Bài 6: Tiếng nói của đại bàng FDI và đề bài chính sách kinh tế thời COVID
"Các nhà đầu tư nước ngoài rất ích kỉ, họ muốn mở rộng thì không cần hứa hẹn, họ chỉ cần thấy hành động thực tế, tức khắc vốn FDI sẽ tự chảy vào Việt Nam", ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã nói trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi hồi giữa tháng 9.
Như thường lệ, các DN FDI là nhóm rất tích cực và có nhiều cơ hội nêu lên các vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Các cuộc họp giữa đại diện "đại bàng" FDI với nhà lãnh đạo Việt Nam từ địa phương đến trung ương đã diễn ra với tần suất dày đặc kể từ đầu đợt cao điểm giãn cách vì làn sóng thứ tư của dịch COVID-19.
Cuộc họp ngày 4/9 vừa qua giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện các bộ ngành kinh tế Việt Nam với Đại biện Đại sứ quán Mỹ và một số DN, nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam đã kéo dài gấp đôi thời gian dự kiến. Theo tường thuật của Báo Điện tử Chính phủ và chia sẻ của một người tham dự, các DN Mỹ đã nêu trực diện các bất cập và đề xuất rất "thời sự": duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, tổ chức sản xuất, cấp phép làm việc và di chuyển nội địa cho các chuyên gia, tiếp cận nguồn vaccine.
Cuộc họp đó dường như tạo thêm một động lực để các nhà hoạch định chính sách chuyển dịch mục tiêu từ ngăn chặn dịch bệnh sang tìm cách sống chung với dịch và chữa trị những vết thương kinh tế.
Nửa tháng sau đó, chủ tịch các Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp FDI của Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc tại Việt Nam (AmCham, EuroCham, Kocham) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) lại ký một kiến nghị chung gửi chính phủ, với những nhận xét rất thẳng thắn: "Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế". "Chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam", đại diện các nguồn vốn FDI lớn tại Việt Nam có chung quan điểm.
Hàng loạt các số liệu khảo sát, báo cáo độc lập của AmCham, EuroCham đều cho thấy những thực trạng, vấn đề giống nhau mà các DN của họ gặp phải.
Kết quả khảo sát nhanh của AmCham hồi cuối tháng 8 cho thấy, 80% DN Mỹ tại VN quan ngại về tình trạng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng, 72% gặp vấn đề với chính sách hạn chế giao thông - vận tải.
Kết quả khảo sát qua email của EuroCham gửi tới 1.868 lãnh đạo của hơn 1.000 DN châu Âu tại VN cũng phản ánh cái nhìn bi quan, với 76% nhận định triển vọng kinh doanh xấu, so với 7% có nhận định tích cực. Các rắc rối về logistics, giao thông - vận tải và điều kiện thị trường vẫn là nguyên nhân đầu bảng với 70% và 51% câu trả lời, vượt xa các quan ngại lâu nay về thủ tục hành chính và hải quan.
Đáng chú ý, 44% các DN châu Âu lo ngại với các chính sách thiếu đồng bộ giữa các tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách.
Như một kết quả, Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham (BCI) đã tụt sâu từ mốc 73,9 điểm hồi đầu năm xuống còn 15,2 điểm trong quý 3. Đây là mức thấp chưa từng có trong 10 năm qua, thấp hơn cả đợt giãn cách xã hội năm ngoái (26,7 điểm) và cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng năm 2012 (45 điểm).
Nghiên cứu về hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019 của Bộ KH – ĐT cho thấy rằng, khu vực FDI đang đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 đã tăng lên 19,6% GDP năm 2019, với khoảng 6,1 triệu lao động. Tuy nhiên, các thống kê này chưa bao gồm các tác động gián tiếp, như các DN cung ứng nội địa, động lực phát triển bất động sản công nghiệp,...
Tại Bắc Giang, nơi đặt nhà máy của Tập đoàn Công nghệ Foxconn - nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới đã chứng kiến đà tăng giá bất động sản tăng từng ngày trước khi bị chặn lại đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát.
Theo thông tin từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đất đai xung quanh các khu vực 4 khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu vẫn được săn lùng ráo riết, mặt bằng giá cuối quý I/2021 đã tiếp tục tăng khoảng 50 - 70% so với cuối năm 2020.
Vài năm trước, các khu vực này giá chỉ một vài triệu đồng/m2 và cũng chẳng mấy người quan tâm thì nay đã lên đến mức giá khoảng 25 - 40 triệu đồng/m2. Một lô đất diện tích 72 m2 được quảng cáo là nơi có số lượng công nhân của các công ty lớn hàng đầu như Foxconn, Solar, Hồng Hải, cách khu công nghiệp Quang Châu - nơi có nhà máy của "đại bàng" Foxconn đang được xây dựng khoảng 1 km đang được rao bán với giá gần 2 tỷ đồng (khoảng 27 triệu đồng/m2).
