|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nền kinh tế thiếu hụt động lực tăng trưởng, kỳ vọng nhiều vào đầu tư công nửa cuối năm 2023

07:27 | 10/07/2023
Chia sẻ
Với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số hơn 700.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong giai đoạn còn lại của năm khoảng 67%, tương đương khoảng 470.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, SSI Research đánh giá nền kinh tế đang thiếu hụt động lực tăng trưởng, tiêu dùng trong nước chậm lại, trong khi sản xuất chưa có sự bứt phá.

Mặc dù doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ danh nghĩa trong 6 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ và 8,9% khi điều chỉnh lạm phát, nhưng theo SSI, tăng trưởng đang giảm dần theo tháng và số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn so với xu hướng tăng trưởng thông thường trước COVID-19.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng tăng 9,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên nếu xét theo quý thì quý II chỉ ghi nhận tăng 7,9% (so với 10,8% trong quý I).

Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng đến từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm (13,5%). Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ tháng 5 đã được điều chỉnh giảm 3% nên không loại trừ khả năng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong quý II sẽ giảm so với con số ước tính ban đầu.

 

Doanh thu từ nhóm dịch vụ liên quan đến du lịch lữ hành quý II chỉ tăng 2,2% so với quý I hay 12% so với cùng kỳ cho thấy trái với kỳ vọng, doanh thu du lịch từ kỳ nghỉ lễ dài vừa qua có kết quả không quá khả quan và phản ánh sự thắt chặt trong chi tiêu của người dân. 

Số lượng khách quốc tế tới Việt Nam cũng chưa có sự bứt phá trong tháng 6, khi chỉ tăng thêm 975.000  người nhưng vẫn dễ dàng hoàn thành mức mục tiêu trong 2023 là 8 triệu người. Du khách Trung Quốc chỉ tăng nhẹ trong tháng 6 (7% so với tháng 5) trong khi du khách từ Hàn Quốc duy trì tỷ trọng cao nhất trong số khách quốc tế tới Việt Nam.

Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh chính sách visa điện tử theo hướng nới lỏng hơn. SSI  kỳ vọng đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành du lịch trong nửa cuối năm nay.  

Hoạt động sản xuất và chế biến chế tạo không có sự bứt phá trong quý II.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý II giảm 0,4% và với sản lượng giảm nhiệt ở các ngành xuất khẩu trọng điểm như dệt may (-4,4%) hay điện tử (-3,4%) hoặc ngành tiêu dùng không thiết yếu (xe có động cơ (-4,8%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành tăng tới 20% so với cùng kỳ, với một số ngành có tồn kho cao như xe có động cơ (110,4%), cao su và plastic (51,4%) hay dệt (24%).

Chỉ số sử dụng lao động giảm mạnh nhất ở các tỉnh có lợi thế về chế biến chế tạo như Bình Dương (-12,4%), Đồng Nai (-8,2%), Bắc Ninh (- 8%) hay Thái Nguyên (-9,8%).

Số liệu về hoạt động thương mại cũng cho thấy kết quả kém khả quan, khi cả xuất khẩu và nhập khẩu quý II lần lượt giảm 14,2% (quý I giảm 10%) và -giảm 22,3% (quý I giảm 13,6%).

 

 

 

Báo cáo cũng cho biết đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng nửa cuối năm 2023. Lĩnh vực này sự cải thiện trong tháng 6.

Tính đến hết tháng 6, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 30,7% kế hoạch Thủ tướng, có sự bứt phá từ mức 22,2% trong 5 tháng đầu năm.

"Với kỳ vọng dài hạn về việc đẩy mạnh đầu tư công trong vòng 10 năm tới, cũng như trong ngắn hạn chính sách tài khóa mở rộng, trong đó tăng chi tiêu trong đầu tư cơ sở hạ tầng là trụ cột chính trong hệ thống các giải pháp toàn diện được đưa ra cho việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đầu tư công là tâm điểm được nhắc đến khá thường xuyên trong 6 tháng đầu năm", các chuyên gia tại đây cho ha.

Với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số hơn 700.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong giai đoạn còn lại của năm khoảng 67%, tương đương khoảng 470.000 tỷ đồng.

Theo SSI, ngoài việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, Chính phủ cũng sẽ có những giải pháp cứng rắn hơn trong điều hành, phân rõ trách nhiệm đối với chủ đầu tư và kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh, tuy nhiên cũng thực hiện thưởng hợp đồng đối với các dự án hoàn thành trước kế hoạch.  

 

 

Hồng Hà