|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS Vũ Thành Tự Anh: TP HCM có thể mất 6 tỷ USD, thậm chí hơn nếu mở cửa chậm

21:54 | 17/09/2021
Chia sẻ
Nếu kéo dài giãn cách xã hội, TP HCM có thể mất xấp xỉ 6 tỷ USD, bằng khoảng 2% GDP của Việt Nam. Hơn thế, đối với doanh nghiệp đó là sự kiệt quệ mà nếu không kịp thời cứu thì doanh nghiệp sẽ chết, sau này có cứu cũng muộn màng.

Đây là ý kiến của TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và các chuyên gia y tế, kinh tế để nghe góp ý về công tác phòng, chống dịch diễn ra ngày 17/9.

Nhận định về tình hình kinh tế tại TP HCM, TS Vũ Thành Tự Anh cho biết, GDP ước tính năm 2021 của TP HCM là -2,8%, trong khi các năm tăng khoảng 7-8%, Zing đưa tin.

"Nếu tiếp tục chống dịch thế này thì tốc độ tăng trưởng GDP so với GDP tiềm năng của TP HCM có thể giảm khoảng 80-90%. Điều đó có nghĩa là mất xấp xỉ 6 tỷ USD

Đây mới chỉ là con số trong năm nay, thực tế là sẽ còn mất dài dài. 6 tỷ USD này bằng khoảng 2% GDP của Việt Nam", TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Nhận định thêm về những hệ lụy khi kéo dài giãn cách, ông Tự Anh nói, đối với người dân, sau 3,5 tháng giãn cách, tỷ lệ hộ nghèo đang gia tăng, sức chịu đựng của người dân cũng cạn. Bên cạnh đó, ngân sách cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra cũng không thể tính hết được là các tổn thương về tinh thần, tâm lý….

Nhìn chung, đứng từ góc độ kinh tế, từ doanh nghiệp, từ người dân, từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các chi phí khác về mặt xã hội,... Báo Chính phủ cũng dẫn lời TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng: "Chúng ta không thể không mở cửa". 

Theo ông, hệ lụy đối với việc tăng trưởng GRDP của TP HCM trong năm 2021 và những năm tiếp theo là cái giá phải trả rất lớn về kinh tế. 

Đối với doanh nghiệp đó là sự kiệt quệ mà nếu không kịp thời cứu thì doanh nghiệp sẽ chết và không thể hồi phục được nữa.

TP HCM có thể mất 6 tỷ USD, thậm chí hơn nếu mở cửa chậm - Ảnh 1.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. (Ảnh: Zing).

Về chiến lược khôi phục kinh tế, chuyên gia này cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần thích nghi một cách an toàn với COVID-19 và cần có phương án dự phòng, quản lý rủi ro. Trong đó, phải bảo vệ những người có rủi ro nhiều nhất là người trên 65 tuổi, 50 tuổi trở lên, trẻ em…  Điều kiện đầu tiên để mở cửa hiển nhiên là vắc xin.

Tiếp đó, tất cả đơn vị được phép mở ra, tiến độ mở ra phải có phương án dự phòng, phải có phương án quản lý rủi ro, phải có phương án thay đổi và thích nghi với điều kiện mới. Đơn cử siêu thị, cần có đường vào, đường ra riêng biệt. Những chuyện như vậy cần có quy chuẩn, quy trình, có hướng dẫn cụ thể để thích nghi, phòng ngừa trong bối cảnh mới.

Tính riêng trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM đã có tổng cộng 326.795 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

TP HCM hiện đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 30/9, tuy nhiên nới lỏng giãn cách, cho phép một số lĩnh vực được hoạt động trở lại. Sắp tới, TP HCM sẽ dồn lực xét nghiệm, xử lý dứt điểm từng vùng đỏ, bảo vệ, mở rộng vùng xanh và mở lại các hoạt động trong vùng xanh, dần phục hồi các hoạt động kinh tế.

Tiêm phủ vắc xin là một trong những chìa khóa quan trọng để khôi phục trạng thái bình thường mới và phát triển kinh tế. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 và tiến dần đến bao phủ mũi 2

Phương Trang