Chủ tịch Sao Ta: Nhiều người nói rằng sản xuất 3T chẳng lời lãi gì, tốt hơn nên đóng cửa cho an toàn
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), chỉ 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách xã hội, số còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy hoặc khó khăn trong vận chuyển.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng…
VASEP dự báo nếu việc tiếp tục giãn cách đến giữa tháng 9 thì nguy cơ đứt chuỗi là rất cao và khả năng khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.
Trao đổi với người viết, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) phân tích chuỗi giá trị thủy sản là các mắt xích tham gia cấu thành sản phẩm con tôm, con cá.
Chuỗi giá trị thủy sản được hình thành theo mô hình chuỗi lồng chuỗi. Cụ thể, trong chuỗi con tôm bao gồm chuỗi nuôi tôm, chuỗi cung ứng tôm, chuỗi chế biến tôm.
Tóm lại, chuỗi giá trị thủy sản bao gồm các mắt xích: giống - thức ăn – chế phẩm nuôi tôm – người nuôi – thương lái – cơ sở chế biến - kho lạnh – vận tải - hệ thống phân phối.
Tất cả mắt xích đều quan trọng và không thể thiếu. Tuy nhiên, mắt xích đầu ra chế biến thủy sản đóng vai trò trọng yếu.
Chủ tịch Sao Ta cho rằng: "Khi doanh nghiệp có trình độ chế biến cao, giá thành phải chăng sẽ thuyết phục người tiêu dùng, tăng trưởng tiêu thụ.
Đồng thời, thúc đẩy giá mua tôm thương phẩm phù hợp và sản lượng lớn sẽ kích thích nuôi và phát triển kho lạnh, vận tải".
Khi mắt xích nuôi phát triển kéo theo nhà cung ứng giống, thức ăn, dụng cụ ao nuôi, chế phẩm nuôi lớn mạnh.
Ở chiều ngược lại, nếu mắt xích chế biến yếu sẽ kéo theo các mắt xích khác khó phát triển.
Cụ thể, từ 18/7 Sao Ta và nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL phải tổ chức sản xuất 3 tại chỗ (3T). Sự kiện này tác động chuỗi cung ứng tôm và chuỗi sản xuất tại doanh nghiệp, đặc biệt là việc việc thu hoạch, vận chuyển tôm.
Chi phí mua tôm tăng cao và các yếu tố khác khiến giá mua tôm thương phẩm của người nuôi bị giảm mạnh 20-30%. Song điều may mắn là chưa có ao tôm nào bị ứ đọng, hư hỏng.
"Việc thực hiện 3 tại chỗ làm thu hẹp quy mô chế biến tại doanh nghiệp chỉ còn 30-40%. Công nhân gom từ nhiều xưởng với kỹ năng không giống nhau dẫn đến năng suất thấp và rủi ro lỗi trên sản phẩm tăng.
Minh chứng rằng kế quả kinh doanh tháng 8 không hiệu quả. Điều hiếm hoi xảy ra lúc cao điểm mùa vụ", ông Lực nói.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 8, sản xuất tôm tháng 8 đạt 1.618 tấn, bằng 68% so cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 8 tháng là 13.813 tấn, tăng 11% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng tiêu thụ tôm trong tháng 8 đạt 11 triệu USD, giảm 56% so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng đạt 133 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm 2020.
Tiêu thụ nông sản 8 tháng đạt 1.079 tấn, tăng 27% so cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lực cho biết: "Nhiều người nói rằng sản xuất 3 tại chỗ chẳng lời lãi gì, tốt hơn nên đóng cửa cho an toàn, thuận lợi cho việc phòng chống dịch.
Tuy nhiên, việc Sao Ta tổ chức 3 tại chỗ nhằm duy trì các chuỗi cung ứng, giữ cho chuỗi giá trị con tôm không đổ vỡ, đợi cơ hội phục hồi".
Đại diện Sao Ta cũng tiết lộ đến 15/9 tỉnh Sóc Trăng về vùng xanh, Sao Ta sẽ trở lại bình thường đầy đủ lao động và tăng tốc mạnh để bù đắp thiếu hụt sản lượng thời gian qua.