Cục Thú y lên tiếng trước thông tin gà thải loại nhập khẩu vào Việt Nam
Theo phản ánh của các cơ quan truyền thông và người dân, thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra khá phổ biến, phức tạp tại các địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cảnh báo hiện nay đã ghi nhận tình trạng gà loại thải của Thái Lan "đi bộ" vào Việt Nam với số lượng khá lớn.
Điều này khiến việc tiêu thụ các sản phẩm gia cầm rất bấp bênh, gà trắng nuôi 40-52 ngày hay gà lông màu khoảng 70-90 ngày phải kéo dài lên 110 ngày, chuyển thành gà đẻ trứng.
“Nếu tình trạng này kéo dài, cả doanh nghiệp nội địa và nông dân sẽ rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ, thiếu vốn và có nguy cơ dừng sản xuất. Ngay cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như CP, De Heus cũng rất mệt mỏi vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu”, Chủ tịch VIPA nói.
Tại cuộc họp giao ban Bộ NN&PTNT ngày 4/5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Thú y làm rõ thông tin có hay không hiện tượng thịt gà thải loại xuất hiện tại thị trường Việt Nam, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Trả lời Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết Việt Nam hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, mọi hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu, trong đó có các sản phẩm thịt và phụ phẩm đều tuân theo nguyên tắc thị trường. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam rất minh bạch.
Hiện có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được cấp phép xuất khẩu thịt động vật sang Việt Nam.
Để một sản phẩm thịt và phụ phẩm có mặt trên thị trường Việt Nam cần tuân thủ nhiều bước, bao gồm nước xuất khẩu nộp hồ sơ đánh giá năng lực thú y tới Việt Nam; đoàn công tác Việt Nam sẽ kiểm tra thực địa để đối chiếu hồ sơ; hai bên sẽ thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch từ nước xuất khẩu.
Sau đó, các thủ tục do phía Việt Nam ban hành nhằm cho phép doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhập khẩu thực phẩm động vật theo Nghị định 15.
Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh Việt Nam không hề có hạn ngạch cho các sản phẩm thịt nên quy trình nhập khẩu thịt và phụ phẩm vào Việt Nam rất nghiêm ngặt. Ngay cả khi được cấp phép, các sản phẩm này còn phải lấy mẫu kiểm dịch thú y định kỳ, cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
“Không có chuyện Việt Nam thả cửa cho các sản phẩm thịt "thải loại" vào thị trường, mọi sản phẩm thịt xuất khẩu vào nước ta đều trải qua quy trình đàm phán tối thiểu 5 năm”, ông Nguyễn Văn Long nói.
Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, đúng là có hiện tượng các sản phẩm thịt ở những quán nhậu tương đối rẻ so với mặt bằng chung.
Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, ông Tiệp tham mưu với Bộ trưởng chỉ đạo hệ thống quản lý chất lượng tại địa phương phối hợp với hệ thống thú y và cơ quan quản lý địa phương để tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, giúp bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.
Bàn về vấn đề thịt "thải loại" tuồn vào Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết nước ta có đường biên giới cả trên đất liền lẫn trên biển đều rất dài, điều này luôn chịu nguy cơ sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng có thể được đưa qua biên giới.
Ngoài ra, thị hiếu của người dân Việt Nam là thích thịt đùi gia cầm, hoặc những phần thịt dai. Điều này ngược so với đa số các nước trên thế giới thích phần ức gà. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, một số vụ vi phạm có thể xảy ra.
Hiện, hệ thống thú y và các đơn vị liên quan vẫn đang giám sát chặt thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam.
"Hàng năm, WTO luôn tổ chức nhiều phiên họp về các quy định liên quan tới thị trường. Nếu có bất cứ vấn đề gì, chúng ta sẽ lập tức nhận được phản ánh", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.