Doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai dù đóng cửa vẫn phải trả lương 290 tỷ một tháng, đề xuất không cần giảm thuế, chỉ cần hoạt động trở lại
Ngày 18/9, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để ghi nhận, giải quyết những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, từ ngày 20/9, Đồng Nai chính thức triển khai kế hoạch từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, đây là điều đáng mừng, tạo tiền cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, chính quyền cần xem xét, nới lỏng một số tiêu chí trong kế hoạch, nhất là quy định về tỷ lệ tiêm vắc xin, thông thương hàng hóa, đi lại của người lao động.
Tại cuộc đối thoại, một số doanh nghiệp bày tỏ mong muốn chính quyền Đồng Nai nhanh chóng phủ vắc xin cho 100% công nhân để doanh nghiệp có đủ điều kiện và sớm trở lại hoạt động.
Theo Thanh niên, ông Lê Quốc Thanh, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái (100% vốn Đài Loan) cho biết tập đoàn có 5 công ty đóng tại Đồng Nai với tổng số lao động khoảng 65.000 người.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tập đoàn phải ngừng hoạt động hơn 2 tháng nay (từ 17.7). Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng tập đoàn phải chi 388 tỷ đồng, trong đó tiền lương cho công nhân khoảng 290 tỷ đồng và 98 tỷ đồng đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc.
Theo ông Lê Quốc Thanh, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì tập đoàn sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì trả mức lương tối thiểu vùng (4,4 triệu đồng/tháng/người) cho toàn thể người lao động vì không có doanh thu.
“Tập đoàn cũng có nhiều đề xuất chính quyền hỗ trợ, nhưng cái quan trọng là cho chúng tôi được hoạt động trở lại. Chúng tôi không cần hỗ trợ giảm thuế vì hoạt động lại thì chúng tôi dư sức để nộp thuế”, ông Thanh phát biểu.
Phản hồi ý kiến của các doanh nghiệp FDI, theo báo Chính phủ, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định việc thông thương hàng hóa trên địa bàn Đồng Nai được thực hiện theo "luồng xanh", không có chuyện cản trở.
Về đi lại giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng đã thống nhất thành lập Tổ giải quyết liên vùng, sắp tới Tổ này sẽ đưa ra những quy định cụ thể áp dụng cho cả vùng Đông Nam bộ.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ngành chức năng Đồng Nai không tạo ra các loại giấy phép "con", làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, tạo miễn dịch trong các nhà máy, tới đây Đồng Nai sẽ tiếp tục phân bổ vắc xin phòng COVID-19 cho doanh nghiệp; điều trị, cách ly những công nhân nhiễm, tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19.