|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bài 10: Ánh sáng cuối đường hầm từ những quan điểm mới

14:00 | 24/09/2021
Chia sẻ
Chuyển từ phòng thủ sang tìm cơ hội mở cửa, sống chung với virus, thẻ xanh vắc xin,... những quan điểm mới từ các nhà lãnh đạo đang thắp lại hy vọng cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

"Không để kéo dài giãn cách xã hội", "đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh", những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp vào cuối tháng 8 là những tín hiệu đầu tiên cho sự thay đổi về định hướng trong phòng chống dịch sau gần hai tháng TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Những thay đổi mang lại kỳ vọng đổi thay, nối lại chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Bối cảnh khi đó là loạt tỉnh thành áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều nhà máy, doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, nhiều người lao động không có thu nhập. Sự căng thẳng không chỉ xuất hiện trong các bệnh viện mà còn hiện hữu trên các tuyến đường, trên gương mặt của những người chủ doanh nghiệp và cả những người nông dân,...

Sự đổi thay về quan điểm từ người đứng đầu Chính phủ đã được nối tiếp bằng loạt thay đổi và hành động của các bộ ban ngành. Sự ra đời của những tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các bộ với mục tiêu tiếp nhận và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu có những hiệu quả nhất định.

Bộ Công Thương bắt tay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thống nhất các quy định về lưu thông hàng hoá trên cả nước. Quan điểm về hàng hoá thiết yếu được thay đổi bằng những chỉ đạo quyết liệt hơn tới các địa phương mà không chỉ còn là những phát biểu, những đề xuất trong các cuộc họp. 

Chúng ta đã không còn gặp lại những câu chuyện oái oăm như "bánh mì không phải thực phẩm" hay "băng vệ sinh không phải hàng hoá thiết yếu". 

Những thay đổi mang lại kỳ vọng đổi thay, nối lại chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

Đó là quan điểm mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị tất cả các địa phương phải quán triệt, thống nhất.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương rà soát lại các văn bản đã ban hành, dừng áp dụng ngay những văn bản làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, "giấy phép con" để tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông hàng hóa.

Những thay đổi mang lại kỳ vọng đổi thay, nối lại chuỗi cung ứng - Ảnh 3.

"Tất cả hàng hóa (trừ hàng cấm) đều được phép lưu thông", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tiếp tục khẳng định trong họp báo chính phủ tháng 8.

Thứ trưởng cho biết đối với phương tiện đã được Bộ GTVT cấp mã QR thì thống nhất các chốt không kiểm tra, không test nhanh. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng, chúng tôi đã truyền đạt tất cả điều này tới các địa phương.

Trên thực tế, sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT, một số nơi đã được yêu cầu bãi bỏ những quy định mang tính chất "địa phương" trong việc kiểm soát các lái xe và phương tiện. 

Điển hình trong sáng 10/9, hàng trăm xe tải vận chuyển hàng hóa đã có mã QR buộc phải quay đầu do quy định được ban hành vào đêm muộn ngày hôm trước của TP Vũng Tàu. Đáng nói là quy định này hoàn toàn đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ GTVT.

Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT đã tiếp nhận thông tin, làm việc với Sở GTVT Vũng Tàu để bãi bỏ văn bản, tình trạng quay đầu xe được xử lý sau 1 giờ đồng hồ, giao thông ra vào cửa ngõ thành phố đã được thông suốt. 

Bắt đầu từ những thay đổi - Ảnh 2.

Chốt kiểm soát dịch bệnh cửa ngõ TP Vũng Tàu. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Không chỉ Vũng Tàu, các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ,… cũng đã từng được Thủ tướng nhắc nhở khi ban hành các quy định phòng, chống dịch chưa hợp lý, không cân nhắc kỹ lưỡng khiến dư luận bức xúc.

Những thay đổi mang lại kỳ vọng đổi thay, nối lại chuỗi cung ứng - Ảnh 5.

