Bài 5: Phía sau trục trặc của nền kinh tế là bóng ma nợ xấu của ngân hàng
"Nhiều khách hàng đã không còn khả năng trả nợ vì cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa, doanh nghiệp dừng hoạt động khiến nguồn thu bị đứt đoạn", Trưởng phòng kinh doanh tại một ngân hàng thương mại cổ phần nói với chúng tôi.
Bà T, một chủ khách sạn tại Đà Nẵng có khoản vay 10 tỷ đồng từ năm 2019, chia sẻ chưa bao giờ bà suy nghĩ tới việc dịch lại xảy ra và kéo dài như vậy. Khách sạn đóng mở liên tục và không có khách, bà đã phải vay nóng nên ngoài, của họ hàng,... để có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nhưng cuối cùng, bà T đã phải rao bán cả nhà.
Khó khăn với khách hàng trong mảng du lịch, khách sạn, nhà hàng hay dịch vụ giải trí,... là rõ ràng nhưng ở các ngành sản xuất kinh doanh khác những ảnh hưởng cũng là không kém, nhất là trong đợt dịch thứ 4.
Con phố từng sầm uất nhất Hà thành trở nên vắng ngắt với những cánh cửa đóng sập, gần như tất cả hoạt động kinh tế được ấn nút "tạm dừng" khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Tại TP HCM, tâm điểm của đợt dịch vừa qua, những ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn, toàn thành phố ở trạng thái đóng băng, từ các doanh nghiệp đến những người lao động tự do.
Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp phải dừng hoạt động,... những chính sách kiểm soát dịch bệnh được áp dụng đã và đang ảnh hưởng vô cùng lớn đến doanh nghiệp và ngấm dần sang các ngân hàng, nơi trung chuyển vốn của nền kinh tế.
Ngân hàng là tổ chức trung gian tài chính, nhận tiền gửi của khách hàng và cho vay ra nền kinh tế, sau đó chờ đợi tiền quay trở lại để trả cho người gửi, trở thành một vòng xoay của vốn.
Nếu cho vay ra mà người vay lại không trả được nợ thì vòng xoay vốn sẽ bị tắc nghẽn, đứt đoạn, trong khi người gửi tiền có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào dẫn đến áp lực thanh khoản.
Điều đó có thể không khiến ngân hàng gục ngã nhưng lại làm mất đi nhiều triển vọng trong tương lai khi ngân hàng là nhóm chịu ảnh hưởng chậm pha hơn so với các doanh nghiệp trước những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.
"Rủi ro không thanh toán được của các khoản vay này cuối cùng có thể được chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính và vì vậy khu vực tài chính có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian", World Bank nhận xét trong báo cáo hồi tháng 8.
"Tôi không nghĩ rằng tình hình nợ xấu sẽ khả quan hơn mà càng ngày sẽ càng trở nên nghiêm trọng", chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, đó không phải là cố vẽ ra một bức tranh bi quan mà trong lúc này cần nhìn nhận vấn đề một cách thực tế.
14.500 tỷ đồng là số dư nợ xấu tại VietinBank vào cuối tháng 6, tăng mạnh 52% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 0,94% lên 1,34%. Nợ cần chú ý (nhóm 2) tăng gần gấp đôi và có sự chuyển dịch từ nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) sang nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).
Tính riêng trong quý II, VietinBank dành ra hơn 7.100 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.
Sự chuyển dịch các nhóm nợ tại VietinBank
Tại một "ông lớn" khác là Vietcombank, tổng nợ xấu tại ngày 30/6/2021 tăng 31% so với đầu năm, chiếm gần 6.865 tỷ đồng. Tất cả nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tăng cao nhất là nợ nghi ngờ gấp 3,4 lần. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng cũng tăng tới 73% trong quý II.
Còn tại SCB, nợ nhóm 5 của ngân hàng giảm hơn 4.700 tỷ đồng khiến nợ xấu nội bảng giảm mạnh nhưng cùng với đó, số dư trái phiếu VAMC tại SCB lại tăng hơn 10.000 tỷ đồng lên 48.400 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính nửa đầu năm của 29 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu sau hai quý đã tăng 4,5% so với đầu năm, quá nửa ngân hàng trên có số dư nợ xấu tăng và hơn 1/3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng nợ xấu hai con số.
