|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp bán trứng giống thành trứng thương phẩm, nguy cơ thiếu gia cầm dịp Tết

20:06 | 01/09/2021
Chia sẻ
Giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá đầu ra giảm mạnh khiến nông dân hạn chế tái đàn, các doanh nghiệp bán trứng giống thành trứng thương phẩm. Dự báo tổng đàn gà sẽ giảm mạnh, nguy cơ thiếu gia cầm vào dịp Tết Nguyên đán.

Giá gia cầm lao dốc vì tiêu thụ bế tắc

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm giá gia cầm giảm sâu, đặc biệt với mặt hàng gà thịt.

Thống kê của Hiệp hội gia cầm Việt Nam (VIPA), giá gà thịt lông màu 3 miền giảm 16 - 17% so với bình quân năm 2020. Giá gà thịt lông trắng miền Bắc giảm 28%, giá gà lông trắng tại miền Nam giảm khoảng 60% so với bình quân năm ngoái.

Nguyên nhân là thị trường gia cầm giảm cả cung và cầu, khâu lưu thông tiêu thụ khiến giá bán chỉ bằng một nửa giá thành, khu vực miền Nam còn tồn đọng 9 – 10 triệu con gà.

Tại Hội nghị sản xuất chăn nuôi cung - cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Các doanh nghiệp chăn nuôi phía Nam chỉ tiêu thụ được 5 - 10% gà công nghiệp trắng dẫn đến tồn đọng khoảng 9,3 triệu con gà đã đến tuổi xuất chuồng".

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết nguồn cung gia cầm vượt cầu, nguy cơ cuối năm Việt Nam sẽ phải xuất khẩu gà công nghiệp giá rẻ.

Nhu cầu tiêu thụ giảm 40% do các khu công nghiệp, trường học đóng cửa, người dân không có thu nhập vì thất nghiệp, giảm ngày làm.

Trong khi, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá đầu ra giảm mạnh khiến nông dân hạn chế tái đàn, các doanh nghiệp bán trứng giống thành trứng thương phẩm. Dự báo tổng đàn gà sẽ giảm mạnh, nguy cơ thiếu thực phẩm vào dịp Tết, đặc biệt là gà ta.

Bên cạnh đó, ông Sinh nhận định mức chênh lệch giữa các khâu sản xuất – phân phối – tiêu dùng đang khá lớn khiến người sản xuất phải bán giá thấp, người tiêu dùng phải mua giá cao.

Đại diện Sở NN&PTNT Đồng Nai kiến nghị cần tập trung giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa, kết nối tiêu thụ và luân chuyển hàng hóa để cả người bán, người mua đều được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho các cơ sở chăn nuôi, giết mổ để đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng trong những tháng cuối năm.

Theo ông Từ Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ, hiện nay các sản phẩm gia cầm của tỉnh chủ yếu tiêu thụ nguyên con, chưa qua giết mổ cho các tỉnh lân cận.

Kể từ khi Hà Nội giãn cách xã hội, việc tiêu thụ gà khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nông dân bỏ chuồng, giảm tái đàn, tổng đàn gà của tỉnh giảm khoảng 30 – 35%.

Doanh nghiệp bán trứng giống thành trứng thương phẩm, nguy cơ thiếu gia cầm dịp Tết - Ảnh 1.

Người dân hạn chế tái đàn, tổng đàn gà ở Phú Thọ giảm 30 - 35% (Ảnh: VietnamBiz)

"Tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp thông tin người dân về thị trường tiêu thụ cuối năm để người dân yên tâm sản xuất song quyết định tiếp tục hay dừng lại thuộc về nông dân.

Do đó, Nhà nước, ngành chức năng cần có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, khuyến khích nông dân tái đàn", ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Duy Kỷ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Chính phủ giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đối với ngô hạt từ 5% xuống 3%, lúa mỳ từ 3% xuống 0% để đồng hành cùng với doanh nghiệp hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, giảm gánh nặng cho nông dân.

