|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ẩn số thời điểm kinh tế phục hồi: Khó khăn sẽ giảm từ quý III hay kéo dài sang năm 2024?

10:28 | 06/06/2023
Chia sẻ
Khó khăn vẫn tiếp diễn với doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có nguy cơ rơi vào suy thoái, khả năng kinh tế phục hồi từ quý III trở đi là điều chưa chắc chắn khi kinh tế nước ta có định hướng xuất khẩu cao.

Tăng trưởng GDP quý II dự báo dưới 5%, gây áp lực lên nửa cuối năm

Sau kết quả tăng trưởng GDP quý I thấp gần như kỷ lục (tăng 3,32% - chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023), giới chuyên gia dự báo vẫn có nhiều yếu tố để tình hình trở nên tích cực hơn vào giữa năm nay như đầu tư công và khu vực dịch vụ, du lịch.

Điểm lại tình hình kinh tế tháng 5, có thể thấy một số số liệu vĩ mô có sự cải thiện. Điển hình là kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng 4, giảm 5,9% so với cùng kỳ (cải thiện hơn so với mức mức giảm hơn 17% trong tháng 4).

Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 5 đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng 4 và giảm 18,4% so với cùng kỳ (cải thiện nhẹ so với mức giảm 20,5% trong tháng 4).

Ngoài ra lạm phát hạ nhiệt, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng tốt cũng là hai điểm sáng.

Dù có những điểm sáng nhất định, tăng trưởng GDP quý II dự báo khó vượt mức 5%, điều này sẽ gây áp lực lên mục tiêu 6,5% cả năm.

CEO của WiGroup, ông Trần Ngọc Báu mới đây đưa ra nhận định với việc đầu tư công không đủ mạnh để kích thích kinh tế, sản xuất trong nước vẫn yếu, tăng trưởng quý II nhiều khả năng dưới 5%.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong tháng 5 giảm xuống mức 45,3 điểm từ mức 46,7 của tháng 4. Mức này cũng đánh dấu tháng thứ ba suy giảm liên tiếp, trong khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất trong 20 tháng qua.

Trong khi đó, giải ngân đầu tư công có cải thiện nhưng chưa phải đột phá.   

"Để đạt được tăng trưởng cả năm 6%, hai quý cuối năm phải tăng trưởng trên 7%. Đây là mục tiêu khá thách thức, chưa nói đến mục tiêu 6,5%, đặc biệt khi tăng trưởng quý II dự báo vẫn tiêu cực, gây áp lực lên hai quý cuối năm", ông nói.

Về phía các công ty chứng khoán, Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng tăng trưởng GDP quý II sẽ chỉ đạt 3%; Chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo khoảng 4,5%.  

Khối doanh nghiệp và thị trường bất động sản vẫn khó khăn

Nhìn sâu hơn vào tình hình khối doanh nghiệp và thị trường bất động sản, các số liệu đang cho thấy khó khăn vẫn chưa qua đi.

Mới đây, tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề cập đến điều bất thường khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng đột biến và việc này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh.   

 

Hai khó khăn về vốn và thị trường cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập và thảo luận. 

Về khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước đã có ba lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup, lãi suất huy động và cho vay chưa thể giảm nhanh do vấn đề thanh khoản trung và dài hạn và sức khỏe của hệ thống ngân hàng. 

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, khi NHNN tăng lãi suất vào tháng 10 năm ngoái, mất khoảng 6 tháng tác động đến nền kinh tế. Như vậy, với những chính sách được đưa ra từ tháng 3 đến tháng 5, dự báo khoảng cuối quý III mặt bằng lãi suất mới giảm rõ rệt.    

Với thị trường bất động sản, SSI Research trong báo cáo mới nhất nhận định tình hình hoạt động của thị trường vẫn yếu. Tuy nhiên với nhiều hỗ trợ sớm hơn dự kiến từ Chính phủ, SSI kỳ vọng thị trường bất động sản có thể hồi phục sớm hơn. 

Theo VARS, tỷ lệ hấp thụ trong quý I giảm xuống mức thấp kỷ lục 11%. Tổng số giao dịch bất động sản trong quý là 2.700 căn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Tình hình thị trường như vậy cũng đã phản ánh lên sự sụt giảm đáng kể của doanh số bán hàng của các chủ đầu tư niêm yết trong quý I. 

 

Ẩn số kinh tế phục hồi

Trao đổi bên lề hội thảo mới đây, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc dự báo trong bối cảnh hiện tại là khá khó khăn khi toàn cầu vẫn có những biến động khó lường.

Ông cũng nhắc lại việc tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường bất động sản có một mối liên hệ chặt chẽ và nhận định thị trường bất động sản phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc vào cách giải quyết nhanh hay chậm các vướng mắc về pháp lý, thể chế.

Ở góc độ chuyên gia trong ngành, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay chính sách có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản và thông thường độ trễ khoảng hai quý. Dự báo với những chính sách vừa được Chính phủ ban hành, thời điểm xuất hiện tín hiệu đảo chiều thị trường bất động sản sẽ vào quý IV/2023 hoặc muộn hơn vào giữa năm 2024. 

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), khó khăn vẫn đang bủa vây doanh nghiệp, thị trường bất động sản vẫn "đóng băng".

Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có nguy cơ rơi vào suy thoái, khả năng kinh tế phục hồi từ quý III trở đi là điều chưa chắc chắn khi kinh tế nước ta có định hướng xuất khẩu cao. Hơn nữa, quý III cũng là thời điểm lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, có thể gây thêm khó khăn cho nền kinh tế.

Theo chuyên gia, kinh tế trông chờ nhiều vào giải ngân vốn đầu tư công, thường sẽ tăng tốc vào giai đoạn cuối năm và nhiều khả năng có thể giải ngân 95% kế hoạch Thủ tướng giao (hơn 707.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đang tăng trở lại cũng được kỳ vọng giảm tác động tiêu cực từ xuất khẩu và bất động sản.

Đáng chú ý, dự luật Đất đai sửa đổi sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp đang diễn ra và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

 

"Kinh tế khó có thể tăng trưởng nhanh 6,5 -7% như trước đây" là nhận định của TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương tại Chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư thực hiện cuối tháng 5.

Ông dự báo trong giai đoạn tới nền kinh tế đối mặt nhiều vấn đề cả bên trong và bên ngoài, cảnh báo đây không phải cú sốc ngắn hạn và cần đánh giá kỹ những chuyển biến môi trường bên ngoài, không nên nhận định đó chỉ là một cú sốc bình thường rồi kinh tế lại vận hành tốt trở lại.

SSI mới đây cũng đưa ra dự báo năm 2024, nhấn mạnh rủi ro năm tới không chỉ là khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay rủi ro phá sản, nợ xấu gia tăng từ nửa cuối 2023 trở đi, rủi ro có thể đến từ việc triển khai thiếu hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, cải cách kinh tế.      

Anh Đào