Tỉnh 'hạng hai' có sức hút FDI lớn trong những năm gần đây
Hồi năm ngoái, Nikkei Asia từng đề cập đến một số địa phương "hạng hai" (địa phương không phải là trung tâm công nghiệp lớn) đang nổi lên trong thu hút FDI, trong đó có tỉnh Bình Phước.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Bình Phước đứng thứ 11 cả nước về thu hút vốn FDI 9 tháng đầu năm, đạt gần 700 triệu USD, vượt xa mức khiêm tốn chỉ hơn 225 triệu USD của cả năm 2022. Đây cũng là lần đầu tỉnh này có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng FDI, xếp cùng nhóm các trung tâm công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương.
Hồi tháng 9, Bình Phước đón dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tỉnh đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Haohua 500 triệu USD từ Shandong Haohua Tire, thuộc Tập đoàn Haohua (Trung Quốc).
Dự án triển khai tại Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản trên tổng diện tích thuê đất 43 ha. Sau khi hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị cho hệ thống dây chuyền sản xuất vào quý I/2024.
Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong quý III/2025, với tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp khoảng 120.420 tấn một năm được nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, sản lượng tiêu thụ cao su tại Việt Nam khoảng 96.500 tấn một năm.
Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh nhà máy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh Bình Phước - địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất cả nước với hơn 240.000 ha Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng doanh thu ngành cao su của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân Bình Phước.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh hiện đã quy hoạch 13 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.000 ha, có 12/13 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp chủ yếu tập trung các ngành sản xuất, chế tạo linh kiện điện tử; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các ngành quần áo, dệt may, giày dép, gỗ.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước có Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích hơn 28.300 ha, được định hướng trở thành đầu mối giao lưu kinh tế, giao thông vận tải quan trọng của khu vực phía Nam.