Tâm điểm vĩ mô tháng 6: Chờ đợi kết quả tăng trưởng GDP quý II
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, các số liệu kinh tế tháng 5 không quá xấu, tuy nhiên nhu cầu yếu vẫn ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực xuất khẩu.
Lĩnh vực này trong tháng 5 vẫn tăng trưởng âm với mức sụt giảm 5,9% so với cùng kỳ, tuy nhiên mức giảm này nhẹ hơn hẳn so với tháng 4 (giảm hơn 17%).
Sức khỏe ngành sản xuất vẫn chưa được cải thiện khi chỉ số PMI trong tháng 5 ghi nhận ở mức 45,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 cho tới nay. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng, việc làm tiếp tục giảm mạnh, và niềm tin kinh doanh cũng suy yếu là những yếu tố chính khiến cho chỉ số PMI ngành sản xuất giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Trong đó, số lượng đơn đặt hàng mới đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 20 tháng.
Diễn biến này tiếp tục cho thấy triển vọng của ngành sản xuất cũng như xuất khẩu trong các tháng tới đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Về mặt tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 519.000 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).
- TIN LIÊN QUAN
-
CEO WiGroup: Thanh khoản trung dài hạn và sức khỏe hệ thống ngân hàng không cho phép giảm mạnh lãi suất đầu ra 04/06/2023 - 22:10
Tăng trưởng quý II khó vượt mức 5%
Dự báo về tăng trưởng GDP quý II, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho rằng với việc đầu tư công không đủ mạnh để kích thích kinh tế, sản xuất trong nước vẫn yếu, tăng trưởng quý II khó có thể vượt mức 5%.
"Để đạt được tăng trưởng cả năm 6%, hai quý cuối năm phải tăng trưởng trên 7%. Đây là mục tiêu khá thách thức, chưa nói đến mục tiêu 6,5%, đặc biệt khi tăng trưởng quý II dự báo vẫn tiêu cực, gây áp lực lên hai quý cuối năm", ông nói thêm.
Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Báu cho rằng điểm tích cực là Việt Nam vẫn có thặng dư thương mại, điều này sẽ góp phần giúp tỷ giá ổn định, nếu không triển vọng kinh tế Việt Nam khá là xấu.
Theo đại diện WiGroup, các chính sách như giảm VAT, giảm lãi suất,… cần ít nhất 6-9 tháng mới phản ánh vào nền kinh tế. Trong ngắn hạn, để kích thích kinh tế chỉ trông chờ vào đầu tư công.
"Ngay từ đầu năm, đầu tư công được kỳ vọng sẽ bứt tốc, tuy nhiên các số liệu cho thấy có khả quan nhưng không thảm mãn mong muốn của toàn thị trường.
Trung bình giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 20%, mức này không phải quá đột phá. Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng giải ngân đầu tư công thường tăng tốc vào cuối năm vì vậy tăng trưởng giải ngân đầu tư công giai đoạn cuối năm mới là điều cần lưu ý", ông nói thêm.
CEO của WiGroup cũng đề cập đến việc mặc dù Việt Nam đã bước vào chu kỳ giảm lãi suất nhưng nền kinh tế vẫn chưa có sự phục hồi rõ nét.
"Hiện, lãi suất chính sách của Việt Nam thấp hơn của Mỹ. Lãi suất liên ngân hàng, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng đều thấp hơn. Điều này có thể gây áp lực lên tỷ giá, trở thành rào cản khiến NHNN không thể hạ thêm lãi suất", ông nói.
Cũng dự báo về tăng trưởng GDP quý II, các chuyên gia của Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng tăng trưởng sẽ chỉ đạt 3% do nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm xuất khẩu và những khó khăn trên bất động sản vẫn tiếp diễn.
Theo các chuyên gia tại đây, xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục suy giảm trong nửa cuối năm mặc dù có thể thấy sự phục hồi khiêm tốn trong quý IV do hưởng lợi từ mức so sánh thấp.
Nhu cầu từ Mỹ và EU có thể sẽ vẫn yếu do tăng trưởng chậm lại và hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tăng cao. Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị suy yếu do tiên lượng nhu cầu toàn cầu ảm đạm (do đầu vào thượng nguồn chiếm phần lớn các chuyến hàng đến Trung Quốc) và sự phục hồi của Trung Quốc là nhờ vào dịch vụ, vốn ít nhập khẩu hơn.
MBKE cũng cho rằng lượng khách du lịch phục hồi sẽ không đủ để hỗ trợ tăng trưởng, do nền kinh tế của Việt Nam có định hướng xuất khẩu cao.
Chờ đợi nhiều chính sách có thể được thông qua tại hai kỳ họp Quốc hội
Nói về những điểm cần lưu ý thời gian tới, trong báo cáo mới nhất, SSI Research cho rằng hai kỳ họp Quốc hội (một đang diễn ra và một kỳ họp vào tháng 10 tới đây) sẽ thảo luận và dự kiến thông qua nhiều luật liên quan đến bất động sản.
Về Luật Đất đai sửa đổi, để có thời gian chuyển tiếp thuận lợi cho cơ chế xác định giá đất mới – theo cơ chế thị trường, việc áp dụng khung giá đất hiện tại có thể được kéo dài cho đến ngày 31/12/2025.
Đối với Luật tổ chức tín dụng, có thể chỉ có một phần các nội dung trong Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu được luật hóa, và điều này có thể sẽ khiến các ngân hàng thương mại cần phải cẩn trọng hơn trong việc kiểm soát nợ xấu trong thời gian tới.
Dự báo năm 2024, SSI duy trì quan điểm cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ là yếu tố tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng.
Về chính sách tài khóa, việc kết thúc gói hỗ trợ kích thích kinh tế 2022-2023 sẽ khiến cho việc chi tiêu đầu tư của Chính phủ trong năm 2024 ước tính giảm so với 2023. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ cũng đang đề xuất giải pháp cho phần vốn chưa được sử dụng hay giải ngân trong gói hỗ trợ này thông qua việc linh hoạt điều tiết với kế hoạch đầu tư công trung hạn hay gia hạn giải ngân sang năm 2024-2025.
"Rủi ro đối với nền kinh tế trong năm 2024 không chỉ khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay rủi ro phá sản/ nợ xấu gia tăng từ nửa cuối 2024 trở đi mà có thể đến từ việc triển khai thiếu hiệu quả các biện pháp hỗ trợ/cải cách kinh tế", các chuyên gia tại đây nhận định.