|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bài 4: Những quân domino đầu tiên nghiêng ngả và mối lo tác động dây chuyền

14:00 | 16/09/2021
Chia sẻ
"Rủi ro từ ngắn đến trung hạn mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải là tác động dây chuyền từ đứt gãy nguồn cung ứng có thể lan tới lĩnh vực tài chính và hệ quả xã hội của cuộc khủng hoảng khi thất nghiệp gia tăng".
Nền kinh tế trong sự gãy đổ chuỗi cung ứng - Bài 4: Những quân domino đầu tiên nghiêng ngả và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 1.

"Rất nhiều doanh nghiệp và người làm sản xuất đã đến giới hạn chịu đựng", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T - công ty xuất khẩu trái cây tại TP HCM đánh giá, đợt dịch lần thứ 4 có quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều cả ba đợt dịch trước cộng lại.

Với khoảng 10 đầu xe thường xuyên lưu thông từ TP HCM đi các tỉnh và đội xe từ các nhà máy sơ chế đi các vùng thu hoạch, ông Tùng cho biết, việc vận chuyển trái cây từ vùng nguyên liệu tới nhà máy cho đến nơi tiêu thụ đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Chưa kể, hơn 3 tháng nay kể từ khi lệnh giãn cách, các cửa hàng bán lẻ trái cây, nước hoa quả tươi Fruit T&T tại TP HCM đều phải đóng cửa. Không có doanh thu nhưng doanh nghiệp vẫn phải gánh đủ các khoản chi phí duy trì lực lượng nhân viên, bảo dưỡng máy móc, thiết bị,… khiến sức chịu đựng của công ty cạn kiệt. 

"Nhà máy của chúng tôi ở Trà Vinh, để vận chuyển hàng lên TP HCM phải qua các chốt kiểm dịch của tỉnh như Bến Tre, Long An,... nhưng mỗi địa phương khi áp dụng quy định lại hiểu và thực hiện theo mỗi cách khác nhau nên dù doanh nghiệp đã chuẩn bị các loại giấy tờ cho tài xế như giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính,… vẫn chưa hẳn lưu thông được tất cả chốt", ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Việt Suisse chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn mà doanh nghiệp ông và rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành đang phải đối mặt.

"Thương lái không thể đến thu mua, nông dân sản xuất ra lúa nhưng không bán hàng được. Tình cảnh này có thể đến vụ mùa sau họ sẽ không còn vốn để tái canh tác. Khi đó nguồn cung lương thực sẽ giảm mạnh", ông Hùng lo ngại.

Đứt gãy chuỗi cung ứng (bài 2): Những quân domino đầu tiên sụp đổ và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 2.

Hàng hoá ùn ứ tại các cửa ngõ ra vào các địa phương khi áp dụng quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 mỗi nơi một khác. (Ảnh: Kinhtenongthon).

Nền kinh tế trong sự gãy đổ chuỗi cung ứng - Bài 4: Những quân domino đầu tiên nghiêng ngả và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 4.

Nếu như lúa gạo chậm thu mua còn có thể lưu kho dự trữ được vài tháng, thì tình cảnh bi đát hơn đến với những nông dân chăn nuôi, mắt xích yếu nhất trong chuỗi cung ứng ngành chăn nuôi thuỷ sản, gia cầm khi chuỗi cung ứng đứt gãy toàn diện từ sản xuất giống, mua bán, chế biến và tiêu thụ.

"Tôm nuôi khoảng ba tháng là xuất bán để lâu sẽ sinh bệnh, tôm ngộp chết,… thiệt hại sẽ rất lớn nhưng do giãn cách không có người đi thu mua, lượng mua giảm hơn 50% do nhiều nhà máy đóng cửa vì COVID-19", ông Lê Minh Chính, Giám đốc HTX Ninh Phú, Khánh Hòa cho hay.

Đứt gãy chuỗi cung ứng (bài 2): Những quân domino đầu tiên sụp đổ và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 2.

