30 năm lăn lộn thương trường giờ mới biết thế nào là tận cùng nỗi đau
Thật đau lòng khi phải nói ra chúng tôi lỗ 1 tỷ đồng mỗi ngày.
Kể từ năm 2015, San Hà tham gia chương trình "Bình ổn thị trường" của Bộ Công Thương, chúng tôi vẫn đảm bảo số lượng hàng hóa với giá ổn định trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính.
Dịch COVID-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP HCM khiến nhà hàng, bếp ăn tập thể, cửa hàng thức ăn nhanh đóng cửa, lượng tiêu thụ thịt gà công nghiệp giảm 50%.
Giá gà trắng lao dốc, chỉ còn 8.000 đồng/kg trong khi chúng tôi đã hợp đồng với người dân, các nhà cung cấp với giá 25.000 – 26.000 đồng/kg.
Hợp đồng ký rồi, gà đến lứa phải bắt nếu không quá ngày, dịch bệnh xảy ra, hậu quả không thể đong đếm bằng tiền.
Hiện nay, mỗi ngày San Hà ra đưa ra thị trường khoảng 50.000 con gà trong đó chi phí sản xuất là 60.000 đồng/con. Nhưng chúng tôi chỉ bán được 40.000 đồng/con, lỗ 20.000 đồng/con.
Như vậy, mỗi ngày San Hà đang lỗ khoảng 1 tỷ đồng. Con số này nói ra thật đau khổ, không biết doanh nghiệp có thể chịu đựng đến bao giờ.
Nhưng cũng phải gác lại tất cả, nuốt nước mắt vào lòng để tiếp tục vật lộn với COVID-19.
Chúng tôi hiểu rằng, ở thời điểm này tất cả từ Chính phủ, doanh nghiệp đến mỗi người dân Việt Nam đều mang những nỗi đau. Doanh nghiệp cũng phải ôm, phải chạy, phải gánh vác cùng xã hội.
San Hà cũng sẽ cố gắng ôm nỗi đau này. Khi dịch bệnh qua đi, chúng tôi tin rằng các bộ, ngành và xã hội sẽ không bỏ rơi San Hà.
COVID-19 khiến sức khỏe doanh nghiệp yếu đi là nỗi đau. Nhưng nỗi đau càng chồng chất khi cứ 72 giờ 100 công nhân xét nghiệm lại có 10 người nhiễm COVID-19.
Đội ngũ công nhân quan trọng như nguồn sống của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn phát triển mạnh trên thị trường thì đội ngũ lao động phải khỏe mạnh và có năng lực.
Dịch COVID-19 đến quá bất ngờ, nằm ngoài mọi dự tính khiến chúng tôi không đỡ nổi.
Tất cả chúng ta đều biết, nhà máy sản xuất, chế biến là đầu mối quan trọng nhất kết nối người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, COVID-19 đang tấn công vào các nhà máy, nguồn nhân lực mới không đáp ứng kịp trong khi nhiều doanh nghiệp, siêu thị phân phối thực phẩm đang "khát" hàng hóa.
Công nhân là tài sản của doanh nghiệp, tài sản của Việt Nam. Tuy nhiên, tâm lý công nhân đang hoảng loạn, họ sợ COVID-19, dù công ty trả lương gấp 2 – 3 lần họ cũng không đến nhà máy làm việc khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Vì vậy, tiêm vắc xin cho công nhân càng sớm càng tốt giải pháp xoa dịu nỗi sợ của người lao động.
Sau cơn mưa, trời lại sáng nhưng chúng tôi bắt đầu lo lắng khi nghĩ về tương lai chẳng mấy tươi sáng như kỳ vọng.
Chuỗi liên kết của San Hà hợp tác với vài công ty nước ngoài về chăn nuôi nhưng có 1-2 công ty đang dừng lại, không ký kết hợp đồng cho năm 2022 vì lỗ nặng trong năm 2021.
Có thể, liên kết 4 nhà của chúng tôi sẽ đứt gãy do người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không cùng định hướng xã hội, không cùng đồng hành với mình. Họ chỉ tính giá cám lên, giá gà phải lên đồng ý thì ký, không đồng ý thì thôi.
Hậu COVID-19, chúng tôi đang bế tắc đầu vào, chưa biết sẽ tái đàn và phục hồi kinh tế bằng cách nào, định hướng đầu ra ra sao?
Trong khi giá cám, chi phí vận chuyển tăng phi mã, tiêu thụ lại chậm và khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của các doanh nghiệp chăn nuôi của cả nước nói chung và TP HCM nói riêng.
Chúng tôi mong rằng các Bộ, ngành vào cuộc thời điểm sẽ tham mưu, xây dựng chính sách dành cho các doanh nghiệp chăn nuôi như chính sách tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế, giãn nợ…
Đồng thời, có tác động để giảm giá thức ăn chăn nuôi, chi phí vận chuyển giúp các doanh nghiệp có chí hướng phục hồi kinh tế nhanh và vững.