|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều cơ chế chính sách đã trở thành chiếc áo quá chật' đối với TP HCM

22:30 | 17/06/2023
Chia sẻ
Sự suy giảm kinh tế của TP HCM cũng đã bộc lộ những nhược điểm, tồn tại toàn bộ cơ cấu kinh tế và thể chế quản lý của thành phố.

Ngày 17/6, tại tọa đàm Café doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức với chủ đề “Cơ chế đặc thù - cơ hội để doanh nghiệp phát triển cùng thành phố”, Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều cơ chế chính sách đối với TP HCM đã trở thành “chiếc áo quá chật”, cản trở sự phát triển.

Do đó, Dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã đề xuất cơ chế phát triển phù hợp hơn với một siêu đô thị như TP HCM.

Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN).

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc tăng trưởng kinh tế của TP HCM giảm sâu trong quý I/2023 đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài, tình hình bất ổn của thị trường thế giới, sự biến động mạnh của thị trường tài chính… Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế của TP HCM cũng đã bộc lộ những nhược điểm, tồn tại toàn bộ cơ cấu kinh tế và thể chế quản lý của thành phố. Đặc biệt, vấn đề thể chế quản lý đang có nhiều bất cập đối với một thành phố có quy mô siêu đô thị như TP HCM.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, có nội dung rất quan trọng là tạo cho Thành phố một cơ chế vượt trội để phát triển. Với tư tưởng như vậy, Thành phố tổng kết Nghị quyết 54 và đề xuất một loạt chính sách trong dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

“Nghị quyết mới phải làm sao giải quyết bài toán đã đề cập suốt 20 năm nay, đó là TP HCM có “chiếc áo quá chật”, không thể lớn được. Với một siêu đô thị hơn 10 triệu dân thì những cơ chế quản lý phải được “may rộng ra”, thành phố mới có thể phát triển được”, Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ.

Do đó, nội dung của dự thảo Nghị quyết mới tập trung vào các đề xuất mở rộng phân cấp, phần quyền cho TP HCM, một cơ chế tài chính để huy động nguồn lực và các chính sách tạo động lực mà các quy định hiện hành chưa phù hợp.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN).

Tại tọa đàm, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, cùng với chuẩn bị cho Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TP HCM đang ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 với 150 đầu việc phải làm; trong đó, có các dự án như: xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hoàn thiện hệ thống 7 trung tâm logistics ở TP HCM…

Theo ông Phan Văn Mãi, hai Nghị quyết này đặt ra cho TP HCM vị trí, vai trò rất quan trọng, cùng những định hướng, nhiệm vụ phát triển rất lớn; trong đó, có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và cũng rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để cụ thể hóa các việc này, tạo không gian kinh tế lớn của thành phố.

Với Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, ông Mãi cho biết, thành phố thiết kế các cơ chế, chính sách để vừa tháo gỡ một phần những khó khăn, vướng mắc hiện hữu; đồng thời, cũng tạo cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Nguồn lực đầu tư này đến từ cộng đồng doanh nghiệp thành phố, trong nước và kể cả nước ngoài. Từ đó, mang lại cơ hội và cạnh tranh của các doanh nghiệp để cùng phát triển.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất những cơ chế, phân cấp phân quyền mạnh hơn cho thành phố để địa phương chủ động quyết định, giải quyết các vấn đề một cách nhanh hơn. Đây chính là điểm mấu chốt trong thiết kế các chính sách và cũng là không gian để lắng nghe các ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp nhằm triển khai đạt hiệu quả cao.

Lãnh đạo UBND TP HCM cũng cho biết, thành phố đã xây dựng chính sách chuyển đổi số. Tới đây, Thành phố tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược, lộ trình cho chuyển đổi xanh. Chính sách này đã được UBND TP HCM giao Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố phối hợp cùng các cơ quan, các chuyên gia hoàn thiện để có những bước đi rõ ràng về chuyển đổi năng lượng...

Thành phố sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển đổi xanh và có thể sẽ trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành chính sách này trong thời gian tới. Trong chương trình kích cầu sắp tới, TP HCM sẽ lồng ghép để doanh nghiệp có thể chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Song song đó, TP HCM cũng đang xây dựng chiến lược với đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu của thành phố; đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thành phố cả trước mắt và lâu dài, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển…

H.Chung