|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao tín dụng ở TP HCM phục hồi chậm?

22:30 | 05/07/2023
Chia sẻ
Mặc dù kể từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên lãi suất cho vay ghi nhận giảm khá nhỏ giọt. Trong khi đó, xuất khẩu gặp khó, nhu cầu thị trường yếu nên khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp rất thấp. Những điều này dẫn đến tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm nay trên địa bàn TP HCM tăng chưa như kỳ vọng, khi chỉ tăng bằng 1/3 so với cùng kỳ.

Một "cơ thể yếu" sẽ khó hấp thụ vốn

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,5% so với cuối năm 2022. Nếu so với tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,3% thì mức tín dụng hiện nay tăng thấp chỉ bằng khoảng 1/3.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, đặt trong mối liên hệ tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm phù hợp với diễn biến tình hình tăng trưởng kinh tế thành phố và những khó khăn từ các thị trường, từ sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn; trong đó, khó khăn từ thị trường xuất khẩu, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và thị trường bất động sản đã tác động trực tiếp.

Thực tế, bước sang quý II/2023, tình hình tăng trưởng kinh tế của TP HCM dần được cải thiện khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng lên mức 5,87%, từ mức đáy 0,7% ở quý I. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế trụ cột của thành phố vẫn phục hồi còn rất chậm trong 6 tháng đầu năm như Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ; 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố chỉ tăng 4,92%, trong đó ngành kinh doanh bất động sản giảm 11,58%...

Đáng chú ý, hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong 6 tháng giảm tới 22,4% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu cũng lần đầu tiên giảm sâu tới 24,2%. Những điều này khiến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP HCM phục hồi không như kỳ vọng.

Dưới góc độ của chuyên gia, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, nền kinh tế nói chung và TP HCM nói riêng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do những bất ổn của nền kinh tế thế giới với dự báo không chỉ trì trệ mà có nguy cơ trì lạm (tức là vừa trì trệ, vừa lạm phát) – một hiện tượng rất đáng lo ngại. Những tác động khó lường này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến của các doanh nghiệp trong nước khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, nhất là liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài tác động của thế giới, vị chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp TP HCM đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nguồn lực của các doanh nghiệp bị bào mòn. Điểm đáng lo nhất là tăng trưởng tín dụng thấp chưa từng thấy, khi hết nửa năm mà tăng trưởng tín dụng chưa đến 4%.

“Thậm chí, tín dụng tăng thì các doanh nghiệp cũng không hấp thụ nỗi. Điều này giống như tình trạng một cơ thể đang bị yếu, có cho thức ăn thì cũng không được ăn nổi. Đây là điểm đáng lo nhất về tác động tiêu cực của thị trường lên hoạt động của doanh nghiệp”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Với định hướng tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi đầu năm là 14-15%, câu chuyện đẩy vốn vào nền kinh tế trong nửa cuối năm sẽ là bài toán “đau đầu” của ngành ngân hàng, khi bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn.

 Toà Landmark 81 ở TP HCM. (Ảnh: Vinhomes).

Cần kéo mặt bằng lãi vay xuống thấp hơn

Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại theo đó cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng với kỳ vọng và vẫn vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, điều kiện tín dụng của ngân hàng không thay đổi, việc tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn là bài toán vô cùng khó. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tín dụng ở TP HCM khó tăng trưởng cao trong nửa đầu năm.

Theo ông Đinh Công Khương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các doanh nghiệp Thép TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên hiệu quả mang đến cho doanh nghiệp vẫn rất thấp.

“Như doanh nghiệp của tôi thì chỉ mới được ngân hàng điều chỉnh giảm lãi vay được 2 lần, và mỗi lần cũng chỉ giảm nhỏ giọt, từ 0,2-0,3% lãi suất. Các doanh nghiệp thép thường vay vốn ngân hàng rất lớn, từ vài chục tỷ đồng đến vài ngàn tỷ đồng, chỉ cần các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi vay một phần thì cũng hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Khương cho biết.

Trong nửa đầu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều có doanh thu giảm sâu, giảm khoảng 40-50% so với cùng kỳ; có đến 95% số doanh nghiệp báo lỗ và hàng tồn kho ngày càng tăng lên. Các doanh nghiệp ngành này phản ánh, với mức lãi suất vẫn còn cao như hiện nay thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp cầm cự trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhưng cũng đang phải tiếp cận vốn với mức lãi suất trên 10%.

Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, doanh nghiệp đang muốn đầu tư thêm máy móc công nghệ hiện đại hơn để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, khi tiếp cận thì lãi suất cho vay ở các ngân hàng vẫn tương đối cao trên 10%. Dù Ngân hàng Nhà nước có những chính sách, tác động liên tục để giảm lãi suất nhưng  việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp là rất khó. Do đó, doanh nghiệp vẫn không dám mạnh dạn vay ở thời điểm này.

Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang trong tình trạng thiếu vốn. Hoạt động kết nối doanh nghiệp - ngân hàng có phát huy tác dụng nhưng chưa nhiều; lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục chờ giảm lãi suất hơn nữa. 

Trong khi đó, các gói hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ chưa được hấp thụ như kỳ vọng, ngân hàng thương mại đòi hỏi các tiêu chí (hoạt động có lãi, sổ sách rõ ràng, minh bạch, không bị nợ xấu,...) nên những doanh nghiệp có nền tảng tốt, không thuộc diện cơ cấu nợ mới đáp ứng nhu cầu vay.

Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như tình trạng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đưa ra vẫn là nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất thực tế trên thị trường. Về phía các ngân hàng thương mại cũng cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, trong nửa cuối năm, ngành ngân hàng thành phố tập trung vào việc triển khai tốt cơ chế chính sách, nhất là về lãi suất, cơ cấu lại nợ và thực hiện tốt chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho lãi suất giảm sâu hơn. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp… để tháo gỡ khó khăn về vốn cho cộng đồng doanh nghiệp.

“Một chính sách đưa ra bao giờ cũng có độ trễ. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã và đang định hướng chính sách lãi suất cho vay trên thị trường theo xu hướng giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi. Và thực tế cho thấy là các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động, tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay”, ông Lệnh cho biết.

Hứa Chung

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.