Minh Phú có thể lỡ hẹn xuất khẩu với thị trường Mỹ, châu Âu vì thiếu nguyên liệu?
Doanh nghiệp lỡ đơn hàng xuất khẩu vì thiếu nguyên liệu
Trao đổi trong "Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16 khu vực Nam bộ", ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng hiện chuỗi giá trị ngành tôm đã bị đổ vỡ do ảnh hưởng của giãn cách, cách ly xã hội.
"Chúng tôi rất lo trong tháng 10, 11 không có nguyên liệu để chế biến, trả các đơn hàng xuất khẩu phục vụ các lễ hội cuối năm như Noel, đón mừng năm mới ở Mỹ, châu Âu.
Nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng rất gần, cho dù người dân có gấp rút thả giống vào giữa tháng 9 cũng không kịp thu hoạch", ông Quang nói.
Ông Quang phân tích xuất khẩu tôm sang Mỹ, châu Âu chậm nhất tháng 11 phải xuất hàng nhưng hiện nay công nhân cảng biển tại Mỹ đang đình công, tình trạng kẹt hàng, nhập cảng mất nhiều thời gian mới đến tay khách hàng.
Do đó, doanh nghiệp không thể cung ứng kịp hàng hóa cho thị trường Mỹ, châu Âu. Việc cần làm lúc này là khuyến khích nông dân thả tôm để tháng 11, 12 có thể thu hoạch, chế biến tôm phục vụ thị trường châu Á.
"Bản thân Minh Phú, ngay từ đầu tháng 9 đã chủ động tăng giá tôm về gần mức trước khi giãn cách xã hội để tạo động lực cho nông dân thả nuôi, tái sản xuất cho vụ cuối năm.
Tuy nhiên, người dân vẫn thường trực mối lo dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp không thu mua, gây thiệt hại kinh tế. Vì vậy, việc thả tôm không thuận lợi được như dự tính, ông Quang nói.
Hiện tại, Minh Phú đang nợ rất nhiều đơn hàng và đối tác đang hối thúc. Doanh nghiệp chỉ mong có đủ nguyên liệu để trả hết các đơn hàng cũ, không dám nhận thêm đơn mới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nguồn nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn và quyết định giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, quy định giãn cách và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nên doanh nghiệp không thể huy động được nguồn nguyên liệu, nguyên liệu bị ùn ứ nên giá giảm, người dân không tiếp tục thả nuôi.
"Dự kiến nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng như tôm, cá tra… sẽ thiếu từ 20 - 30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm khi mà nhiều nhà máy bắt đầu phục hồi để sản xuất, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết.
Chỉ khôi phục được 50% công suất vào cuối năm
Theo khảo sát của VASEP, chỉ có 30 – 40% các doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Theo tính toán của VASEP, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 - 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng - 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm.
Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với khó khăn quy tụ lại lực lượng lao động do công nhân đã về quê hay đang cách ly hay đang điều trị COVID-19 chưa được tiêm vắc xin nên chưa thể đến cơ sở sản xuất.
Ngoài ra, chủ trương của nhiều tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 cùng với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch, do đó khả năng hồi phục sản xuất là rất khó.
Do đó, đại diện VASEP dự báo nếu việc tiếp tục giãn cách đến giữa tháng 9 thì khả năng rất khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.
Với tình hình hiện nay, đại diện Minh Phú cho rằng khả năng phục hồi của doanh nghiệp như kỳ vọng của VASEP khó thành hiện thực.
"Đến tháng 11,12, các doanh nghiệp không thể nào phục hồi được 70-80% công suất mà chỉ tối đa được 50% công suất.
Giả sử, lúc đó hết dịch, nhà máy phục hồi sản xuất, công nhân trở lại làm việc cũng không có nguyên liệu chế biến. Đây thực sự là khó khăn rất lớn với doanh nghiệp", ông Quang nói.