Nhóm các tỉnh thành có kế hoạch đầu tư công lớn: Long An giải ngân nhanh nhất, TP HCM tăng mạnh so với cùng kỳ
Long An có tốc độ giải ngân tốt nhất
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong nhóm 29 tỉnh, thành phố có kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023) trên 7.000 tỷ đồng, TP HCM là địa phương giải ngân được nhiều nhất trong nửa đầu năm (hơn 15.600 tỷ đồng), đứng thứ hai là Hà Nội với hơn 13.450 tỷ đồng.
Hải Phòng giải ngân đạt gần 7.000 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 5.400 tỷ , các địa phương còn lại giải ngân từ 1.000 tỷ đến hơn 4.000 tỷ đồng. Khách Hòa và Đà Nẵng lọt nhóm giải ngân thấp, chỉ khoảng 1.200 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2023.
Về tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn cả năm, trong nhóm này, Long An là địa phương có tiến độ giải ngân tốt nhất (đạt 47,28%) - cao hơn so với 6 tháng 2022. Xét trên cả nước, Long An đứng thứ 3, sau Tiền Giang và Đồng Tháp.
Trong nhóm 29 tỉnh thành, Ninh Bình xếp thứ hai (37,5%), tuy nhiên tốc độ này lại thấp hơn cùng kỳ (đạt 43,7%).
Nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 20%) gồm Bắc Ninh, Phú Yên, Bình Dương, Nam Định, Hòa Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Một số tỉnh, thành có tốc độ giải ngân chậm hơn so với cùng kỳ như Ninh Bình, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Hưng Yên.
TP HCM giải ngân cao nhất - hơn 15.600 tỷ, tăng gần 44%
Về TP HCM, địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công 2023 cao nhất cả nước (hơn 70.500 tỷ đồng), giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm, qua đó góp phần khiến tổng chi ngân sách (trừ tạm ứng) ước tính tăng 70,9% so với cùng kỳ.
Cụ thể,nửa đầu năm, TP HCM giải ngân vốn đầu tư công hơn 15.600 tỷ, tăng mạnh so với cùng kỳ (đạt hơn 6.800 tỷ đồng).
Cập nhật tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của TP HCM, UBND TP HCM cho biết với dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, hiện chủ đầu tư đang tiến hành xây dựng 9/11 cây cầu bộ hành bên cạnh cầu tại nhà ga Suối Tiên đã có sẵn, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. Sắp tới, tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 cũng sẽ được đưa vào khai thác, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và kết nối tuyến Metro số 1 tại ga Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức).
Về dự án mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, dự kiến, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Đến nay, tổng khối lượng đắp cát xây lấp mặt bằng đạt 64%; xử lý nền đất yếu bằng cọc xi-măng đất đạt 29%.
Hiện nay, dự án gặp khó khăn chính là mặt bằng chưa được bàn giao đầy đủ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời xong nên làm chậm tiến độ thi công: Có 597/725 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với hơn 558,8 tỷ đồng, đạt 96,7% kế hoạch vốn; 607/725 hộ đã bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 23,73ha; có 118 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng với diện tích gần 2 ha.
Đoàn giám sát của thành phố cũng đã đề nghị UBNDhuyện Bình Chánh sớm xử lý dứt điểm các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng thuộc dự án và sớm bàn giao 100% mặt bằng phục vụ thi công trước ngày 30/6.
Về dự án thành phần số 1 đường Vành đai 3, trong tháng 6, Ban giao thông nhận mặt bằng từ 4 huyện có đường Vành đai 3 đi qua và khởi công dự án Thành 17 phần 1 vào ngày 18/6 Đến thời điểm hiện nay, nguồn vật liệu cung cấp cho Dự án đường vành đai 3 đã sẵn sàng và sẽ có biện pháp bảo đảm phục vụ công tác thi công liên tục đến khi hoàn thành.
Đối với dự án thành phần số 2 đường Vành đai 3, tính đến 16/6, tỷ lệ bàn giao mặt bằng cho Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM đạt khoảng 87%, Hóc Môn là địa phương có tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao nhất với hơn 95%. Huyện Bình Chánh, Củ Chi và TP. Thủ Đức cũng lần lượt đạt hơn 93%, 84% và 72%.
Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm tiến độ, chủ đầu tư sẵn sàng cho việc khởi công vào ngày 18/6và đạt tỷ lệ 100% bồi thường giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2023. Thực hiện chi trả, bồi thường giải phóng mặt bằng hết tháng 5 đạt 5.889 tỷ đồng, ước thực hiện hết tháng 6 đạt hơn 7.000 tỷ đồng.