TP HCM tái khởi động chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp
Hoạt động doanh nghiệp vẫn cầm chừng
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các ngành chủ lực của TP HCM như dệt may, gỗ, vật liệu xây dựng, cơ khí điện… đều sụt giảm doanh thu cả nội địa lẫn xuất khẩu.
Tình trạng thiếu hụt đơn hàng sản xuất vẫn diễn ra trên diện rộng và ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm do nhu cầu thị trường bị thu hẹp cả trong lẫn ngoài nước. Tâm trạng chung của doanh nghiệp là cố gắng hoạt động cầm cự, giữ đơn hàng.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải hoạt động cầm chừng, do đứt gãy dòng tiền. Thậm chí, có doanh nghiệp cổ đông phải bán nhà để trả nợ ngân hàng, vì không muốn bị xếp vào nhóm nợ xấu hoặc mất uy tín trong vấn đề thanh toán.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế TP HCM đã chạm đáy suy thoái và sẽ không có đáy sâu thứ hai. Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp thành phố đến từ những tác động tiêu cực kép như ảnh hưởng của đại dịch kéo dài, diễn biến tiêu cực của kinh tế thế giới, thủ tục hành chính phức tạp...
Cùng với đó, TP HCM có độ mở kinh tế rất lớn, trong khi phụ thuộc hơn 60% nguồn nguyên liệu sản xuất từ các chuỗi cung ứng bên ngoài nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Chính sự suy giảm kinh tế trong quý I/2023 của TP HCM cũng cho thấy cơ cấu kinh tế địa phương bất cập hoàn toàn so với nhu cầu cạnh tranh của một nền kinh tế; thể chế quản lý cũng bất cập so với quy mô của một đô thị lớn.
Theo vị chuyên gia này, tình hình kinh tế TP HCM đang dần phục hồi trở lại. Tuy vậy, TP HCM cũng tập trung tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng và thể chế để tạo ra hệ sinh thái mới, nuôi dưỡng và phát triển nền kinh tế trong dài hạn.
Lên kế hoạch tiếp sức cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn của cộng động doanh nghiệp, tại tọa đàm mới đây do HUBA tổ chức, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, dự kiến trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tổ chức tháng 7/2023, UBND thành phố sẽ trình một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thành phố về cả trước mắt và lâu dài. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố hoàn thiện hồ sơ về chính sách này.
Theo ông Phan Văn Mãi, với những chủ trương, chính sách được Chính phủ, Trung ương ban hành trong những tháng gần đây, Thành phố đang cụ thể hoá và có những chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển. Trước mắt, TP HCM sẽ có những chính sách hỗ trợ, giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường, mở thị trường mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu; giải quyết vấn đề hàng tồn kho cho doanh nghiệp và vấn đề quan trọng là tìm những thị trường để doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa.
Đáng chú ý, TP HCM sẽ khởi động lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư, vốn đã bị gián đoạn 2 năm nay, nhằm tái cấp vốn cho các dự án đang dang dở cũng như cho vay mới với dự án trong lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) cho biết, hiện HFIC đã phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư và các sở ngành liên quan hoàn thành dự thảo chương trình cho vay kích cầu đầu tư và dự kiến sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp tới. Đây là một trong những hoạt động của TP HCM nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, chương trình kích cầu lần này sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn về mức hỗ trợ cũng như mở rộng nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ. Bên cạnh các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chuyển đổi xanh, chương trình kích cầu đầu tư kỳ này có bổ sung đối tượng doanh nghiệp logistics, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, logistics. Mặt khác, hạn mức hỗ trợ lãi vay được nâng lên 200 tỷ đồng, thay vì chỉ 100 tỷ đồng như ở các kỳ trước và mức hỗ trợ có thể là 50% hoặc 100% lãi vay.
Trong đó, các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành như doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, thể thao văn hóa, môi trường, các dự án xây dựng nhà xưởng cao tầng sẽ được hỗ trợ tối đa 100% lãi vay. Bên cạnh đó, 4 ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, điện tử viễn thông, nhựa hóa cao su; các ngành sản xuất như da giày, dệt may… dự kiến cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ theo chương trình kích cầu đầu tư lần này.
Ngoài việc triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, TP HCM cũng đang tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn quan trọng là hạ tầng và thể chế. Về hạ tầng, TP HCM đang tập trung xây dựng đường Vành đai 2, 3; cải tạo hệ thống rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát… cùng nhiều công trình giao thông trọng điểm khác. Với "vồn mồi" đầu tư công, các dự án này cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển, giúp kích cầu, vừa tạo công ăn việc làm và tạo nên kết cấu hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
Về thể chế, Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tuần này được kỳ vọng sẽ là giải pháp căn cơ để tăng khả năng tự chủ cho TP HCM. Nội dung của dự thảo Nghị quyết mới tập trung vào các đề xuất mở rộng phân cấp, phần quyền cho TP HCM, một cơ chế tài chính để huy động nguồn lực và các chính sách tạo động lực mà các quy định hiện hành chưa phù hợp.
"Trong dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, thành phố thiết kế các cơ chế, chính sách để vừa tháo gỡ một phần những khó khăn, vướng mắc hiện hữu, đồng thời cũng tạo cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Nguồn lực đầu tư này đến từ cộng đồng doanh nghiệp thành phố, trong nước và kể cả nước ngoài. Từ đó, mang lại cơ hội và cạnh tranh của các doanh nghiệp để cùng phát triển", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết.