ghế nóng' Him Lam, ông Dương Công Minh chính thức toàn tâm cho Sacombank | |
Eximbank tiếp tục bán ra 1,3 triệu cổ phiếu Sacombank |
Kết thúc năm 2017, năm đầu tiên hoạt động theo Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - Mã: STB) đã đạt được một số kết quả nhất định.
Ngân hàng cho hay tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản riêng của Sacombank đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm. Tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 323.000 tỷ đồng, tăng 11,4%. Dư nợ tín dụng hơn 219.000 tỷ đồng, tăng 12,6%.
Tổng thu nhập đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2016. Thu dịch vụ đạt 2.395 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng gần 30%.
Kết thúc năm 2017, Sacombank đã xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng mà hơn 15.000 tỷ đồng trong số đó là thuộc Đề án tái cơ cấu. Cụ thể, 19.000 tỷ đồng nêu trên bao gồm: thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng cho VAMC; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018.
Bên cạnh công tác xử lý nợ xấu, Sacombank vẫn tiếp tục tập trung mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ. Số lượng khách hàng giao dịch đã tăng 20,6% so với năm trước, đạt 4,3 triệu khách hàng trên toàn hệ thống với 566 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn hệ thống tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
Hai nhiệm vụ chính giai đoạn 2018 – 2020
Sacombank xác định 2 nhiệm vụ chiến lược hàng đầu cho giai đoạn 2018 – 2020.
Thứ nhất là đưa Sacombank đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu Sacombank theo Đề án, ưu tiên công tác xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản qua đó hạ giá thành vốn huy động. Mặt khác, Ngân hàng đẩy mạnh nghiệp vụ bán lẻ, doanh thu từ dịch vụ nhằm đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng.
Thứ hai là tăng cường sức cạnh tranh bằng chiến lược khác biệt hóa, kết hợp với tối ưu hóa chi phí và mở rộng các mối quan hệ hợp tác, liên kết, kế cả hợp tác, liên kết với các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính trong và ngoài nước nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh trong phạm vi nội ngành.