'Tỉnh giấc' với nợ xấu, ngân hàng vội vã tái cấu trúc nguồn thu
Một số ngân hàng đã bắt đầu tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ nhằm tái cấu trúc nguồn thu và sớm giảm sự phụ thuộc quá lớn vào hoạt động tín dụng. Ảnh: TL |
Rủi ro thu nhập tập trung
Trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng lên đến 30-40% của những năm trước đây, nguồn thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng của nhiều ngân hàng chiếm đến 90-95% tổng thu nhập thuần, thậm chí hơn 100% do thu nhập từ hoạt động tín dụng phải bù lỗ cho các mảng kinh doanh khác như kinh doanh ngoại hối và chứng khoán.
Chính vì thu nhập chỉ tập trung đến từ một mảng hoạt động như thế, các ngân hàng đã lao vào cuộc đua phát triển tín dụng, theo đó lôi kéo, giành giật khách hàng bất chấp tốt xấu, chấp nhận khẩu vị rủi ro cao hoặc một số ngân hàng gần như không cần xác định khẩu vị rủi ro. Thêm vào đó, các ngân hàng giao chỉ tiêu cho bộ phận phát triển kinh doanh ngày càng cao hơn, dẫn đến những rủi ro đạo đức. Bộ phận này đã bất chấp mọi giá thông đồng với khách hàng để có thể đạt chỉ tiêu, khiến rủi ro tín dụng tiềm ẩn chất chồng. Hệ quả là nợ xấu vọt lên như những gì chúng ta đã thấy trong những năm gần đây.
Với việc nguồn thu nhập từ tín dụng tăng trưởng quá nhanh và ở mức cao, không những trang trải được chi phí hoạt động mà còn đủ bù cho các khoản lỗ từ các hoạt động khác và đảm bảo có lãi cao, nhiều ngân hàng đã ngủ say trên men chiến thắng mà quên mất rằng phần lớn trong đó là những khoản lãi dự thu ảo trên sổ sách, còn thực tế vẫn chưa thu được hay nói cách khác là vẫn bị khách hàng chiếm dụng vốn. Cho nên, hàng năm nhiều ngân hàng vẫn mạnh tay chi cổ tức cho cổ đông và thưởng cao ngất ngưởng cho bộ máy.
...Nên chuyển dịch là tất yếu
Chính vì hoạt động tín dụng “ngon ăn” như thế, nhiều ngân hàng đã không mảy may quan tâm đến việc cần phải sớm đa dạng hóa nguồn thu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Chỉ đến khi cơn lốc nợ xấu bất ngờ ập đến, thu nhập từ tín dụng nói riêng và lợi nhuận nói chung bị teo tóp dần bởi các khoản thoái thu và trích lập chi phí dự phòng, nhiều ngân hàng mới ngỡ ngàng giật mình sực tỉnh “giấc mộng Nam Kha”.
Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã bắt đầu tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ, cũng như tăng cường hoạt động bán chéo nhằm đa dạng hóa nguồn thu và sớm giảm sự phụ thuộc quá lớn vào hoạt động tín dụng. Những mục tiêu như tăng số lượng khách hàng sử dụng bình quân 2-3 sản phẩm trở lên hay nâng tỷ trọng nguồn thu dịch vụ đã được cụ thể hóa trong kế hoạch hàng năm cũng như chỉ tiêu giao cho lực lượng phát triển kinh doanh.
Các chương trình khuyến mãi để phát hành thẻ tín dụng, thẻ thanh toán hay những cuộc cạnh tranh chăm sóc, tài trợ để giành giật khách hàng chi lương, thu chi hộ đang ngày càng quyết liệt hơn. Những thương vụ ký kết hợp tác bán sản phẩm cho các công ty bảo hiểm dưới tên gọi bancassuarance đã không còn lạ lẫm đối với cả nhân viên ngân hàng và khách hàng. Kết quả là tỷ trọng lãi từ dịch vụ trong tổng thu nhập thuần của các ngân hàng gần đây đã có sự cải thiện đáng kể, như VPBank tăng từ mức 5,1% trong năm 2016 lên 5,9% trong chín tháng đầu năm nay, VIB tăng từ 7,5% lên 8,7%, TPBank tăng từ 3,7% lên 5,1%... Khi cửa tín dụng sẽ ngày càng hẹp dần...
Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đặt ra mục tiêu kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển (tức khoảng 5%). Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, tuy nhiên rõ ràng định hướng này cho thấy biên độ lãi từ hoạt động tín dụng có khả năng sẽ giảm đáng kể so với những mức cao chót vót trong giai đoạn trước đây. Hay nói cách khác, các ngân hàng phải “hy sinh” một phần cho mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế.
Đề án cũng đặt ra nhiệm vụ đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn Basel II vào năm 2020. Với việc Thông tư 41/2016/TT-NHNN được ban hành vào cuối năm 2016 quy định cách tính hệ số an toàn vốn (CAR) chặt chẽ hơn theo chuẩn quốc tế, các ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức để đẩy mạnh tín dụng nếu vốn tự có không tăng trưởng kịp để đáp ứng, trong khi kế hoạch tăng vốn luôn là bài toán đau đầu của giới chủ ngân hàng trong những năm qua.
Ngoài ra, với định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường cổ phiếu, trái phiếu để trở thành kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, thì nhu cầu vay từ các doanh nghiệp lớn tất yếu sẽ giảm đáng kể trong tương lai khi đã có lựa chọn chạy qua thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu. Khi đó, ngân hàng chỉ còn có thể cho vay bán lẻ ở nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và cá nhân, hoặc nếu là nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn thì cũng là những khách hàng có xếp hạng tín nhiệm thấp nên mới không đủ năng lực tìm kiếm vốn trên thị trường chứng khoán. Thực tế gần đây cho thấy những ngân hàng có thế mạnh về bán buôn như Vietcombank, BIDV hay MB cũng đã dần chú trọng và đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ nhiều hơn.
Trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058/QĐ-TTg gần đây, một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra đối với các ngân hàng là phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của ngân hàng thương mại.
Để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng không chỉ cần tăng cường phát triển các dịch vụ thanh toán áp dụng công nghệ số, nhất là khi đang được sự hỗ trợ rất thuận lợi từ Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, mà nên sớm mở rộng xây dựng thêm các dịch vụ quản lý tài sản, giữ hộ và tư vấn tài chính. Đây là những dịch vụ vốn chưa thật sự được quan tâm và phát triển tại thị trường Việt Nam, trong khi số lượng người giàu ở nước ta đang ngày càng nhiều hơn trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tăng nhanh chóng mặt.
Thấy gì từ sự dịch chuyển thu nhập dịch vụ của ngân hàng trong quý III?
Trong quý III, hầu hết ngân hàng có sự tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, một số còn cho thấy sự tăng ... |