Theo JLL, sự có mặt của các doanh nghiệp lớn sẽ kéo theo hàng loạt nhà máy công nghiệp hỗ trợ đi theo. Đây đã là xu thế đã nhìn thấy tại Bắc Ninh và tiếp đến là Bắc Giang, Thái Nguyên đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến mở nhà máy và các dự án nhà ở được hưởng lợi.
Không cần nhìn đâu xa, bên kia con sông Cầu là Bắc Ninh – một tỉnh đi trước Bắc Giang khoảng vài năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giá đất đã tăng mạnh khi nền kinh tế đã dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa với tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2019 đứng thứ 2 toàn quốc, xếp trên cả Hà Nội.
Hiện Bắc Giang đã giữ vị trí thứ 6 về thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm nay từ vị trí thứ 12 năm 2018. Năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, Bắc Giang đã vươn trở thành vùng kinh tế tăng trưởng đứng đầu cả nước với mức tăng trưởng 13,1%, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng đến 18,62%.
FDI dường như đang chi phối hoạt động kinh tế tại đây. Với việc nhiều người lao động địa phương có việc làm để tạo nhu cầu tiêu dùng lan tỏa tạo ra nhiều việc làm khác, kéo theo sự phát triển ở nhiều lĩnh vực từ giáo dục, xây dựng, chăm sóc sức khoẻ, nông nghiệp,… giúp địa phương này có một nền tảng kinh tế vững chắc qua đó làm tăng giá bất động sản.
Đơn cử như trường hợp của Foxconn, số liệu từ thông tấn CNA của Đài Loan cho biết, tính đến cuối năm 2020, Foxconn đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, tạo ra việc làm cho 53.000 lao động.
Câu chuyện tăng trưởng kinh tế và giá đất tăng mạnh Bắc Giang chỉ là một trong những ví dụ cho sức ảnh ngày càng lớn của khối FDI đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam trong những năm qua, dù vẫn còn một số tồn tại như việc thiếu sàng lọc dẫn đến ô nhiễm môi trường, chuyển giá làm thất thoát nguồn thu,…
Các nguyên cứu đều chỉ ra rằng, FDI không chỉ bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tạo việc làm mà còn góp phần làm hoàn thiện các chuỗi cung ứng, làm tăng khả năng sản xuất của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Lịch sử đã chứng minh việc lệ thuộc vào FDI khiến nền kinh tế Việt Nam dễ rơi vào giai đoạn chật vật khi dòng vốn này chững lại. Sau khi tăng mạnh từ sau gia nhập WTO năm 2007 và đạt mức kỷ lục lên đến là 71,7 tỷ USD năm 2008, gấp 6 lần so với năm 2006, vốn FDI vào Việt Nam đã bị sụt giảm đáng kể vào những năm sau đó.
Từ năm 2000 - 2014, FDI tăng không đáng kể một phần do sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và trên hết là bản thân nền kinh tế Việt Nam gặp những trục trặc với lạm phát tăng phi mã, lãi suất cao chót vót và cục máu đông nợ xấu ngân hàng còn dai dẵng cho đến mãi sau này vẫn còn để lại di chứng.
Cho đến những năm gần đây, sau khi một loạt các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì chính sách ổn định tinh tế vĩ mô, kết quả thu hút vốn FDI đã tăng trở lại, trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chỉ đóng góp khoảng 19,6% vào tổng GDP của toàn nền kinh tế, nhưng khu vực FDI đã đóng góp lớn và gia tăng độ mở của nền kinh tế do tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng.
Theo đánh giá của Tổng Cục Hải Quan, xuất khẩu tăng mạnh không chỉ góp phần vào mức tăng trưởng GDP mà còn tác động tích cực lan toả lên mọi chỉ số khác như việc đóng góp nguồn ngoại tệ lớn, giúp dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng lên mức cao nhất sau nhiều năm. Ngoài ra, tỷ giá USD/VNĐ giữ ổn định so với các đồng tiền khác, giúp ổn định kinh tế vĩ mô qua đó cũng cố thêm niềm tin đối với các nhà đầu tư.
Hiện pháp luật Việt Nam không cho phép sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Nhà đầu tư khi chuyển tiền vào Việt Nam kinh doanh thì phải đổi sang tiền đồng để giải ngân. Tiền thu từ hoạt động xuất khẩu khi chuyển về Việt Nam cũng phải đổi sang tiền đồng để sử dụng. Do vậy, dòng vốn FDI vào hằng năm chính là nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng trong tích lũy dự trữ ngoại hối.
