|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

270.000 người mất việc từ đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp quý I của Việt Nam vẫn thấp so với các nước khác

11:17 | 06/06/2023
Chia sẻ
Theo thống kê, đến ngày 26/5, số người mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, có khoảng 270.000 người mất việc

Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội. 

Trả lời chất vấn của đại biểu  về tình trạng thiếu việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25 %, so với cách đây hơn một năm ngày 11/11/2021, khi Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam vào top 5 về tỷ lệ thất nghiệp.

"Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng nhưng không phải riêng Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp quý I của Việt Nam so với các quốc gia khác vẫn ở ngưỡng thấp", Bộ trưởng Dung nói.   

 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội).

Theo thống kê, đến ngày 26/5, số người mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, có khoảng 270.000 người mất việc. Ông đánh giá do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi lực lượng lao động và giải quyết chính sách với Bộ Luật Lao động.  

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về những giải pháp hỗ trợ lao động nữ mất việc làm ở tuổi ngoài 40, Bộ trưởng cho biết hiện nay phần lớn lao động trong ngành nghề dệt may, da giày đều là lao động nữ.

Do đó, theo Bộ trưởng, tình trạng mất việc, giãn việc rơi vào lao động nữ là phần nhiều và 3 triệu người lao động đã chuyển về địa phương thời gian qua chủ yếu là người mẹ mang theo con nhỏ.

"Để giải quyết vấn đề này, trước hết phải đào tạo ngay từ sớm, khi chưa mất việc. Đồng thời cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội để đảm bảo tránh thiệt thòi cho lao động nữ, khi về địa phương cần có cơ chế chính sách, tạo việc làm thủ công cho lao động nữ". ông nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Duy Thanh tại sao năng suất lao động thấp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có nhiều nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam, nhưng có hai vấn đề chính là yếu tố vốn và kỹ năng, trình độ người lao động.

Bộ trưởng chưa đồng tình với nhận định năng suất lao động Việt Nam thấp hơn so với Campuchia. Ông phân tích, lực lượng lao động Việt Nam đang phân bố khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thì thấp. Hơn nữa, quy mô lao động Việt Nam rất lớn, do đó cũng một công việc ấy đáng lẽ một người làm nhưng san sẻ 2-4 người làm nên tỷ lệ thất nghiệp không cao.  

Để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng cho biết giải pháp thời gian tới là cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao; hạn chế sử dụng các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.

Về thực trạng thu nhập, đời sống, việc làm của người lao động, nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6 % so với quý IV/2022.

Bộ trưởng nhận xét, các doanh nghiệp đã cố gắng; doanh nghiệp, người lao động cũng san sẻ, chia sẻ với phương châm phát triển cùng hưởng, khó khăn sẻ chia. Tuy nhiên, có thể thấy lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ.

 


 

 


 

Anh Đào