|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ước tính tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu 2023: Địa phương nào dẫn đầu trong nhóm quy mô công nghiệp lớn?

09:02 | 05/06/2023
Chia sẻ
Theo số liệu ước tính, cả nước chỉ có 26 tỉnh thành ghi nhận tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 trên 6,5%. Trong nhóm các địa phương có quy mô công nghiệp lớn, Bắc Giang tăng trưởng cao nhất.

Hầu hết tỉnh, thành công nghiệp lớn có tốc độ tăng trưởng giảm 

Cục Thống kê TP HCM dẫn thông tin từ Cục Thống kê các tỉnh, thành phố cho biết ước tính tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của 63 tỉnh, thành.

Theo đó, cả nước chỉ có 26 tỉnh, thành (chiếm hơn 41%) ghi nhận tăng trưởng trên 6,5%.

Bắc Ninh, Quảng Nam, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu là 4 địa phương tăng trưởng âm và thấp nhất cả nước. Trong khi đó, Hậu Giang, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh tăng trưởng cao nhất, đều trên 9%.

 

Trong nhóm 26 tỉnh, thành công nghiệp lớn và có kim ngạch xuất khẩu cao, hầu hết các địa phương đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng giảm so với 6 tháng 2022, ngoại trừ Hà Tĩnh, Bình Phước, Nam Định.

Ba địa phương có ước tính tăng trưởng âm là Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu đều từng tăng trưởng cao trong 6 tháng 2022; cụ thể Bắc Ninh (14,7%), Quảng Nam (12,8%), Bà Rịa - Vũng Tàu (7,62%).  

Thanh Hóa, Hải Dương cũng từng tăng trưởng cao trong 6 tháng 2022, lần lượt 13,41% và 11,8% thì ước tính tăng trưởng 6 tháng năm nay chỉ khoảng 7%.

 

Bắc Ninh thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất giảm nhưng vẫn hút FDI 

Nói thêm về Bắc Ninh, tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP ước tính trong cả quý II và 6 tháng đầu năm thấp nhất cả nước, các chỉ số quan trọng khác của tỉnh đều giảm sâu.

Theo Cục Thống kê tỉnh này, tháng 5, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức thấp, tăng nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn tiếp tục đà suy giảm nhiều so với tháng cùng kỳ năm trước. 

Cơ quan thống kê của tỉnh đánh giá do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước vẫn ở mức thấp, đây cũng là thách thức đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh. 

Khó khăn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng khiến chỉ số sử dụng lao động doanh nghiệp công nghiệp cũng sụt giảm liên tiếp trong 5 tháng so với các tháng cùng kỳ, cụ thể giảm từ mức 9,58% đến 32,69%, do vậy lũy kế 5 tháng giảm 11,03% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tháng 5 vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận mức giảm so với cùng tháng năm trước; đồng thời làm giảm lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 xuống còn (-9,4%).

Cùng xu hướng giảm của khu vực sản xuất, xuất nhập khẩu giảm nhiều, trong đó xuất khẩu tháng 4/2023 giảm khá nhiều (-13,3%) làm cho 4 tháng đầu năm giảm nhiều (-19,05%).  

Về điểm tích cực, hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục là điểm sáng nổi bật với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng cao (+22%). Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết tín hiệu đáng mừng nữa là số doanh nghiệp đăng ký mới 5 tháng đầu năm 2023 tăng cả về số lượng danh nghiệp và tổng vốn đầu tư đăng ký, cũng như quy mô vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp.

Thu hút FDI vẫn tăng rất nhiều về số dự án và vốn đăng ký mới. Dù xuất khẩu sụt giảm nhiều nhưng Bắc Ninh vẫn đứng thứ 2 cả nước sau TP HCM về thu hút FDI.

Về tình hình kinh tế tỉnh Quảng Nam 5 tháng đầu năm, Cục Thống kê của tỉnh cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 5tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh, đặc biệt là các ngành sản xuất chủ lực như dệt may, đồ gỗ, sản xuất và phân phối điện, sản xuất lắp ráp ô tô.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 5 của tỉnh này giảm đến 41,8% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP giảm 33,2% so với 5 tháng 2022. Thu ngân sách của tỉnh 5 tháng 2023 cũng  giảm đến 48% so với cùng kỳ năm 2022. 

Sản xuất công nghiệp của Bắc Giang vẫn tăng trưởng tốt

6 tháng đầu năm ngoái, Bắc Giang cũng dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP. Theo UBND tỉnh, sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 22,2% so với cùng kỳ, IIP 5 tháng tăng 15,3% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 5 tháng của tỉnh đạt 16,08 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư được 12,3 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 27,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 5 tháng thu hút được trên 1.039 triệu USD, gấp hai lần so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, UBND tỉnh đánh giá một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp như giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40% kế hoạch; thu ngân sách đạt 43,9%.

Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do cắt, giảm đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, gia công linh kiện điện tử; các doanh nghiệp vendor cấp 2, cấp 3 của Samsung, các công ty may mặc,...     

Anh Đào

Dòng tiền vẫn dồi dào trên TTCK, song cần chắt lọc lựa chọn cổ phiếu
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.