Người chăn nuôi thua lỗ, muốn bán lỗ thu hồi ít vốn cũng không có người mua (Ảnh: Khải An)

"Giá tôm hiện nay đã giảm 30.000 - 50.000 đồng/kg nhưng lượng thu mua rất ít. Tuy bán tháo với giá thấp nhưng lượng tôm tiêu thụ rất thấp nên người nuôi tôm vẫn rất khó để thu hồi vốn còn lại. Nếu kéo dài vụ tôm này các cơ sở nuôi tôm như chúng tôi có thể lỗ 2-3 tỷ đồng/vụ", ông Nguyễn Văn Vinh, chủ cơ sở nuôi tôm tại Ninh Thuận cho biết.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết hiện đơn hàng còn rất nhiều nhưng công ty chỉ hoạt động khoảng 20-30% công suất.

"Đơn hàng rất nhiều, giá tăng mà không bán được. Người nông dân thì phải bán giá rất thấp, khổ vô cùng". Ông Quang lo ngại, với tình hình này, người nuôi tôm sẽ lỗ nặng và không thể tái thả tôm ở vụ sau, đến khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.

Nền kinh tế trong sự gãy đổ chuỗi cung ứng - Bài 4: Những quân domino đầu tiên nghiêng ngả và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 6.

Với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết mặc dù đơn hàng đã trải dài đến cuối năm nhưng các nguồn nguyên liệu đầu vào như chỉ, vải, nhãn mác, thùng carton,…của công ty đang thiếu hụt do các nhà cung cấp trong nước phải đóng cửa hoặc giảm công suất vì dịch bệnh khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn.

"Điển hình như khâu đóng thùng, hiện các đơn vị cung cấp thì có nơi bị phong tỏa, không có nguyên liệu đầu vào, có nơi không có công nhân sản xuất nên họ không cung ứng đủ cho mình, khiến công ty không thể xuất hàng được vì theo tiêu chuẩn xuất khẩu phải đóng đúng thùng 5 lớp mới được chấp nhận.

Hay như công đoạn làm mẫu để chào hàng của công ty hiện cũng phải tạm ngưng vì phát hiện ca F0. Và nếu không có công đoạn phát triển mẫu thì việc ký kết hợp đồng mới, mua nguyên liệu sản xuất đều bị trì hoãn, đồng nghĩa với việc mất cơ hội bán hàng và nếu tình hình phong tỏa kéo dài thì doanh nghiệp không còn hy vọng ký kết đơn hàng vì khách hàng đã bỏ đi.

"Với những đối tác chấp nhận giãn thời gian giao hàng, công ty cũng không biết phản hồi như thế nào với khách hàng về thời gian quay trở lại sản xuất theo nhịp độ bình thường khiến đơn hàng dịch chuyển sang các nước khác", Chủ tịch Việt Thắng Jean cho hay.

Đứt gãy chuỗi cung ứng (bài 2): Những quân domino đầu tiên sụp đổ và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 5.

Theo Hawa, chỉ khoảng 30-40% trong số hơn 600 doanh nghiệp trong Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) còn duy trì hoạt động, công suất cũng chỉ đạt được khoảng 35-40%. (Ảnh minh hoạ: AA Corporation).

"Mỗi doanh nghiệp không thể nào tự sản xuất ra sản phẩm mà thực tế các doanh nghiệp sống hữu cơ và lệ thuộc nhau ở từng công đoạn như ốc, vít, bản lề, gỗ nguyên liệu, cung ứng lao động...

Nền kinh tế trong sự gãy đổ chuỗi cung ứng - Bài 4: Những quân domino đầu tiên nghiêng ngả và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 8.

Khi dịch bệnh xảy ra, các địa phương phân loại các vùng dịch khác nhau như vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ với các quy định kiểm soát khác nhau về vận chuyển hàng hóa khiến cho các nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai hay TP HCM không thể di chuyển thuận lợi để cung ứng nguyên liệu cho nhau", ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Sản Xuất Thương Mại Sài Gòn (Sadaco) cũng cho biết đang chịu áp lực lớn khi chuỗi cung ứng đứt gãy.