Tuy vậy, những con số trên vẫn chưa thể hiện đầy đủ thực trạng nợ xấu của toàn ngành do các ngân hàng đang được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01.
Gần 326.300 tỷ đồng là tổng số dư nợ đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tương ứng với 241.443 khách hàng, theo số liệu từ NHNN.
Mặc dù không phải tất cả khoản nợ cơ cấu lại đều trở thành nợ xấu nhưng chắc chắn nợ xấu sẽ tiếp tục gia tăng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, các hoạt động sản xuất kinh doanh không được khôi phục sớm trở lại.
Lợi nhuận của ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng trong các năm sau nếu vấn đề nợ xấu không được giải quyết triệt để do tác động có độ trễ của nền kinh tế.
Theo báo cáo mới đây của Chính phủ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng vào cuối tháng 6 vào khoảng 1,78% - 2%, nhưng đó là chưa kể các khoản nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ. Nếu tính cả số nợ trên, tỷ lệ nợ xấu hệ thống lên 2,91% - 3,15% (không gồm nợ xấu của các ngân hàng yếu kém).
Con số nợ xấu tiềm ẩn này được dự báo có thể tăng lên 4,56% - 4,98% vào cuối năm 2021 và có thể lên đến xấp xỉ 5% nếu kinh tế chậm phục hồi.
Giãn nợ, hoãn nợ hay giảm lãi suất có thể giúp doanh nghiệp trì hoãn hoặc giảm bớt phần nào các nghĩa vụ thanh toán trong ngắn hạn nhưng lại không phải là biện pháp căn cơ có thể khiến cho các doanh nghiệp "sống" và "sống khoẻ".
Cơ cấu nợ theo Thông tư 01, giải pháp được đánh giá cao và thiết thực hiện nay, cũng có những mặt trái của nó với chính các ngân hàng.
Điểm tích cực là NHNN đã nhận ra được vấn đề nhiều khách hàng sẽ không có khả năng trả nợ như bình thường và có nguy cơ nhảy nhóm. Và một khi doanh nghiệp bị xếp vào nhóm nợ xấu thì sẽ rất khó khăn để vay tiền, thậm chí phải vay với lãi suất rất cao. Do vậy, Thông tư 01 cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ.
Cùng với đó, theo thông tư sửa đổi các ngân hàng sẽ không phải trích lập dự phòng cụ thể cao như bình thường mà trích dần trong lộ trình 3 năm để hạch toán.
Chính sách này giúp hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng nhưng đồng thời cũng thổi phồng lợi nhuận của ngân hàng lên và không phải nhà băng nào cũng lựa chọn như vậy.
Các ngân hàng cũng đã chủ động "phòng thủ" hơn khi đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu (dự phòng rủi ro trên số dư nợ xấu) lên cao, có nơi lên tới 200% đến hơn 300%. Bản chất của con số này là để dành lợi nhuận để giảm sốc khi nợ xấu không thể thu hồi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những con số này chỉ đẹp trên sổ sách và chỉ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng mà không thực sự đi vào bản chất xử lý các khoản nợ xấu.
Đối với một doanh nghiệp đang ở nợ nhóm 4, nếu không có biện pháp để giải cứu thì nợ sẽ nhảy sang nhóm 5, gần như không thể thu hồi được và ngân hàng phải bỏ 100% "tiền túi" từ dự phòng để giải quyết.
Giảm lãi suất cũng vậy, nhìn một cách khách quan, ngân hàng đang "cắt máu" của chính mình để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng mức hỗ trợ chỉ giảm được một phần nhỏ và không thể kéo dài mãi mãi.
Về cơ bản, tình hình doanh nghiệp xấu đi thì ngân hàng cũng sẽ không tốt mãi được. Hệ thống tài chính không phải là nơi có được những giải pháp hoàn hảo cho sự sống của doanh nghiệp.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/