Đầu ra bán lỗ vì giá rớt thảm, người nuôi gà còn chịu cảnh phải đốt bỏ gà giống
Con đường tiêu thụ gà muôn vàn trắc trở
Thời gian qua, khi bùng phát dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam, nhiều địa phương siết chặt kiểm soát việc di chuyển đã khiến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với gia cầm.
Chia sẻ với người viết, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết: "Tình hình tiêu thụ con gà của người chăn nuôi ngày càng khó khăn. Trước đây, xe vận chuyển đã đăng ký luồng xanh thì chỉ cần đăng ký những đường chính, tài xế lái xe có xét nghiệm COVID-19 âm tính còn giá trị là đủ.
Tuy nhiên luồng xanh bây giờ xe đi đường nào là phải khai báo đầy đủ từng con đường xe đi qua như quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, liên xã, liên ấp.... Nếu chủ xe khai báo không đầy đủ hết tất cả các con đường xe đi qua là bị chặn phạt tiền và bắt xe quay đầu, hoặc tài xế vì một lý do gì đó phải nghỉ thì ngày đó xe đó cũng không đi được vì không đúng tài".
Khó khăn thứ hai là giờ giới nghiêm từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau với nhiều chốt kiểm dịch và yêu cầu kiểm soát không giống nhau khiến việc lưu thông hàng hóa bị ách tắc.
"Mới đây tại chốt trực xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) có một trại chở 200 bao cám, cách trại khoảng 500 m có một chốt trực họ yêu cầu phải gọi xe khác ra trung chuyển không cho xe đi qua chốt, xin mãi không được buộc phải đi bộ, chở được 150 bao thì đến 18h họ không cho chở nữa phải bỏ 50 bao cám ngoài đường để 6h sáng mai chở tiếp. Tuy nhiên, đến tối khoảng 20h30 đổi người trực thì họ cho chở tiếp", ông Lê Văn Quyết dẫn chứng.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đồng Nam Bộ, một trở ngại khác có thể kể đến là việc các nhà máy giết mổ có ca F0 phải đóng cửa, khi được giết mổ trở lại thì thiếu công nhân vì F0 đi điều trị, F1 đi cách ly.
Đây cũng là chia sẻ của ông Lê Phương Hải, đại diện một trại chăn nuôi ở Đồng Nai, khi cho biết việc các cơ sở giết mổ lớn buộc phải đóng cửa do nhiễm COVID-19 cùng với các chợ truyền thống hạn chế, bếp ăn sinh viên học sinh và nhà máy, công xưởng đóng cửa, hoạt động vận chuyển bị gián đoạn gây rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ gà thương phẩm.
"Một số chuồng đang bị dồn ứ rất nhiều, số gà đã chết do quá tải chuồng nuôi trong trại buộc phải tiêu hủy mỗi ngày cả trăm con, còn gà giống đến ngày xuống chuồng cũng không có chuồng để thả, việc dọn vệ sinh chuồng trại cũng không thể thực hiện, đó là chưa kể quy định ai ở đâu ở yên đó khiến việc điều hành của chủ trại khó khăn, gây thiệt hại cho người chăn nuôi rất nhiều", ông Hải cho biết.
Bán lỗ vẫn không tiêu thụ hết, gà giống phải chịu cảnh đốt bỏ
Theo chia sẻ của người chăn nuôi, do tắc nghẽn tại khâu giết mổ, vận chuyển, mức giá xuất chuồng hiện nay của con gà rất thấp so với chi phí sản xuất khiến nhiều hộ chăn nuôi "khóc ròng" vì bán lỗ.
Cụ thể, để nuôi một con gà lông trắng đến xuất chuồng cần 1-2 kg cám, với giá cám hiện nay là 12.000-13.000 đồng/kg, tổng chi phí sản xuất khoảng 28.000 - 29.000 đồng/kg, chưa tính chi phí nhân công, điện nước, thuốc men thì người chăn nuôi đang bán lỗ khoảng hơn 20.000 đồng/kg vì giá bán hiện nay chỉ từ 6.000 - 10.000 đồng/kg.
"Việc giá gà rớt thảm, tình trạng gà thịt tiêu thụ không được đã khiến hàng triệu con gà giống lẽ ra phải được vào trại nuôi nhưng do lứa trước đang bị ách tắc, vẫn đang nằm trong trại, thậm chí phải đốt bỏ. Do đó, từ giờ đến cuối năm, lượng chuồng nuôi thả sẽ giảm đáng kể", ông Hải chia sẻ.
Phân tích cụ thể, ông Lê Văn Quyết cho biết, theo dòng chảy, con gà đẻ trứng thì vẫn đẻ trứng, chứ không thể ngưng được vì ngưng thì đến lứa mới nó sẽ không đẻ nữa; trứng đẻ ra sẽ được mang đi ấp và đưa gà con xuống chuồng để nuôi.
Tuy nhiên, hiện nay con gà lớn không ra tiêu thụ được thì lứa gà con thể không vào chuồng, do đó, đã có một số lượng lớn gà giống buộc phải đốt bỏ ở các trại chăn nuôi, còn trứng gà giống phải chuyển qua trứng gà thương phẩm để bán với giá thành giảm 50-60% so với sản xuất ra con giống.
Dự báo về nguồn cung sắp tới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam Bộ cho rằng: "Thực tế đang có một khủng hoảng thừa ở trại chăn nuôi nhưng lại khủng hoảng thiếu ở người tiêu dùng. Tình hình này chắc chắn sẽ khiến cho nguồn cung thịt gà bị thiếu hụt trong thời gian tới".
Tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hồi đầu tháng 8, số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết tại các tỉnh phía Nam có khoảng 60 triệu con gia cầm đến ngày xuất chuồng nhưng chưa thể tiêu thụ được.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lượng gia cầm vào đàn thấp có thể gây ra một đợt khủng hoảng thiếu nguồn cung vào dịp Tết. Do đó, Bộ NN&PTNT cho rằng cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là tăng lưu thông và chế biến, cấp đông khi giá gia cầm hạ quá thấp.
Còn với người chăn nuôi, ông Lê Phương Hải cho rằng: "Nông dân hiện nay rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, các nhà máy giết mổ, chợ truyền thống, công xưởng, nhà máy cần sớm hoạt động trở lại thì mới cứu được con gà. Ngoài ra, người chăn nuôi phải được tiêm vắc xin đầy đủ để thuận tiện trong việc xuất gà nhanh đến tay người tiêu dùng".