|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bài 8: Doanh nghiệp phải được hoạt động là 'chỉ thị' khẩn cấp của nền kinh tế

14:24 | 23/09/2021
Chia sẻ
Khối FDI và các DN lớn có diễn đàn để chỉ ra các bất cập, còn các DN vừa và nhỏ đang gặm nhấm sự tổn thương chưa từng có trong im lặng. Nối lại chuỗi cung ứng, điều chỉnh chính sách theo hướng trao quyền và trách nhiệm cho DN là 'chỉ thị' khẩn thiết của nền kinh tế đặt ra cho Chính phủ.
(DOne) Bài 8: Doanh nghiệp phải được hoạt động là 'chỉ thị' khẩn cấp của nền kinh tế - Ảnh 1.

"Mỗi ngày San Hà đang lỗ khoảng 1 tỷ đồng. Con số này nói ra thật đau khổ, không biết doanh nghiệp có thể chịu đựng đến bao giờ", bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Công ty TNHH San Hà, công ty chuyên cung ứng thịt gà công nghiệp cho các bếp ăn, nhà hàng, cửa hàng đồ ăn nhanh ở phía Nam - nói trong bài viết gửi riêng cho chúng tôi.

Nguyên nhân của "tận cùng nỗi đau" 30 năm có một này là do hầu hết các khách hàng tiêu thụ gà của San Hà đã đóng cửa hoặc giảm mạnh hiệu suất kinh doanh sau quy định về giãn cách xã hội, đặc biệt tại TP HCM. Giá gà bán ra chỉ còn 8.000 đồng mỗi kg, dù giá thu mua vào theo hợp đồng cao gấp 3 lần.

Các trại gà không thể giảm giá cung cấp cho San Hà, vì giá thức ăn và chi phí vận chuyển tăng vọt do việc đi lại bị đình đốn. Cứ như vậy, nhà cung cấp dừng tái đàn, San Hà cũng mất luôn cả đầu vào lẫn đầu ra.

Mỗi doanh nghiệp trong từng ngành có một câu chuyện khác nhau, nhưng sự tổn hại là mẫu số chung của mọi câu chuyện.

Cuộc khảo sát hồi giữa tháng 8 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo VnExpress với sự tham gia của hơn 21.500 doanh nghiệp và hội kinh doanh cho thấy, 69% doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động do dịch, 15% đã giải thể hoặc chờ thủ tục giải thể.

Bài 7: Doanh nghiệp phải được hoạt động là 'chỉ thị' khẩn cấp của nền kinh tế - Ảnh 2.

Số liệu khảo sát cho thấy, DN càng nhỏ thì tỷ lệ giải thể/chờ giải thể và tạm ngừng hoạt động càng cao. Nguồn: Tình hình doanh nghiệp & người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Ban IV và Báo VnExpress.

Đáng chú ý, Hà Nội là nơi diễn biến dịch chưa quá phức tạp, nhưng có hơn 80% DN đang tạm dừng hoặc giải thể/chờ giải thể.

Nếu kết quả khảo sát phản ánh tương đối chính xác thực tế, nó đã chỉ ra một sự thật nghiêm trọng: lượng doanh nghiệp đang hoạt động, dù dưới công suất, là quá thấp (16%).

Các ngành tưởng như là thiết yếu nhất như tài chính, vận tải - kho bãi, y tế và hỗ trợ xã hội có tỷ lệ đang hoạt động cao nhất, nhưng cũng chỉ từ 28 - 42%.

Hơn nữa, ví dụ về Hà Nội dường như cho thấy khả năng hoạt động của DN không tỷ lệ nghịch với mức độ dịch bệnh, mà tỷ lệ nghịch với các chính sách ngăn chặn giao thông, giãn cách, phong tỏa và yêu cầu dừng kinh doanh.

Bài 7: Doanh nghiệp phải được hoạt động là 'chỉ thị' khẩn cấp của nền kinh tế - Ảnh 3.

Trung bình có 69% DN đang tạm ngừng hoạt động do dịch. Nguồn: Tình hình doanh nghiệp & người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Ban IV và Báo VnExpress.

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 85.508 doanh nghiệp đã "rút lui khỏi thị trường", tăng 24,2% so cùng kỳ năm ngoái. Một nửa trong số đó tạm dừng kinh doanh, nửa còn lại đã và đang làm thủ tục giải thể. Con số này chưa bao gồm các loại hình kinh doanh tự phát và các hoạt động kinh tế ngầm - kinh tế chưa được thống kê, vốn không nhỏ tại Việt Nam.

Nạn giải thể, phá sản và tạm dừng hoạt động không chỉ phổ biến với các DN nhỏ trong nước, mà cả các DN FDI. "Có những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc (tại Việt Nam - NV) hiện không đủ khả năng hoạt động nếu đại dịch tiếp tục kéo dài và họ vẫn đang chờ đợi chỉ thị mới của chính phủ", ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói, bên cạnh việc nhắc đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất lớn.

Cần lưu ý rằng, các DN lớn khi đầu tư vào VN đều có xu hướng kéo theo các DN cung ứng nhỏ hơn, để tạo ra hệ sinh thái chủ động. Mỗi DN trong hệ sinh thái là một thực thể độc lập, nhưng vì tính chất của hệ sinh thái, một DN trục trặc sẽ tạo điểm nghẽn cho cả hệ sinh thái.

