|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung dư thừa, vì sao gà thải loại vẫn ồ ạt ‘chạy’ vào Việt Nam?

07:00 | 02/05/2023
Chia sẻ
Là nước có tổng đàn gia cầm thuộc top đầu thế giới nhưng nước ta vẫn phải nhập một lượng lớn thịt gà đông lạnh hằng năm, chưa kể hàng nhập lậu "chạy" qua biên giới vào Việt Nam. Điều này đang tạo sức ép, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và người chăn nuôi.

25% nguồn cung thịt gà là hàng nhập khẩu

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) giai đoạn từ năm 2018 - 2022, chăn nuôi gia cầm từ 435,9 triệu con năm 2018 lên 557,3 triệu con vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

Trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563.000 tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

(Số liệu: Cục Chăn nuôi, Biểu đồ: Hoàng Anh) 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ yếu, tổng cung đang vượt tổng cầu, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lại rất thấp, song khó khăn vẫn chưa dừng lại, doanh nghiệp trong nước còn phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Theo số liệu của Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VIPA), lượng sản phẩm gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam liên tục gia tăng trong những năm qua, 2021 nhập 225.000 tấn thịt gà đông lạnh, năm 2022 nhập 246.000 tấn, quý I/2023 nhập gần 51.000 tấn, chiếm khoảng 25% nguồn cung thịt gà, gây áp lực rất lớn cho thị trường tiêu thụ trong nước.

Trong giai đoạn 2020-2021, tăng trưởng nhập khẩu thịt gà tới gần 60%, trong khi tăng trưởng sản xuất chỉ khoảng 6,1%.

 Lượng thịt gà nhập khẩu theo chủng loại về Việt Nam từ năm 2022 đến 4/4/2023. (Nguồn: VIPA)

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA cảnh báo hiện nay đã ghi nhận tình trạng gà loại thải của Thái Lan "đi bộ" vào Việt Nam với số lượng khá lớn, chưa kể gà dai Hàn Quốc về Việt Nam cũng rất nhiều, có những quý nhập cả da gà, cổ, cánh, chân – những sản phẩm mà người nước ngoài không tiêu thụ nhiều.

Điều này khiến việc tiêu thụ các sản phẩm gia cầm rất bấp bênh, gà trắng nuôi 40-52 ngày hay gà lông màu khoảng 70-90 ngày phải kéo dài lên 110 ngày, chuyển thành gà đẻ trứng.

“Nếu tình trạng này kéo dài, cả doanh nghiệp nội địa và nông dân sẽ rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ, thiếu vốn và có nguy cơ dừng sản xuất. Ngay cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như CP, De Heus cũng rất mệt mỏi vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu”, Chủ tịch VIPA nói.

Thói quen tiêu dùng, giá cả ‘mở đường’ cho gà loại thải có chỗ đứng

Là nước chăn nuôi gia cầm top đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu rất nhiều thịt gà, vậy điều gì đang tạo ra chỗ đứng cho những sản phẩm này?

Trao đổi với người viết, ông Bùi Đức Huyên, Tổng Giám đốc CTCP Dinh dưỡng Việt Tín cho biết nguyên nhân đầu tiên là tập quán tiêu dùng, người Việt thích ăn đùi hơn ức gà dù giá trị dinh dưỡng của ức gà cao gấp 3 lần.

Ở các quốc gia khác, ức gà chiếm 3/4 giá trị của con gà, người dân không tiêu thụ nhiều đùi gà, cánh gà nên giá nhập về Việt Nam rất rẻ, đặc biệt là những loại gà đẻ loại thải (gà nuôi trên 1 năm 4 tháng, các nước chủ yếu tận dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi).

“Tôi có tiếp cận với một đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm, 1 tháng họ nhập về 200 tấn đùi gà, nhưng đàm phán cung ứng khoảng 20 tấn gà tươi cho họ cũng rất khó.

Hàng nhập khẩu về, giá bán lẻ chỉ khoảng 29.000 đồng/kg đùi gà, trong khi bên tôi bán gà lông hơi đã 32.000 đồng/kg, chưa kể bán riêng từng bộ phận riêng biệt. So về giá thành, hàng trong nước không thể cạnh tranh được”, ông Huyên cho biết.

Ông Bùi Đức Huyên, Tổng Giám đốc CTCP Dinh dưỡng Việt Tín. (Ảnh: Phạm Mơ)

Tổng giám đốc công ty Việt Tín phân tích thêm, sở dĩ giá thành sản phẩm gia cầm trong nước có giá cao hơn hàng nhập khẩu bởi mảng thức ăn chăn nuôi, chiếm 70% giá thành chúng ta đang phải phụ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài. Thêm vào đó, khâu lưu thông, phân phối tiêu thụ sản phẩm gia cầm còn nhiều bất cập đã đẩy giá bán lẻ lên cao, làm giảm sức mua.

Ông Huyên cho rằng nguồn cung dồi dào, giá rẻ chính là yếu tố hỗ trợ cho đùi, cánh gà nhập khẩu có chỗ đứng ở các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh – mảnh đất màu mỡ mà doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm thị phần.

Về phía hiệp hội, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng dù đã có nhiều chính sách kiểm soát gà nhập lậu nhưng dường như vẫn có những kẽ hở cho các sản phẩm này tuồn vào Việt Nam. Chúng ta đang hơi dễ dãi trong việc cho phép các sản phẩm gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam.

Chặn đường hàng nhập khẩu bằng hàng rào kỹ thuật

Trước nguy cơ thịt gà nhập khẩu lấn lướt hàng trong nước, đại diện VIPA đề nghị Bộ NN&PTNT và các cơ quan cần có các biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh, gà đẻ loại nguyên con đông lạnh, đồng thời kiểm soát tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, tình trạng tạm nhập tái xuất các sản phẩm gia cầm. 

Trả lời báo chí về vấn đề trên, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần tăng cường biện pháp kiểm soát các sản phẩm gia cầm nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm.

"Dù phải tuân thủ đầy đủ quy định của các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể xây dựng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gia cầm không đáp ứng an toàn thực phẩm và có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân", ông Chinh nói.

Phạm Mơ