Hai chỉ số giảm tốc ở Hà Nội, TP HCM có thể gây khó khăn với bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tuy vẫn giữ mức tăng tốt nhưng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có thể gặp khó khăn thời gian tới. Dấu hiệu khó khăn đầu tiên là hiệu ứng mức nền thấp đang dần phai nhạt và tăng trưởng của lĩnh vực du lịch, lưu trú ăn uống đang giảm tốc.
Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 12,6% so với cùng kỳ, giảm nhẹ so với mức tăng 12,8% của 4 tháng 2023. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số này tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ, tăng nhẹ so với mức tăng 8,3% của 4 tháng đầu năm.
Về cơ cấu, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (78,87%), với giá trị tăng 10,95% so với cùng kỳ trong tháng 5.
Các mảng doanh thu dịch vụ ăn uống và lưu trú và du lịch lữ hành vẫn duy trì tăng trưởng, lần lượt là 12,08% và 40,31% so với cung kỳ.
Dù vậy, đà tăng đã thu hẹp đáng kể so với các tháng trước (từ mức đỉnh 155% so với cùng kỳ trong tháng 1/2023). Tổng lượng khách quốc tế lũy kế 5 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 4,6 triệu khách, đạt 57% mục tiêu 8 triệu lượt khách trong cả năm 2023.
Thứ hai, theo VDSC tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá, dịch vụ cũng đang giảm tốc ở hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội trong tháng vừa qua.
Năm 2022, tính chung tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP HCM và Hà Nội chiếm hơn 31% của cả nước.
Theo Cục Thống kê TP HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP HCM tháng 5 ước tăng 3,1% so với tháng trước (giảm so với mức tăng 12,11% trong tháng 4).
Trong khi đó, Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP tháng năm tăng 1,9% so với tháng trước (tăng nhẹ so với mức tăng 1,7% trong tháng 4).
Tuy nhiên so với cùng kỳ, chỉ số này của cả TP HCM và Hà Nội trong tháng 5 đều tăng hơn 10%.
Hiện mảng bán lẻ và dịch vụ được kỳ vọng là một trong hai động lực tăng trưởng chính năm nay (cùng với đầu tư công), trong khi xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và FDI đều suy giảm.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của BVSC cho biết kỳ vọng mảng du lịch sẽ duy trì tăng trưởng cao (trên 50%) trong cả năm 2023. Ngoài ra, mảng bản lẻ hàng hóa vẫn đang là mảng có đóng góp tích cực nhất đối với mức tăng của tiêu dùng.
Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Quốc hội đang thảo luận về việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với một số mặt hàng, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023. BVSC cho rằng động thái giảm thuế sẽ tiếp tục kích thích tiêu dùng và giúp cho mảng bán lẻ hàng hóa duy trì tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm, trong bối cảnh áp lực lạm phát đang có áp lực tăng trở lại.
Trong khi đó, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lại bày tỏ quan điểm thận trọng hơn. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2,52 triệu tỷ đồng (tăng 12,6% so với cùng kỳ), nếu so với cùng kỳ năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch COVID-19 thì tăng 28.3%, cho thấy tốc độ tiêu dùng nội địa đã dần tăng trưởng trở lại.
Tuy vậy, theo KBSV nếu so với mức bình quân 10 năm trước dịch khoảng 14-15% thì mức tăng trưởng 11.5% này vẫn chưa đủ để trở thành điểm tựa thúc đẩy nền kinh tế.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 tăng 10,9% so với cùng kỳ, dù vậy sức mua của thị trường trong nước được đánh giá là chưa cao. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ nhằm kích cầu tiêu dùng như tăng lương cơ bản lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%), giảm thuế giá trị gia tăng VAT xuống còn 8% ở một số mặt hàng, cả hai đều dự kiến sẽ được áp dụng từ tháng 7 tới đây.
Tuy nhiên, theo KBSV, những chính sách này luôn có độ trễ nhất định, thường là 3-6 tháng để có thể tác động vào nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do vậy các chuyên gia tại đây dự báo tăng trưởng bán lẻ của Việt Nam tháng sau vẫn duy trì ở mức hiện tại và phải đợi đến quý IV mới có thể bứt phá.