"Một nhà sản xuất lớn phải có công ty phụ trợ cấp 1, cấp 2 cấp 3 nhưng chỉ cần một nhà máy ở địa phương khác không được giao hàng thì chuỗi giá trị đó sẽ bị đứt gãy. Đây là tình huống xảy ra thường xuyên với doanh nghiệp Hàn Quốc ở khu vực phía Nam", ông Hong Sun cho biết.

(DOne) Bài 8: Doanh nghiệp phải được hoạt động là 'chỉ thị' khẩn cấp của nền kinh tế - Ảnh 6.

Vẫn theo khảo sát của VnExpress và Ban IV, trong số các DN phải tạm dừng hoạt động, có gần một nửa không ước lượng được thời gian trở lại hoạt động. Điều này phản ánh sự bị động của DN, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ, giữa bối cảnh các chính sách giãn cách và thực trạng đứt gãy chuỗi cung ứng chưa rõ lộ trình ổn định.

Đầu tháng 9 này, lãnh đạo một số DN ở TP HCM đã soạn một bản kiến nghị chung, đăng lên website để kêu gọi 5.000 chữ ký từ cộng đồng DN vừa và nhỏ nhằm gửi tới Chính phủ, đề xuất các giải pháp giúp DN sinh tồn và hoạt động trở lại. DN vừa và nhỏ chiếm tới hơn 97% tổng số DN tại Việt Nam.

Đằng sau việc đình đốn hoạt động của DN là nguy cơ mất việc làm, mất hoặc giảm thu nhập của người lao động.

Báo cáo tháng 7 của Tổng cục thống kê cho thấy, gần 13 triệu lao động đã mất việc, giãn việc, giảm thu nhập hoặc giảm giờ làm vì làn sóng thứ tư của COVID-19. Thực trạng này góp thêm phần bi quan vào thống kê thất nghiệp nửa đầu năm, khi 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp.

Có kỳ vọng cho rằng sức bật của DN và sức mua của nền kinh tế đang bị nén lại như chiếc lò xo, và sẽ bật ra khi xã hội tái mở cửa. Nhưng ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế Giới Di Động nghĩ khác: "Ở đây không có chiếc lò xo nào đang bị ép cả, chỉ có thu nhập bị giảm, sức mua giảm và có thể kéo dài đến năm 2023-2024 tùy thuộc sự phục hồi của sản xuất".

Không chỉ nguy cơ thất nghiệp, có một nghịch lý có thể xảy ra nếu DN không thể trở lại hoạt động sớm, đó là thiếu hụt lực lượng lao động. Theo tổng điều tra dân số mới nhất năm 2019, hơn 63 triệu người Việt Nam đang sống ở nông thôn. Đây cũng là nơi xuất thân của phần đông lao động thành thị.

"Sau khi công nhân trở về địa phương, người ta có muốn quay trở lại thành phố khi còn nhiều mối lo như dịch COVID-19 có thể bùng phát, nguy cơ lây nhiễm cao và an sinh xã hội chưa được chăm lo?. Đây là vấn đề sẽ khiến các DN đau đầu", chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định.

Nguy cơ dây chuyền từ đình đốn sản xuất sẽ dẫn đến thất nghiệp, áp lực đảm bảo an sinh xã hội, và sụt giảm sức mua của nền kinh tế, dịch chuyển dân cư. Các vấn đề này có quan hệ tương quan tất yếu, chỉ là không đồng pha nên chưa bộc lộ hết trong thời gian ngắn. Hậu quả cuối cùng chính là suy thoái kinh tế.

"Ưu tiên và nguyện vọng lớn nhất của DN lúc này là được hoạt động chứ không chỉ là các đề xuất liên quan đến chính sách hỗ trợ tài chính từ nhà nước", bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV được báo Nhân dân trích dẫn.

"Chúng ta cần lên kịch bản sống chung với dịch thay vì đóng cửa, giãn cách như hiện nay. Ngoài ra, phải có kế hoạch, kịch bản chi tiết. Ví dụ, nếu xảy ra F0 thì xử lý như thế nào từ người dân đến doanh nghiệp, chính quyền chứ không phải thấy F0 là đóng cửa ngay nhà máy", TS Cấn Văn Lực đề xuất.

"Đây là vấn đề cần giải quyết cấp bách", Phó Chủ tịch Korcham, ông Hong Sun bình luận về việc ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động và điều chỉnh chính sách giãn cách để DN sớm trở lại hoạt động, "bởi hệ thống doanh nghiệp như tim của con người giúp máu chảy tới tới khắp các bộ phận để duy trì sự sống".

Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ quan điểm này tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây: "Việt Nam bắt buộc phải tính đến tái mở cửa, tái hoạt động, không phải sắp tới mà ngay từ bây giờ và cần có kế hoạch rõ ràng.

Việc tắt bật nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp vì với đặc thù sản xuất kinh doanh, thị trường. Doanh nghiệp cần sự ổn định, cần khả năng dễ đoán định để có thể có kế hoạch sản xuất chứ không thể giống như trong dịch tễ là tắt bật liên tục, nới ra xong thít vào theo tình hình dịch bệnh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phạm Mơ - Hoàng Kiều - Hoành San

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.