Doanh nghiệp thủy sản, gỗ rơi vào tình trạng báo động vì cạn kiệt tài chính
Thủy sản chao đảo trước cú sốc lớn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trải qua 2 tháng hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội, xuất khẩu thủy sản thực sự ngấm đòn COVID-19 khi giá trị xuất khẩu trong tháng 8 sang các thị trường đều giảm từ 16 – 50% so với cùng kỳ năm 2020.
100 doanh nghiệp tạm dừng tham gia xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng báo động nếu không thể phục hồi sản xuất sớm trước 15/9.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động của Tổ công tác 970 về kết nối cung cầu nông sản ở các tỉnh, thành phía Nam diễn ra ngày 9/9, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn cho biết nhu cầu tiêu thụ cá tra của thị trường thế giới đang tăng trở lại nhưng doanh nghiệp lại "đứng ngồi không yên" do những khó khăn trong việc di chuyển của người lao động, việc tổ chức sản xuất 3 tại chỗ.
"Cá tra đang quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ mà công đoàn thu hoạch cá tra của doanh nghiệp khi vào địa phương thu hoạch cá bắt buộc phải cách ly 14 ngày thì làm sao đảm bảo tiến độ thu hoạch, chế biến.
Trong khi đó, công đoàn thu hoạch cá tra dù di chuyển sang nhiều địa phương nhưng họ đều đảm bảo các yếu tố dịch tễ, đã tiêm phòng vắc xin, có giấy xét nghiệm đầy đủ", bà Khanh nói.
Bên cạnh đó, đại diện Vĩnh Hoàn cho rằng nếu cứ kéo dài, 3 tại chỗ, doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi vì chi phí sản xuất tăng. Doanh nghiệp đã thực hiện 3 tại chỗ 2 tháng nay, hàng tuần đều test PCR nên rất tốn kém.
Bà Khanh cho biết nên chăng chỉ cần tầm soát xét nghiệm 20% thay vì 100% như hiện nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp muốn khôi phục tăng sản lượng chế biến để đáp ứng các đơn hàng nên đang cần gọi lại những công nhân đã tạm nghỉ việc quay trở lại nhà máy làm việc.
Ngành gỗ liệu khó đủ sức gánh tăng trưởng cho toàn ngành
Theo Bộ NN&PTNT, tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 42%, chiếm tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS.
Chỉ trong 8 tháng đầu năm, ngành lâm sản mang lại thặng dư 9 tỷ USD và đang gánh tăng trưởng cho toàn ngành nông nghiệp.
Song trong 3 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6, 7, 8 giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) khảo sát 360 doanh nghiệp thì có 50% doanh nghiệp dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản vì vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng…
Những doanh nghiệp còn hoạt động hoạt động 3 tại chỗ cũng chỉ duy trì được khoảng 50 - 60% số lao động, công suất giảm từ 30 - 50% so với điều kiện bình thường.
Bên cạnh đó, chi phí để duy trì sản xuất tăng khoảng 20 - 30%, tương đương 5 - 6 triệu đồng/tháng/lao động. Với thực tế này thì doanh nghiệp rất khó cầm cự và cũng không đủ nguồn lực để trả các khoản vay đến hạn.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh; đây cũng thực sự là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đơn hàng xuất khẩu gỗ vẫn đổ về nhưng ngoài chi phí 3 tại chỗ, doanh nghiệp còn mang gánh nặng chi phí thuê container, giá cước vận tải biển.
Cụ thể, giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18.000 – 20.000 USD/container ngàn USD, tăng 2 - 4 lần. Với mức cước này, đã có một số nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác có cước phí vận tải thấp hơn.
Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác nhưng với mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại và doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác.
Chia sẻ về điều này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST cho biết: "Nếu tình hình không được cải thiện thì doanh nghiệp ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua".
Không chỉ riêng doanh nghiệp thủy sản, gỗ mà doanh nghiệp ngành lúa gạo, điều, chăn nuôi... cũng đang cạn "máu" vì 3 tại chỗ, có nguy cơ mất chỗ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp cần gì khi sống chung với dịch COVID-19?
Suốt 3 tháng qua, COVID-19 làm cả nền kinh tế đóng băng, doanh nghiệp giảm cả năng suất và công suất và khả năng giai đoạn cuối năm sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Vấn đề bây giờ làm làm sao cho doanh nghiệp tái khởi động sản xuất hiệu quả trong trạng thái sống chung với dịch COVID-19.
Tại tọa đàm trực tuyến "Kết nối cung cầu nông thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL với TP HCM", ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ đặt ra vấn đề 2 tháng nay, doanh nghiệp tại ĐBSCL hầu như ngưng sản xuất nên không có doanh số, lợi nhuận để trả lãi nợ vay. Các ngân hàng có cách nào giảm lãi vay đến tối đa có thể hay không?
Doanh nghiệp thương mại đang cần 1 nguồn thu nhất định, hiện chỉ có 4 ngân hàng thương mại nhà nước có tỷ lệ giảm lãi lớn, các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn duy trì lãi suất cao trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu vay vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
Trả lời vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết trong một tháng chạy nước rút cùng nông dân trồng lúa ĐBSCL, ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở rộng hạn mức tín dụng, tăng vốn cho vay của doanh nghiệp, thương lái.
Đồng thời, tăng dư nợ tín dụng 5.000 tỷ đồng cho mua lúa ĐBSCL, mở hạn mức tín dụng 1.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ thời gian qua.
"Về chính sách chung, ngành ngân hàng đã có cơ chế giãn nợ, lãi với doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và chưa có điều kiện trả nợ.
Bên cạnh đó, Thông tư 14 được ban hành để phù hợp điều kiện thực tế, cơ bản xử lý được những khó khăn của doanh nghiệp. Nếu diễn biến phức tạp hơn, ngành ngân hàng sẽ cập nhật chính sách kịp thời", ông Tú nói.
Ngoài vấn đề tài chính, giữa các địa phương ở ĐBSCL cần thống nhất về các quy định giao thương toàn vùng. Hiện các tỉnh đang có những quy định khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế gây ra sự chao đảo, mất cân bằng nhiều hơn so với những đợt dịch trước.
"Mỗi xã, phường là một pháo đài phòng, chống dịch nhưng tôi xin nói lại lần nữa, đó là pháo đài phòng, chống dịch chứ không phải một pháo đài kinh tế. Bởi vì kinh tế không có pháo đài đó, kinh tế cần sự liên lạc", ông Hoan nói.
Đồng quan điểm, ông Lam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cần có quy định thống nhất về lưu thông giữa 13 tỉnh ĐBSCL.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần có hướng kết nối, hình thành sự giao thoa, thống nhất giữa các địa phương 13 tỉnh ĐBSCL để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương lái di chuyển, thu mua, tiêu thụ nông thuỷ sản trong vùng.