Điểm nhấn về sự thay đổi quan điểm của các nhà lãnh đạo đó là từ quyết tâm sạch bóng COVID (zero-Covid) chuyển sang "sống chung với virus", chuyển từ đại dịch sang một bệnh dịch thông thường theo tiêu chuẩn của WHO giống như cúm mùa. Dịch luôn tồn tại và phải có giải pháp thích nghi để sống khoẻ và sống an toàn.

Sau thời gian dài giãn cách, nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Lạt, Khánh Hòa,...hay cả TP HCM, Bình Dương, hai nơi có số ca nhiễm cao nhất cả nước, đã bắt đầu dần nới lỏng các quy định, cho phép nhiều loại hình kinh doanh hoạt động trở lại.

(Done) Bài 10: Ánh sáng cuối đường hầm từ những quan điểm mới - Ảnh 6.

"Đến lúc TP phải tính đến mức độ giãn cách đảm bảo độ an toàn. TP không thể không mở cửa lúc này", Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định như vậy sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế, y tế sáng 17/9.

Ông tán đồng quan điểm đã đến lúc phải từng bước mở cửa dần, đảm bảo an toàn, quản lý rủi ro, không chủ quan. 

Từ 16/9, các quán ăn (bán mang về) và nhiều loại hình kinh doanh khác như cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập tại TP HCM đã được mở trở lại. Ngoài shipper công nghệ, nhân viên quán ăn đều được tham gia giao hàng.

Tại một tâm điểm khác của dịch, Bình Dương đang tiến tới "bình thường mới" với nhiều vùng đỏ được phủ xanh. Tại các vùng xanh, hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhu yếu phẩm đã dần mở trở lại trong điều kiện phải đảm bảo an toàn. Người dân đi làm và ra đường buộc phải tiêm ít nhất một mũi vắc xin sau 14 ngày. 

Ngày 21/9 vừa qua cũng là một dấu mốc đáng nhớ của người Hà Nội khi từ 6h sáng, các quán ăn, trung tâm thương mại, cửa hàng cắt tóc, gội đầu cùng nhiều loại hình khác được mở cửa trở lại. Đáng chú ý, người dân khi ra đường sẽ không còn phải lo lắng về đặc sản "giấy đi đường" như trong gần hai tháng qua.

Lãnh đạo thành phố xác định chủ động chung sống hòa bình một cách an toàn với việc có F0 trong cộng đồng. Toàn thành phố thực hiện chống dịch theo Chỉ thị 15, không còn phân vùng cứng nhắc xanh - đỏ - vàng mà thực hiện phong toả quy mô hẹp tại nơi có ca nhiễm.

Những thay đổi mang lại kỳ vọng đổi thay, nối lại chuỗi cung ứng - Ảnh 6.

Các phương án về "thẻ xanh vắc xin" cũng đang được Bộ Y tế cân nhắc khi tỷ lệ người tiêm vắc xin đang tăng lên từng ngày. Những đề xuất từ nhiều địa phương cho thấy cần phải tạo điều kiện để những người đã tiêm vắc xin được tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế vốn đang ảnh hưởng nặng nề do giãn cách. 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ xây dựng hướng dẫn thí điểm ở một số tỉnh thành phía Nam.

Theo Tờ trình Sở Y tế gửi UBND TP HCM, hai điều kiện để một người được cấp "thẻ xanh vắc xin" là: (1) người đã được tiêm chủng đầy đủ đúng số mũi khuyến nghị và có thời gian tạo kháng thể cần thiết tính từ khi tiêm mũi cuối cùng theo quy định của hãng vắc xin; (2) người nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 6 tháng.

Thẻ vàng vắc xin sẽ được cấp cho người đã tiêm một mũi vắc xin (cho loại tiêm từ 2 mũi) và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. 

Quy định về thẻ xanh vắc xin đã được UBND TP đưa vào Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn.

Theo đó, người có thẻ xanh sẽ được đi làm và tham gia các hoạt động nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện, phòng khám, được đi học, đi công tác nội địa tùy theo mức độ kiểm soát dịch của thành phố. 

