Nhìn lại ba làn sóng FDI vào Việt Nam, thời điểm bùng nổ vốn đăng ký lên tới 64 tỷ USD
Việt Nam đã chứng kiến ba đợt bùng nổ đầu tư nước ngoài
Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn tăng trưởng mạnh vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) kể từ khi mở cửa kinh tế.
Làn sóng thứ nhất diễn ra từ năm 1991 đến năm 1997 với vốn đăng ký 16,24 tỷ USD, vốn thực hiện 12,98 tỷ USD. Năm 1997, vốn FDI thực hiện đạt 3,11 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991 (328,8 triệu USD).
Trong làn sóng đầu tiên này, nổi bật nhất phải kể đến Honda Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 1996 và xuất xưởng chiếc xe máy đầu tiên vào tháng 12/1997. Hồi tháng 2 đầu năm, Honda Việt Nam xuất xưởng chiếc xe máy thứ 35 triệu. Đến nay, tổng số vốn đầu tư của Honda đạt hơn 600 triệu USD với thị phần xe máy dẫn đầu thị trường (chiếm gần 80% thị phần tại Việt Nam).
Năm 2005 mở đầu làn sóng FDI thứ hai sau khi trải qua thời kỳ suy thoái FDI trong giai đoạn 1998 - 2004 do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Lượng vốn đăng ký mới trong năm 2005 đạt 6,83 tỷ USD, vốn thực hiện 3,3 tỷ USD. Đáng chú ý vào năm 2008,tổng vốn FDI đăng ký lên tới 64 tỷ USD, mức cao kỷ lục tính tới cả thời điểm hiện tại.
Ở giai đoạn này, Samsung đã đầu tư chính thức vào Việt Nam (năm 2008) với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh. Kể từ thời điểm đó, Samsung liên tục mở rộng đầu tư vào Thái Nguyên, Hà Nội, TP HCM.
Hiện nay Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Lũy kế mức đầu tư của Samsung tính đến cuối năm 2022 là 20 tỷ USD và đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Sau giai đoạn này, từ năm 2009 đến năm 2014, vốn FDI vào Việt Nam không thay đổi nhiều so với thời kỳ 2005 - 2008, vốn thực hiện hàng năm từ 11 đến 12 tỷ USD.
Làn sóng FDI thứ ba khởi đầu từ năm 2015 với vốn đăng ký khá ấn tượng 22,75 tỷ USD, tăng 12,5% và vốn thực hiện 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014.
Năm 2015 cũng chứng kiến nhiều dự án FDI có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD như dự án Công ty Samsung Display Việt Nam được đăng ký năm 2014 có vốn đầu tư 1 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 3 tỷ USD tại Khu công nghiệp Yên Phong 1, Bắc Ninh.
Ngoài ra còn có Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 công suất 1.200 MW có vốn đầu tư 2,4 tỷ USD của Công ty Janakuasa Sdn. Bhd - Malaysia tại tỉnh Trà Vinh; Dự án Nhà máy sản xuất giấy của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper có vốn đầu tư 1 tỷ USD của Samoa tại Khu công nghiệp Bình Dương.
Kỳ vọng có thêm làn sóng FDI thứ tư
Trong bài đăng mới đây, Nikkei Asia dự báo Việt Nam có thể đón đợt bùng nổ FDI lần thứ tư sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tháng trước.
"Chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, cơ hội hình thành làn sóng FDI thứ tư", Nikkei cho hay.
Tháng 9, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Chuyến đi của ông Biden cũng mang đến một số thương vụ kinh doanh lớn như Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận mua 50 máy bay Boeing 737 Max, trị giá khoảng 10 tỷ USD.
FPT Software cũng công bố hợp tác chiến lược với công ty khởi nghiệp Landing AI của Mỹ. Synopsys, chuyên về các giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và bảo mật phần mềm hàng đầu trong ngành cũng ký một biên bản ghi nhớ hợp tác giúp ngành bán dẫn Việt Nam đào tạo lao động.
Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến công tác tại Mỹ. Khi thăm trụ sở của gã khổng lồ sản xuất chip Nvidia, Thủ tướng đề nghị tập đoàn thành lập nhà máy tại Việt Nam, xem Việt Nam là cứ điểm ở Đông Nam Á. Thủ tướng cũng tiếp lãnh đạo một số tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Mỹ như Bill Gates, Elon Musk.
Nhiều công ty chứng khoán cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi với dòng vốn từ Mỹ sau khi hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện. FDI sẽ trở thành một trong ba động lực tăng trưởng chính những tháng cuối năm, bên cạnh đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ có thể mở đường cho các dự án FDI từ nước này đến Việt Nam (chiếm khoảng 2,6% tổng vốn FDI của các dự án còn hiệu lực), đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Gần đây, Việt Nam thu hút một số dự án trong lĩnh vực bán dẫn, như dự án nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 (Hàn Quốc) với kế hoạch rót 1 tỷ USD đến năm 2025; Tập đoàn Victory Giant Technology (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử 400 triệu USD hay Amkor Technology (Mỹ) mở nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip trị giá 1,6 tỷ USD.
Mirae Asset cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích cho quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất đang diễn ra, với các động lực như đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; các chính sách hỗ trợ và cam kết hướng tới mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 và điều kiện kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu, rủi ro địa chính trị, cũng như sự chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc, các nhà sản xuất sẽ có động lực tìm kiếm thị trường mới để đặt nhà máy, hoặc xem xét chiến lược Trung Quốc+1.
Trong khi đó, HSBC khẳng định Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia.
Nhóm phân tích nhấn mạnh lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Luồng FDI mới tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, tính đến thời điểm này đã vượt mức tổng FDI mới của từng năm trong ba năm qua.
Báo cáo cũng đề cập đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào tháng 9 khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Tổng thống Biden công bố rằng các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm Amkor và Marvell, có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Nhưng không chỉ Mỹ đầu tư vào Việt Nam, vài tuần sau, công ty Hana Micron của Hàn Quốc cũng hưởng ứng bằng việc công bố sẽ mở rộng sản xuất chip với khoản đầu tư 1 tỷ USD từ đây đến năm 2025.