Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa đã chuẩn bị những gì để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
Bắc Ninh: Đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 7.000km đường giao thông các loại bao gồm: 4 tuyến QL dài gần 200km, 14 tuyến đường tỉnh (khoảng 262km) và hơn 6.500 km các tuyến đường nội thị, đường huyện, đường nông thôn…
Giai đoạn 2016-2020, Bắc Ninh ưu tiên tập trung nguồn lực lớn cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong 5 năm, Ban QLDA Xây dựng Giao thông Bắc Ninh đầu tư xây dựng khoảng 180km đường giao thông, giá trị thực hiện đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, giải ngân nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng.
Nhiều tuyến đường, dự án quan trọng kết nối các khu công nghiệp và kết nối các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh bạn như cầu Bình Than bắc qua sông Đuống, nối liền 2 huyện Quế Võ và Gia Bình với tổng mức đầu tư 1.635 tỷ đồng
Đáng chú ý, đầu năm 2016, Bắc Ninh quyết định đầu tư gần 250 tỷ đồng xây dựng nút giao nối Quốc lộ 18 với KCN Yên Phong I. Sau hơn 15 tháng xây dựng, nút giao thông nối KCN Yên Phong với QL18 đã hoàn thành đúng hạn, phục vụ tốt yêu cầu đầu tư và mở rộng sản xuất của Dự án Samsung Display cũng như các nhà máy vệ tinh.
Bên cạnh đó, có nhiều công trình giao thông được khởi công và xây dựng đúng tiến độ như đường gom QL18, cầu vượt dân sinh qua QL18, Đường tỉnh 287 nối QL18 với cầu Quế Tân.
Giai đoạn 2020-2030, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hàng loạt dự án hạ tầng giao thông. Một số dự án trọng điểm như Dự án TL287 gồm 4 đoạn qua địa bàn thị xã Từ Sơn, các huyện Yên Phong, Tiên Du nối QL18 đến đường dẫn phía Bắc cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành; Dự án mở rộng, nâng cấp QL38 cũ từ nút giao IGS đến xã Tân Chi, huyện Tiên Du; Dự án đường giao thông từ nút giao TL277 đến khu lưu Niệm Nguyễn Văn Cừ; Dự án ĐT.279 đoạn Song Giang - Quỳnh Phú, huyện Gia Bình; Dự án ĐT.285B nối các huyện Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành.
Trong đó, dự án Cầu Chì kết nối hai huyện Quế Võ - Gia Bình là dự án quan trọng với vốn đầu tư dự kiến 1.892 tỷ đồng, được kỳ vọng đẩy nhanh quá trình đô thị hóa để Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý có mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo 5 tiêu chuẩn của Nghị quyết quy định tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được 2 tiêu chuẩn và dự kiến sẽ đáp ứng 3 tiêu chuẩn còn lại.
Về tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, các tiêu chí về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh đều đạt và cao hơn so với tiêu chuẩn quy định.
Về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên từ 1.500km2 trở lên, diện tích tự nhiên của tỉnh Bắc Ninh là 822,7km2. Tuy nhiên tại Điểm c, Khoản 2, Điều 31 Nghị quyết số 1211 quy định: Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở 1 đơn vị hành chính cùng cấp mà không làm tăng đơn vị hành chính thì không áp dụng quy định về tiêu chuẩn diện tích phải đạt 1.500km2 trở lên. Vì vậy tỉnh Bắc Ninh đáp ứng tiêu chuẩn này.
Còn 3 tiêu chuẩn tỉnh Bắc Ninh hiện đang phấn đấu đạt gồm: Quy mô dân số từ 1,5 triệu người trở lên; Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên và tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt 60% trở lên; Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
Bắc Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 130-136 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt hơn 38.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 37,7 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.
Thừa Thiên - Huế: Tập trung nguồn lực, xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương
Năm 2018, Thừa Thiên - Huế quyết định dành 2.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, giao thông trọng điểm như các dự án trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Nhiều tuyến đường như QL49B, nối từ TP Huế lên phía tây miền núi A Lưới; La Sơn-Nam Đông cũng như nhiều trục ngang dọc, như Phú Mỹ - Thuận An, Chợ Mai - Tân Mỹ, Phong Điền - Điền Lộc... được triển khai kết nối vùng trung tâm TP Huế đến vùng biển Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền...và đến các cảng biển, nhà ga, sân bay, khu công nghiệp, làng nghề.
Về các công trình hạ tầng kỹ thuật, Huế đã hoàn thành Tuyến đường số 7 Cụm công nghiệp Tứ Hạ; tiếp tục đầu tư Đường quy hoạch nội bộ cụm công nghiệp Tứ Hạ (tuyến số 3), Đường gom số 3-4 tại Cụm công nghiệp Thủy Phương, thị xã Hương thủy; khởi công mới Đường trục chính trong khu công nghiệp Phong Điền vào khu chức năng chế biến cát.
Về phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ 2015-2020, Thừa Thiên - Huế đã có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 6,5%/năm và là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế vào đầu tháng 7/2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Thừa Thiên Huế đang triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị theo cơ chế đặc thù với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.
Tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bổ sung, sớm hoàn thiện bộ tiêu chí về đô thị di sản văn hóa mang có tính chất đặc trung của Huế, từ đó kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc thù để báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét trong thời gian sớm nhất.
Khánh Hòa: Tập trung liên kết phát triển toàn vùng
Thực hiện mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó Nha Trang là đô thị hạt nhân, Khánh Hòa tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư các dự án nhằm tạo động lực liên kết phát triển toàn vùng.
Giai đoạn 2015-2020, Khánh Hòa thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm như dự án mở rộng quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả tổng vốn đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng, dự án đường giao thông Quốc lộ 1 đi Đầm Môn 832 tỷ đồng, dự án đường Phong Châu vốn đầu tư 753 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tháng 9/2020, Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa khởi công dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang có tổng vốn đầu tư gần 760 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và vốn đối ứng của tỉnh. Đây là dự án đa mục tiêu cho sự phát triển của TP Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Trong giai đoạn 2021-2025, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng Tỉnh lộ 2, đoạn từ cầu Hà Dừa đến cầu Đôi (huyện Diên Khánh) có tổng mức đầu tư hơn 355 tỷ đồng.
Trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm đạt mục tiêu phát triển Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, tỉnh đã từng bước huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng.
Đến nay, hệ thống đô thị toàn tỉnh phát triển khá đồng bộ, tỷ lệ đô thị hóa đạt 60%. Tất cả các đô thị đã có quy hoạch chung được phê duyệt và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đang dần được phủ kín, trong đó, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu của thành phố Nha Trang trên 97%, thành phố Cam Ranh và các đô thị khác trên 50%; quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành 100%.
Về phát triển kinh tế xã hội, đến năm 2025, Khánh Hòa đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,5% trở lên, GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.685 USD.