Theo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, áp dụng "thẻ xanh vắc xin" là bước chuyển giao để có thể tiến tới giai đoạn gỡ bỏ toàn bộ các hạn chế khi đạt ngưỡng tiêm chủng nhất định, giúp khôi phục các hoạt động kinh tế.

Những thay đổi mang lại kỳ vọng đổi thay, nối lại chuỗi cung ứng - Ảnh 7.

Những nỗ lực giúp duy trì lưu thông hàng hoá, mở lại một số dịch vụ là chưa đủ để giúp cho một chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, khi vẫn còn những doanh nghiệp trong chuỗi còn dừng hoạt động hay sản lượng không đáp ứng được nhu cầu, việc gián đoạn vẫn xảy ra. 

Điều mà các doanh nghiệp cần lúc này là một lộ trình mở cửa rõ ràng để tránh tình trạng hôm nay thế này ngày mai ra sao?

(Done) Bài 10: Ánh sáng cuối đường hầm từ những quan điểm mới - Ảnh 9.

Tại TP HCM, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch vừa qua, các nhà lãnh đạo cũng đã nhận ra được sự nguy hiểm của việc đóng băng các hoạt động. Doanh nghiệp không thể không sản xuất, người dân không thể ở mãi trong nhà, họ cần sống, cần làm việc và việc cần làm nhất hiện tại là cho họ được quay trở lại làm việc.

Ngày 10/9, TP HCM đã công bố một bản dự thảo về ba giai đoạn mở cửa trở lại sau 15/9. Các phương án mở cửa dần trở lại nền kinh tế được TP HCM xây dựng dựa trên 5 quan điểm, nguyên tắc: mở cửa phải bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân; phòng chống dịch hài hoà với các hoạt động kinh tế "An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn"; cần có giải pháp thích nghi để sống khoẻ và sống an toàn; giãn cách xã hội phù hợp với tình hình kiểm soát dịch tại từng địa bàn; đảm bảo an sinh xã hội.

Với tiền đề tỷ lệ tiêm phủ vắc xin mũi 1 đạt khoảng 91% tổng số dân trên 18 tuổi,  tỷ lệ tử vong giảm mạnh trong những ngày gần đây, khả năng mở cửa thành phố trở lại đang tạo nhiều hy vọng cho người dân và các doanh nghiệp.

Chia sẻ trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh "Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng là không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia, hạn chế tối đa việc giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong các thị trường truyền thống".

Đồng thời, ông cho biết Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,… nghiên cứu các biện pháp cụ thể để làm sao năm 2022 - 2023 đạt phục hồi kinh tế, cuối năm 2023 hồi phục được như thời kỳ cuối năm 2019.

Những mục tiêu dường như đã khá rõ ràng nhưng để thực hiện được điều đó sẽ cần một chương trình phục hồi kinh tế thực sự chi tiết áp dụng xuyên suốt từ trung ương đến các địa phương, một lộ trình cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp tránh tình trạng bật tắt liên tục khiến hoạt động của các doanh nghiệp khó có khả năng duy trì.

Kỳ vọng rằng với những tín hiệu mới, những quan điểm mới, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, của các doanh nghiệp trên khắp cả nước sẽ sớm được khôi phục, tránh những hệ luỵ khiến Việt Nam tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua sản xuất toàn cầu.

Lộ trình mở cửa theo ba giai đoạn của TP HCM sau 15/9:

Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 - 31/10): cá nhân, lao động có Thẻ xanh COVID có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).

Cá nhân, lao động có Thẻ vàng COVID, có xét nghiệm âm tính với COVD-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.

Riêng tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).

Tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có Thẻ xanh COVID hoặc Thẻ vàng COVID tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.

Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10 đến 15/1/2022): TP sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có Thẻ xanh COVID gồm trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).

Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022): TP lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có Thẻ xanh COVID.

Ngoài các lộ trình dự kiến, TP cũng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Diệp Bình