|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam mở cửa lại kinh tế: Doanh nghiệp cần 'bản đồ' để biết sẽ đi đâu về đâu giữa đại dịch

13:14 | 17/09/2021
Chia sẻ
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán của Đại học Bristol cho rằng giãn cách kéo dài gây nhiều bất an với cộng đồng doanh nghiệp và họ đang rất cần có kế hoạch rõ ràng để duy trì sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể kéo dài.
Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế: Cần 'bản đồ' để doanh nghiệp biết sẽ đi đâu về đâu - Ảnh 1.

TP HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. (Ảnh: Zing).

Thay đổi tư duy trong chống dịch

Việt Nam đã rất thông minh khi chuyển chiến lược từ "Zero COVID" sang sống chung với virus. Tuy nhiên, vẫn cần một kế hoạch rõ ràng để duy trì hoạt động kinh doanh khi nền kinh tế mở cửa trở lại, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán của Đại học Bristol (Anh) viết trên Fulcrum.

Hai lần Thủ tướng nói về quan điểm phải sống chung lâu dài với dịch bệnh. Lần gần đây nhất và ngày 29/8, tại cuộc họp với đại diện hơn 1.000 xã, phường thuộc 20 tỉnh, thành đang giãn cách xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp".

Trước đó tại buổi làm việc chiều 1/9 với hơn 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng nói phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp. Mục tiêu của cả nước là không để dịch lây lan, có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vắc xin và thuốc.

Giãn cách kéo dài gây nhiều bất an với cộng đồng doanh nghiệp

Từ cuối tháng 4 đến nay, TP HCM trở thành tâm dịch với hơn 320.800 ca nhiễm và 12.636 ca tử vong. Đối mặt với số ca nhiễm mới tăng cao liên tục, TP HCM bắt đầu thực hiện siết chặt giãn cách từ ngày 23/8 nhằm đạt được mục tiêu đến 15/9 kiểm soát được dịch.

Tuy nhiên, khi thời hạn đến gần, hy vọng có thể khống chế được virus trở nên mong manh. Ngày 13/9, thành phố quyết định sau 15/9, kéo dài giãn cách thêm hai tuần nữa. 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP cho rằng mặc dù thành phố đã đạt được "một số kết quả tích cực", nhưng vẫn chưa thể đáp ứng tất cả các tiêu chí do Bộ Y tế đưa ra để nới lỏng các hạn chế.

Các tỉnh thành khác, bao gồm cả trung tâm sản xuất trọng điểm Bình Dương, vẫn cần "thực hiện quyết liệt các biện pháp chống COVID-19", trong khi đó Thủ đô Hà Nội cũng tiếp tục áp dụng một số hạn chế.

Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế: Cần 'bản đồ' để doanh nghiệp biết sẽ đi đâu về đâu - Ảnh 2.

Việc giãn cách kéo dài gây nhiều bất an với cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: KTĐT).

Việc giãn cách kéo dài gây nhiều bất an với cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý III được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tiến hành với 2.000 doanh nghiệp thành viên đạt 15,2 điểm, mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Những hạn chế về di chuyển cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực sản xuất, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng của các thương hiệu toàn cầu. Có tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển một số đơn đặt hàng sản xuất sang nơi khác. 

Theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội vừa được EuroCham khảo sát, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác. 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc điều này.

Số liệu kinh tế do Tổng cục Thống kê Việt Nam mới công bố cũng cho thấy triển vọng kinh tế không mấy khả quan.

Trong tháng 8, xuất khẩu da giày tiếp nối đà giảm từ tháng 6, với xuất khẩu giày dép và túi xách lần lượt giảm 38,5% và 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

80% các nhà máy da giày tại các trung tâm sản xuất hàng đầu như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang và Kiên Giang, đã buộc phải ngừng sản xuất do các biện pháp phong tỏa, giãn cách kéo dài.

Ngân hàng Thế giới đã hạ hai điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, từ 6,8% xuống 4,8%, với lý do tác động tiêu cực của làn sóng COVID-19 đang diễn ra đối với các hoạt động kinh tế. Vào năm ngoái, Việt Nam trở thành điểm sáng khi đạt mức tăng GDP 2,9%, bất chấp những tác động toàn cầu của đại dịch.

"Việc kéo dài giãn cách cho đến cuối tháng 9 (và có thể lâu hơn) chỉ làm trầm trọng thêm sự lo lắng trong khối nhà đầu tư nước ngoài", ông Tuấn nhận định.

Trong cuộc họp báo trực tuyến tối 9/9, sau cuộc gặp giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany khẳng định, hiện chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam. 

Tuy nhiên, nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với thiếu vắc xin tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát..., việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi "hoàn toàn có thể xảy ra".

Doanh nghiệp cần có kế hoạch rõ ràng để duy trì sản xuất giữa đại dịch

Đối mặt với áp lực suy giảm kinh tế trong khi vẫn chưa thể kiểm soát được đại dịch, Việt Nam hiện đang đứng trước ngã ba đường về chiến lược chống COVID-19.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán của Đại học Bristol (Anh) 

Đến nay, doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi một lộ trình mở cửa kinh tế rõ ràng và kế hoạch cụ thể để duy trì sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch có khả năng kéo dài.

Ngay cả sau khi một số hạn chế được nới lỏng, doanh nghiệp có thể mất rất nhiều thời gian và công sức để khôi phục lại hoạt động. Các công ty thực phẩm và đồ uống đang lo lắng về giá nguyên liệu đầu vào cao hơn và nhu cầu thấp hơn sau khi mở cửa trở lại.

Kinh nghiệm từ các nước châu Âu cho thấy một vấn đề khác nữa là thiếu hụt lao động. Một số nhà máy ở Việt Nam đã bắt đầu lo lắng về khó khăn này. Người lao động bỏ về quê sẽ khó quay lại làm việc sau khi các hạn chế được nới lỏng.

Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế: Cần 'bản đồ' để doanh nghiệp biết sẽ đi đâu về đâu - Ảnh 4.

Doanh nghiệp cần có kế hoạch rõ ràng để duy trì sản xuất giữa đại dịch. (Ảnh: Nhật Tân/ Zing).

Mặc dù những thách thức này cho thấy triển vọng kinh tế trong ngắn hạn không quá khả quan, Việt Nam vẫn có thể phục hồi nhanh chóng nếu đẩy mạnh được quá trình tiêm chủng. 

HSBC gần đây đã dự báo rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ mức 6,8% với triển vọng khá tốt trong trung và dài hạn. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, những nước cũng đang gặp khó khăn với biến thể Delta, Việt Nam vẫn được coi là một trong những trung tâm sản xuất hấp dẫn nhất. 

Việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và có các gói hỗ trợ kinh tế kỳ vọng sẽ tạo đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

"Tuy nhiên, Việt Nam cần phải thực hiện bước đi táo bạo để vượt qua ngã ba đường. Một trong những biện pháp là đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Chuyển từ chiến lược "Zero COVID" sang sống chung với dịch là cách tiếp cận đúng đắn trong thời kỳ đại dịch kéo dài vì biến chủng Delta. 

Việc sống chung với đại dịch cũng đòi hỏi nguồn lực lớn, vì thế Việt Nam vẫn cần có kế hoạch rõ ràng để duy trì các hoạt động kinh tế, để hỗ trợ sinh kế cho người dân và giúp doanh nghiệp tạo ra doanh thu. Nếu không, cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam sẽ không bền vững và thậm chí để lại thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế", Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Anh Đào