|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ NN&PTNT: Nguy cơ xảy ra khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết

11:43 | 05/08/2021
Chia sẻ
Với tình trạng giá gia cầm thấp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ NN&PTNT cho rằng có thể xảy ra đợt khủng hoảng thiếu nguồn cung vào dịp Tết. Cục Chăn nuôi dự báo giá các sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng và tăng cao vào thời điểm tháng 7 - 9 do nhu cầu tăng, nguồn cung giảm.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo lượng gia cầm vào đàn thấp có thể gây ra một đợt khủng hoảng thiếu nguồn cung vào dịp Tết. 

Do đó, Bộ NN&PTNT cho rằng cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là tăng lưu thông và chế biến, cấp đông khi giá gia cầm hạ quá thấp.

Trước đó, tại "Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản", ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết hiện nay tỉnh còn 1 triệu con gà chưa có đầu ra, tương đương khoảng 2,5 triệu tấn thịt.

Trong đó, giá gà trắng giảm mạnh nhất, chỉ còn 7.000 đồng/kg. Một con gà 3 kg chỉ bán được gà chỉ bán được 20.000 đồng, chưa bằng 1 kg rau.

Với mức giá này người chăn nuôi đang lỗ 20.000 đồng mỗi kg gà. Nếu nhân với 2,5 triệu tấn gà thì doanh nghiệp, người chăn nuôi đang lỗ số tiền rất lớn.

"Trong mấy ngày qua, hơn 1 triệu con gà giống đã bị đốt bỏ do không có chuồng nuôi, không thể vận chuyển con giống, thức ăn chăn nuôi…", ông Xuân nói.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà tại TP HCM, khi dịch bệnh xảy ra lượng tiêu thụ giảm đi chỉ còn 50%. Trong khi hợp đồng liên kết với trang trại là 25.000 - 26.000 đồng/kg nhưng giá gà bán ra hiện chỉ còn 8.000 đồng/kg.

Hiện nay chi phí cho một con gà là 60.000 đồng, bao gồm giá vốn là 50.000 đồng, chi phí giết mổ 10.000 đồng. Giá gà hơi trên thị trường giảm mạnh, doanh nghiệp phải bán ra thị trường với giá khoảng 40.000 đồng/con.

Cục Chăn nuôi dự báo giá các sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng và tăng cao vào thời điểm tháng 7 - 9 do nhu cầu tăng, nguồn cung giảm. Lượng con giống đưa vào chăn nuôi thương phẩm trong quý I giảm so với quý IV/2020.

Hiện tại, các doanh nghiệp, lò mổ đang cố gắng duy trì sản xuất, tổ chức “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến không đáp ứng được điều kiện vì chi phí quá lớn trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh dẫn đến phải dừng hoạt động. 

Phần lớn cơ sở giết mổ và nhà máy chế biến, công nhân lao động chưa được tiêm vắc xin Sar - CoV-2 khi có ca nhiễm nhà máy phải đóng cửa, tổn thất rất lớn.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho 100% lực lượng công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện 3 tại chỗ và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện chuỗi giá trị, trực tiếp sản xuất. 

Hiện, một số nhà máy, lực lượng công nhân duy trì sản xuất đông nhưng mới chỉ tiêm vắc xin khoảng 30 - 40% nguy cơ lây dịch bệnh là rất cao. Đây là lực lượng lao động trực tiếp đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm lâu dài.

H.Mĩ