|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà máy trên khắp châu Á chật vật giữa lúc nhu cầu toàn cầu suy yếu, Việt Nam không ngoại lệ

16:04 | 01/06/2023
Chia sẻ
Số liệu PMI sản xuất tại các nền kinh tế lớn nhất châu Á cho thấy nhiều nhà máy đang phải chật vật tìm cách trụ vững giữa lúc nhu cầu toàn cầu chững lại và triển vọng kinh tế khó đoán.

Công nhân tại một nhà máy sản xuất vành xe đạp tại Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Nhà máy tại các nền kinh tế lớn nhất châu Á đều tăng cường hoạt động trong tháng 5 khi các vấn đề chuỗi cung ứng dịu bớt, tuy nhiên nhu cầu toàn cầu chững lại vẫn là một thách thức đáng ngại đối với nhiều nhà xuất khẩu lớn trong khu vực.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc và Nhật Bản - lần lượt là nền kinh tế lớn nhất và thứ hai châu Á - cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy đã mạnh lên trong tháng 5.

Tuy nhiên, trái ngược với tình hình tại Trung Quốc và Nhật Bản, PMI của Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tiếp tục giảm, Reuters thông tin.

Số liệu PMI có phần trái chiều cho thấy sự phục hồi không đồng đều của các nền kinh tế châu Á hậu đại dịch COVID-19, đặc biệt là Trung Quốc.

Thực tế này đang làm che mờ triển vọng tăng trưởng của khu vực, nhưng vẫn mang lại một số lý do để lạc quan.

 

Chia sẻ với Reuters, ông Julian Evans-Pritchard, nhà phân tích cấp cao tại Capital Economics, cho hay: “Các số liệu PMI mới cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi, dù với tốc độ chậm hơn. Hỗ trợ tài khoá yếu đi đã ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng”.

“Song, sản lượng công nghiệp đã đi lên và lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng khá, cho thấy tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc có thể không tồi tệ như nhiều người lo ngại”, vị chuyên gia nói tiếp.

Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất do Caixin tổng hợp đã tăng từ mức 49,5 điểm hồi tháng 4 lên 50,9 điểm trong tháng 5. Mốc 50 điểm phân tách giữa tăng trưởng và suy yếu.

Trước đó, một cuộc khảo sát do Reuters thực hiện cho thấy các nhà kinh tế kỳ vọng PMI sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt 49,5 điểm. Kết quả tháng 5 trái ngược hoàn toàn so với dự đoán của giới chuyên gia.

Tuy nhiên, khảo sát của Caixin còn cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp Trung Quốc trong 12 tháng tới đã tụt xuống mức thấp nhất trong 7 tháng do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Ông Wang Zhe, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group, nhận xét: “Đà tăng trưởng hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc đang đi thiếu động lực nội tại và doanh nghiệp đang thiếu vắng niềm tin. Điều này cho thấy chính phủ cần phải mở rộng và phục hồi nhu cầu trong nước”.

Chỉ số PMI sản xuất của Nhật Bản - do au Jibun Bank tổng hợp - đã tăng lên mức 50,6 điểm vào tháng 5. Đây là lần đầu tiên thước đo này vượt ngưỡng 50 điểm kể từ tháng 10 năm ngoái.

Song, dữ liệu khác cũng vừa được công bố cho thấy sản lượng của các nhà máy tại Nhật Bản đã bất ngờ giảm trong tháng 4.

Trong khi một cuộc khảo sát đối với các nhà sản xuất dự báo mức tăng sản lượng 1,9% trong tháng 5, một quan chức chính phủ cho biết nhu cầu yếu ở nước ngoài đã buộc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp kế hoạch sản xuất.

 

Tại Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, PMI sản xuất đạt mức 48,4 điểm trong tháng 5, tăng nhẹ so với 48,1 điểm hồi tháng 4 nhưng đã bước vào giai đoạn giảm dài nhất trong 14 năm.

Hàn Quốc cho biết nhu cầu hàng hoá của thế giới chững lại đã tác động đến sản lượng của các nhà máy và lượng đơn đặt hàng.

Việt Nam, Malaysia và đảo Đài Loan cũng chứng kiến hoạt động sản xuất tại các nhà máy bị thu hẹp trong tháng 5, trong khi Philippines ghi nhận sự mở rộng.

Trong đó, PMI tháng 5 của Việt Nam đã giảm xuống còn 45,3 điểm. Sản lượng và số đơn đặt hàng mới cùng giảm mạnh. Ngoài ra, chi phí đầu vào đã giảm lần đầu tiên trong ba năm, việc làm và hoạt động mua hàng cũng yếu đi.

Nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào đà phục hồi của Trung Quốc. Kể từ khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế chống dịch, nền kinh tế tỷ dân đã phục hồi không đồng đều, khi chi tiêu của người dân cho lĩnh vực vượt trội hơn hẳn hoạt động trong các ngành định hướng xuất khẩu.

Trong dự báo công bố vào tháng 5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng nền kinh tế khu vực châu Á sẽ tăng trưởng khoảng 4,6% trong năm nay, sau khi mở rộng 3,8% vào năm ngoái. Châu Á sẽ đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu.

Song, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm tới xuống 4,4% và cảnh báo về một số rủi ro đối với triển vọng như lạm phát cao và dai dẳng hơn dự kiến, nhu cầu toàn cầu chững lại và tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ và châu Âu.

 

Yên Khê

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.