Ông Mạnh cho biết,với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ như Sadaco, việc đáp ứng các đơn hàng là liên tục, doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các quy định khắt khe thì phải đảm bảo được tiến độ của mình. 

Nếu tình hình kéo dài doanh nghiệp sẽ không đủ sức chống chịu. Nhiều doanh nghiệp đang trong trạng thái "ngủ đông", ngừng hoạt động và chỉ một thời gian ngắn sẽ dẫn đến hậu quả giải thể, phá sản.

Nền kinh tế trong sự gãy đổ chuỗi cung ứng - Bài 4: Những quân domino đầu tiên nghiêng ngả và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 9.

Tại trung tâm kinh tế TP HCM, nơi các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, trong đó phần lớn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại có vai trò trao đổi hàng hóa sản phẩm tạo ra một hệ sinh thái rất lớn giúp người nhập cư dễ dàng tìm đến có được việc làm và thu nhập.

Tuy nhiên, với đặc điểm là dòng tiền dự trữ rất mỏng, nhóm này đang trong trạng thái tê liệt. Số liệu khảo sát mới đây do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và báo VnExpress tiến hành vào giữa tháng 8 cho thấy, gần 60% doanh nghiệp chỉ còn đủ tiền cho chưa đầy 1 tháng duy trì hoạt động. Và nếu tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao. 

Nền kinh tế trong sự gãy đổ chuỗi cung ứng - Bài 4: Những quân domino đầu tiên nghiêng ngả và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 10.

"Đến giờ điểm này, các DN đã gồng gánh 3 tháng, các nguồn huy động "tiếp máu" cũng đã sử dụng hết, ngân hàng khó có thể cho vay tín chấp khi các công ty chưa được kinh doanh, không có nguồn thu trả nợ; rất nhiều doanh nghiệp SME đã chết lâm sàng.

Với gần 3 tháng đóng cửa theo các mức, hầu như các doanh nghiệp SME của TP HCM đã không thể tiếp tục cầm cự và nó sẽ tác động tới các doanh nghiệp lớn đầu chuỗi để dẫn tới khó khăn và toàn bộ hệ thống sản xuất kinh doanh tại nền kinh tế lớn nhất cả nước", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển bình luận.

Mặt bằng kinh doanh tại TP HCM chưa bao giờ khó cho thuê đến thế. (Ảnh: Tấn Lợi).

Trong khi đó, chuỗi cung ứng "ăn theo" các doanh nghiệp FDI, khu vực đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua cũng đang có chiều hướng xấu đi. 

Thông tin từ bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam mới đây cho biết, nhiều doanh nghiệp làm linh kiện cho các hãng lớn như Samsung đã giảm đơn hàng, hai nhà cung ứng lớn nhất của Apple cũng đã chuyển đơn hàng gia công sang nước khác như Trung Quốc. Samsung cũng đã đánh mất vị trí đứng đầu về sản xuất điện thoại di động trên thế giới cũng chỉ vì cứ điểm sản xuất của họ tại Việt Nam bị đóng cửa 1 thời gian.

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam, tập đoàn Nike đã rút 100 triệu USD đơn hàng. "Cũng bởi chỉ thị 16, nhưng mỗi địa phương lại hành xử theo 1 cách khác nhau. Một số địa phương thì vẫn còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động nhưng một số địa phương khác thì hoàn toàn khóa chặt luôn".

"Phía các doanh nghiệp Mỹ sẽ không thể hỗ trợ cho 1 đối tác không thể đáp ứng nhu cầu, họ buộc phải tìm kiếm đối tác thay thế. Không phải sắp tới mà họ buộc phải thực hiện ngay bây giờ", ông Vũ Thế Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết tại hội thảo trực tuyến mới đây do VnEconomy tổ chức.

Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho biết trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội vừa được EuroCham khảo sát, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác và 16% doanh nghiệp khác cũng đang cân nhắc điều này. 

Nền kinh tế trong sự gãy đổ chuỗi cung ứng - Bài 4: Những quân domino đầu tiên nghiêng ngả và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 13.

"Đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời, tuy nhiên nếu tình trạng giãn cách kéo dài, dịch không được kểm soát thì việc doanh nghiệp rời đi là hoàn toàn có thể xảy ra", ông Alain Cany, chủ tịch EuroCham cho hay.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi các khách hàng chuyển đơn hàng qua các nước khác, chúng ta sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức để kéo khách hàng trở lại trong mối quan hệ kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp và môi trường kinh tế quốc gia.

FDI là khu vực đã góp công lớn trong việc đưa kinh tế Việt Nam phát triển vững chắc trong nhiều năm liên tục. Theo Tổng cục thống kê, số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI đã tăng lên khoảng 6,1 triệu vào năm 2019 từ 4 triệu lao động năm 2017 và hàng triệu lao động gián tiếp khác. Tăng trưởng từ FDI đã giúp thu nhập người dân tăng lên và thu nhập thông qua tiêu dùng thẩm thấu vào nền kinh tế và cả thúc đẩy giá bất động sản.

Vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi mạch tăng trưởng vốn FDI không chỉ chậm lại mà còn rút khỏi Việt Nam? Và liệu rằng nền kinh tế có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch như các dự báo như "chiếc lò xo bị nén"?

Nền kinh tế trong sự gãy đổ chuỗi cung ứng - Bài 4: Những quân domino đầu tiên nghiêng ngả và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 14.

Điều này thật sự là đáng lo theo cách nói của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của Thế Giới Di Động – doanh nghiệp bán lẻ hơn có doanh thu trên 100.000 tỷ năm 2020 rằng "chẳng có chiếc lò xo nào bị nén, chỉ có thu nhập giảm, sức mua giảm". 

Ông Tài dự báo sự sụt giảm về cầu do dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trong năm tới, thậm chí có thể kéo dài tới năm 2023 - 2024, tuỳ thuộc vào sự phục hồi của sản xuất.

Đứt gãy chuỗi cung ứng (bài 2): Những quân domino đầu tiên sụp đổ và mối lo tác động dây chuyền - Ảnh 5.

Sức cầu được dự báo sẽ suy giảm mạnh sau đại dịch khi thu nhập người dân giảm, thất nghiệp gia tăng. (Ảnh Minh hoạ: Quỳnh Hoa).

Theo các chuyên gia, chúng ta có thể tạm dừng nửa tháng, một tháng để chống dịch. Nhưng nếu dừng lại quá lâu, cấu trúc nền kinh tế bị phá vỡ, thì sẽ không còn sức lực để chống dịch nữa. Cơ hội phục hồi của doanh nghiệp cũng rất khó khi phải đối mặt với một loạt vấn đề phát sinh như mất mất nhân viên, mất quy trình, khách hàng, nhà phân phối, nhà cung cấp,…

Nếu như Việt Nam không quyết tâm thực thi các chính sách kịp thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh thì nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp gia tăng rất lớn, gây sức ép lên an sinh xã hội quốc gia. "Có thực mới vực được đạo", "có thu nhập, người dân mới có tiền để thực hiện các cách chống dịch".

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho rằng, tác động dây chuyền có thể lan tới lĩnh vực tài chính, nợ xấu gia tăng và rủi ro rất lớn từ ngắn đến trung hạn mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải đó chính là giải quyết hệ quả xã hội của cuộc khủng hoảng.

"Tình trạng thất nghiệp, mất việc là một vấn đề lớn ở nhiều quốc gia có dân số trẻ. Trong đó, tác động khác nhau đến các nhóm đối tượng khác nhau sẽ làm tăng mức độ bất bình đẳng cần phải được xem xét", chuyên gia kinh tế cao cấp WB cảnh báo.

Huy Nguyên