Bài 2: Khách hàng kêu réo, hàng đầy trên kệ, nhà bán lẻ vẫn phải 'ở yên đó'
Trưa 20/8, lệnh siết chặt giãn cách "ai ở đâu ở yên đó" được phát đi từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM.
Khoảng 24h sau, một công văn khẩn yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Đồng thời dừng mọi hoạt động của shipper (nhân viên giao hàng) tại TP Thủ Đức và 7 quận, huyện khác. Lực lượng công an, bộ đội được huy động để "đi chợ hộ" giúp dân.
Thông tin về "trận đánh cuối" xuất hiện dày đặc trên các bản tin truyền thông - "Mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch".
Diễn biến chóng vánh, nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp bởi chỉ cách đó mấy ngày - 15/8, thành phố rục rịch nới lỏng các hoạt động dành cho shipper, giao hàng liên quận, sau khoảng thời gian gần như bị đóng băng vì các đợt giãn cách và giãn cách tăng cường.
Ngay trong đêm 21/8, nhóm lãnh đạo Bách Hoá Xanh - đơn vị sở hữu 2.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc và 500 cửa hàng tại TP HCM, đã họp khẩn dưới sự chỉ đạo của ông Trần Kinh Doanh - CEO chuỗi, nhằm tìm ra giải pháp thích nghi với những quy định mới.
Tại cuộc họp, ông Doanh yêu cầu huy động tối đa lực lượng shipper từ hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ra ship hàng cho Bách Hoá Xanh. "Nỗ lực tăng tải tối đa ở khâu giao hàng. Tìm cách ưu tiên phục vụ nhiều người hơn", ông Doanh nhấn mạnh.
Những ngày sau đó là liên tục những cuộc họp từ lúc sáng sớm, đến khi xuyên trưa của đội ngũ Bách Hoá Xanh để tìm lối đi tối ưu cho việc cung ứng hàng hoá trong bối cảnh ngặt nghèo.
Công ty đã vạch ra ba phương án hành động. Phương án thứ nhất, cho phép một số điện thoại chỉ được mua hàng một lần trong ba ngày. Phương án thứ hai, giới hạn trần mua, một đơn hàng chỉ được mua tối đa 1,5 triệu đồng, phòng trường hợp tình hình khó khăn, hàng hoá không cung ứng kịp tránh mua gom, để những người sau có cơ hội được mua. Thông tin rõ ràng về số đơn hàng có thể phục vụ và thời gian đặt hàng để khách hàng hiểu.
Phương án cuối cùng cũng là phương án quan trọng nhất - tăng tải khâu giao hàng, xin phép cơ quan chức năng cho nhân viên Bách Hoá Xanh tham gia vào đội ngũ "đi chợ hộ". Đồng thời kêu gọi chính quyền bổ sung thêm người "đi chợ hộ" đến cửa hàng Bách Hoá Xanh.
Cuối ngày 23/8, tức ngày đầu tiên thành phố thực hiện siết chặt giãn cách, Bách Hoá Xanh nhận được thông báo về việc chấp thuận cho lực lượng shipper của cửa hàng được phép hoạt động. Thời điểm cao điểm nhất, doanh nghiệp có 500 shipper giao hàng khắp Sài Gòn.
Không chỉ chuẩn bị về shipper, lãnh đạo Bách Hoá Xanh cũng dành nguyên một tháng để chuyển đổi và tối ưu website bán hàng online nhằm đón lượng khách hàng offline khổng lồ chuyển hoàn toàn sang phương thức mua hàng online trong tình hình mới.
Ekip phát triển website của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trước đó được huy động qua làm web cho Bách Hoá Xanh. Tất cả dồn tổng lực cho phương án cung ứng hàng hoá mới mà trước đó chưa từng có tiền lệ.
Dù đã được chuẩn bị kỹ càng, nhưng mặt trái của các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đã tác động rõ nét lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngay trong những ngày đầu tiên. Đỉnh điểm, website bán hàng online của Bách Hoá Xanh ghi nhận lượt truy cập gấp 60 lần so với các đơn vị bán lẻ khác.
Nhu cầu mua hàng tăng cao và khả năng cung ứng hàng hoá là có, song thực tế với con số 500 shipper là không đủ để doanh nghiệp phục vụ lượng khách này. Những đơn vị bán lẻ như Bách Hoá Xanh dường như đã bị "trói chân" bất lực bởi không thể tìm kiếm shipper, đưa hàng đến người cần.
"Bình thường khi chưa bị hạn chế đi lại, chúng tôi ghi nhận hơn 300.000 đơn hàng mỗi ngày, riêng tại TP HCM. Nhưng với 500 shipper như hiện tại, Bách Hoá Xanh chỉ có thể phục vụ tối đa 70.000 lượt mua mỗi ngày.
"Thậm chí, lượng đơn hàng và giờ đặt hàng tại mỗi shop cũng phải phân bổ hợp lý. Ví dụ nay shop này chỉ được 100 đơn, đơn thứ 101 chúng tôi buộc phải từ chối phục vụ", đại diện doanh nghiệp nói.
Đó là ngay trong ngành hàng thực phẩm - ngành hàng thiết yếu nhất theo quy định được phép lưu thông trong mùa dịch. Trong khi đó, ngoài Bách Hoá Xanh, doanh nghiệp cũng sở hữu hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, kinh doanh những sản phẩm được coi là "không thiết yếu" như tủ lạnh, máy giặt, laptop, bếp từ,... Ngành hàng này gần như bị đóng băng, không hoạt động, bất chấp nhu cầu mua hàng rất lớn từ phía người tiêu dùng.
"Các mảng khác hiện cũng chỉ biết chờ đợi cơ quan chức năng cho phép chứ chúng tôi chẳng thể làm thế nào được. Bất lực đứng yên!
Thời điểm trước giãn cách, cùng kỳ mảng điện máy ghi nhận tăng trưởng 10% -15%, thời điểm cao điểm như có các giải đấu bóng đá, nó có thể tăng gấp khoảng 200% - 300%. Hiện tại ngành hàng này đang cứng đơ vì không được phép giao hàng", phía doanh nghiệp chia sẻ.
Thực tế cho thấy sau khi thực hiện siết chặt giãn cách và "đi chợ hộ", khảo sát từ tờ Thanh Niên Online cho hay hàng hoá giao đến người dân mới chỉ đáp ứng được 10% - 20% nhu cầu. Hệ thống quá tải.
Không riêng Bách Hoá Xanh, một đơn vị bán lẻ khác là VinMart/VinMart+ cũng chỉ biết chôn chân đứng nhìn khi trước đó mặc dù đã tăng trữ hàng hoá gấp 5 lần, đơn hàng online tăng đột biến nhưng không thể chuyển hàng đến tay người tiêu dùng cũng bởi… thiếu shipper.
"Hơn 90% tổ dân phổ chưa phản hồi về đề nghị hợp tác ‘đi chợ hộ’ từ phía VinMart", đại diện công ty chia sẻ trong những ngày đầu.
Với những điểm nghẽn về cung ứng hàng hoá kể trên, doanh nghiệp đề xuất chính sách cho phép shipper đủ điều kiện được hoạt động, không nhất thiết phải di chuyển liên quận nhưng được phép hoạt động trong quận hoặc một khu vực nhất định. Shipper được tiêm vắc xin hoặc có giấy xét nghiệm âm tính sẽ được phép ra đường.
Chỉ có như vậy mới đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng thực phẩm, đồ thiết yếu cho người dân và mở ra con đường máu cho các doanh nghiệp có thể tồn tại và sống chung với dịch bệnh như những gì Chính phủ vạch ra.