Bên cạnh đó, ông Kỷ cũng đề xuất Bộ làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, giãn nợ cho các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi, đồng thời xây dựng chính sách tín dụng cho những đối tượng sản xuất, chăn nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

2 kịch bản cho ngành gia cầm

Ngành gia cầm đang phải chịu khủng khoảng kép từ dịch bệnh và thị trường. 6 tháng đầu năm, ngành tăng trưởng âm, giảm 25 – 30% so với đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đứng trước nguy cơ mất vốn và không thể cầm cự thêm nếu dịch COVID-19 kéo dài sang năm 2022.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết doanh nghiệp muốn bình ổn giá cho người dân nhưng mọi chi phí vận chuyển, thức ăn chăn nuôi đều tăng trong khi giá đầu ra giảm mạnh, doanh nghiệp chịu lỗ rất nặng.

Ngoài ra, các công ty liên kết với San Hà cũng tạm dừng liên kết năm 2022 do tình hình kinh doanh khó khăn. San Hà mong muốn nhận được sự đồng hành, góp ý của các Bộ trong về các phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu đại dịch COVID-19.

COVID-19 không chỉ làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gia cầm mà còn bào mòn sức khỏe, tâm lý của công nhân trong các doanh nghiệp nếu không được tiêm vắc xin kịp thời.

"Công nhân là tài sản của doanh nghiệp, tài sản của quốc gia. Chúng tôi rất đau lòng khi phải đưa F0, F1 đi điều trị, cách ly.

Doanh nghiệp có thể giỏi về kinh doanh nhưng không thể biết về chuyên môn y tế, không thể xây bệnh viện chăm lo sức khỏe cho người lao động. Do đó, San Hà kiến nghị tiêm vắc xin đầy đủ cho công nhân càng sớm càng tốt", bà Hà nói.

Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc công ty TNHH Ba Huân cho biết việc tổ chức 3 tại chỗ là khó khăn chung của mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động cần tiêm vắc xin đủ 2 mũi để an tâm sản xuất.

Doanh nghiệp bán trứng giống thành trứng thương phẩm, nguy cơ thiếu gia cầm dịp Tết - Ảnh 2.

Người chăn nuôi, công nhân trong doanh nghiệp chăn nuôi cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin để đảm bảo sức khỏe, tiếp tục sản xuất cho cuối năm. (Ảnh: VietnamBiz)

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA dự báo hai kịch bản cho ngành gia cầm trong 4 tháng cuối năm.

Ở kịch bản tươi sáng, dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 9, các địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội thì tổng cầu, tổng cầu sản phẩm gia cầm cùng tăng trở lại, thị trường sẽ được cải thiện. Và nguồn cung sản phẩm thịt, trứng gia cầm nội địa có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu 3 tháng cuối năm.

Ngược lại, nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cả tổng càu và tổng cung vẫn không tăng, tình hình sản xuất và thương mại gia cầm vẫn tiếp tục khó khăn, ngành gia cầm có thể đối mặt với tăng trưởng âm so với năm 2020.

Bên cạnh đó, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sản phẩm gia cầm nội địa có thể xảy ra 3 tháng cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cục diện sản xuất và thương mại trong nông nghiệp toàn cầu, đặc biệt là khủng hoảng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, khâu giết mổ chế biến tập trung và lưu thông tạo ra khoảng rất xa giá thành và giá tiêu dùng.

Ngoài giải pháp các Sở NN&PTNT đề xuất, ông Sơn cho rằng: "Sự khó khăn và lúng túng của cả ngành nông nghiệp thời gian qua cho thấy ngành chăn nuôi cần thay đổi về chiến lược phát triển và chuẩn bị các kịch bản, giải pháp ứng phó với khủng hoảng thị trường, dịch bệnh trên người và gia súc.

Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm thiểu phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu", ông Sơn nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Anh