Do vậy, dù không hẳn thặng dư thương mại từ khu vực FDI hoàn toàn giúp Việt Nam gia tăng ngoại tệ, bởi dòng tiền xuất khẩu một số doanh nghiệp FDI có thể nằm đâu đó bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, thì cơ bản phần còn lại vẫn đang tạo ra những hiệu ứng tích cực khi nhìn vào tương quan giữa FDI và GDP, cán cân thương mại và dự trữ ngoại hối trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở các bài viết trước, đại dịch COVID-19, nhất là các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đang khiến chuỗi cung ứng đứt gãy nghiêm trọng.
Ngoài quy định giãn cách xã hội ở Việt Nam, doanh nghiệp quốc tế còn gặp phải một loạt trở ngại khác trong chuỗi cung ứng như thiếu container vận chuyển hàng hóa, thiếu tài xế xe tải và ùn ứ ở các cảng biển. Một số công ty đã chuyển dây chuyền khỏi Trung Quốc và đến Việt Nam trong vài năm qua đang cân nhắc việc quay trở lại đất nước tỷ dân, hãng CNBC đưa tin.
Các cuộc khảo sát, như đã kể trên, của EuroCham cho thấy: 18% DN châu Âu đã chuyển đa phần hoặc một phần hoạt động sản xuất sang nước khác, 16% "đang cân nhắc" việc đó. Các câu trả lời tương ứng của DN Mỹ đối với điều tra của AmCham cũng không khác nhiều, với lần lượt 20% và 16%.
Trong một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư hồi tuần trước, ông Roger Rawlins, CEO của hãng trang phục thể thao Designer Brands, cho biết ông đã trò chuyện cùng một CEO khác trong ngành. Người này cho biết, do dịch bệnh ở Việt Nam mà 6 năm xây dựng chuỗi cung ứng bỗng bị xóa sạch trong 6 ngày.
Ông Rawlins nhấn mạnh: "Họ nỗ lực rời khỏi Trung Quốc và bây giờ một trong những nơi duy nhất mà họ có thể tìm thấy hàng hóa lại là Trung Quốc. Thật điên rồ!".
Tương tự, như trường hợp của Foxconn, dù đã lên kế hoạch đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, nhằm hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhưng giờ thì họ cũng đã phải quay trở lại Trung Quốc.
Mới đây, mhà máy Foxconn ở Trịnh Châu (Trung Quốc) - đơn vị sản xuất iPhone cho hãng Apple đã tuyển thêm hơn 10.000 nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất iPhone 13 cho Apple khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam và Ấn Độ.
Xu hướng dòng vốn FDI rời khỏi Việt Nam chưa phải là chủ đạo. Tuy nhiên, hầu hết các khảo sát của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều cho thấy xu thế thận trọng đang gia tăng, gắn với quan ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, tổ chức sản xuất. Trước mắt, việc doanh nghiệp FDI có thể trì hoãn hoặc dừng giải ngân vốn đăng ký là hiện hữu.
Trong khi đó, công cuộc chuẩn bị "dọn tổ đón đại bàng" tại Việt Nam đã diễn ra trong vòng hai năm qua với niềm tin rằng thì xu hướng chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ "diễn ra nhanh hơn, quy mô lớn hơn, toàn diện hơn" khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra quyết liệt và Việt Nam thành công trong việc khống chế dịch COVID-19.
Để đón đầu cơ hội từ dòng vốn FDI, một loạt doanh nghiệp bất động sản trong nước đã không ngần ngại vay mượn những khoản vốn lớn để mở rộng đầu tư, đặc biệt là huy động qua kênh phát hành trái phiếu – kênh huy động vốn đang có dấu hiệu tăng nóng trong vài năm trở lại đây mà theo đánh giá của chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu là "nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu dần hiện rõ".
Nhóm nghiên cứu HSBC Việt Nam mới đây cũng dự báo, bước sang năm 2022, kịch bản thặng dự thương mại âm, tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào chậm lại sẽ khiến đồng VNĐ chịu áp lực tăng giá khi đồng USD mạnh hơn trên thị trường quốc tế.
Nguy cơ dịch chuyển dòng vốn FDI và những khoảng trống để lại là điều mà các nhà hoạch định phải cân đo đong đếm để đưa ra các chính sách chống dịch phù hợp trong thời gian tới. Trong đó, bài toán căn bản phải giải vẫn là chính sách xuyên suốt và đồng bộ từ trung ương đến địa phương để tạo điều kiện cho DN tổ chức sản xuất, phục hồi chuỗi cung ứng và vận tải.